06/07/2018 18:51 GMT+7

Dân Trung Quốc dùng tinh thần dân tộc đương cự Mỹ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã trở thành đề tài thảo luận trên mạng xã hội tại Trung Quốc vượt cả những đề tài như World Cup.

Dân Trung Quốc dùng tinh thần dân tộc đương cự Mỹ - Ảnh 1.

Cam nhập từ Mỹ bày bán trong siêu thị ở Thượng Hải - Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến thương mại như thế đã bắt đầu với quyết định áp thuế mới được thực thi từ cả hai phía.

Dĩ nhiên từ khi quyết định có hiệu lực đến hiển hiện hệ quả có khi chưa phải trong ngày một ngày hai.

Nhưng theo Hãng tin AFP, trên đường phố Bắc Kinh, người dân đã bày tỏ mối lo giá cả hàng hóa nhập khẩu có thể tăng lên ngay do người bán lợi dụng thời cơ.

Dù vậy họ khẳng định ủng hộ cuộc chiến của chính phủ và sẵn sàng chuyển sang mua hàng nội địa.

Ông Yang - khách hàng trong một cửa hiệu tạp hóa ở Bắc Kinh, nói với phóng viên Hãng tin AFP: "Tôi đến đây chỉ để mua nước uống. Nhưng tôi chắc sẽ làm hết sức mình để mua hàng Trung Quốc".

Từ khi kinh tế phát triển, không ít người tiêu dùng ở đô thị Trung Quốc đã nâng chất cuộc sống hằng ngày với hàng hóa nhập khẩu đắt tiền hơn, và có những thời điểm việc đó không phải xuất phát từ "sự chảnh" mà còn vì mất niềm tin vào chất lượng hàng hóa Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc cũng trở thành vấn đề thảo luận trên mạng xã hội ở Trung Quốc, vốn lâu nay ít bàn đến những chuyện vĩ mô như thế này.

Theo Hãng tin Reuters, chỉ riêng chuyện hành trình của tàu hàng Peak Pegasus chở đậu nành từ Mỹ đã trở thành chủ đề được bàn thảo đứng hàng thứ 34 ở mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong ngày hôm nay 6-7, vượt qua cả chủ đề bóng đá thế giới và chuyện giới showbiz.

Chiếc tàu rời cảng Seattle của Mỹ cách đây gần đúng 1 tháng và lẽ ra nó cập cảng Đại Liên của Trung Quốc vào trước thời điểm Bắc Kinh áp thuế đáp trả quyết định tăng thuế của Mỹ.

Theo lịch trình, con tàu hoàn toàn có thể dỡ hàng xuống cảng ở Trung Quốc trước thời điểm trưa 6-7 là thời điểm Bắc Kinh bắt đầu áp dụng thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là mặt hàng đậu nành, hải sản…

Thế mà con tàu chỉ có thể neo đậu vào lúc 17h30 chiều cùng ngày! Nó làm người ta nhớ đến vụ tàu chở trái cherry từ Mỹ đến Trung Quốc bị buộc neo đó để kiểm tra hàng hóa. Sau khi xong các thủ tục mất cả tuần thì món hàng trái cây này cũng chỉ đem vứt bỏ vì đã bầm giập.

Vụ tàu Peak Pegasus vì thế được xem như một ví dụ cho cách đáp trả của Trung Quốc bởi đậu nành hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc, với trị giá 12,7 tỉ USD trong năm 2017.

Dân Trung Quốc dùng tinh thần dân tộc đương cự Mỹ - Ảnh 2.

Tôm hùm nhập từ Mỹ bày bán ở chợ tại Bắc Kinh. Nhiều người Trung Quốc có tiền đã không ngại tiêu dùng hàng nhập khẩu đắt giá - Ảnh: REUTERS

Bắc Kinh đã thể hiện thái độ cứng rắn dù vẫn duy trì cách lập luận "chiến tranh thương mại sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên".

Như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa nhấn mạnh rằng "chiến tranh thương mại tuyệt đối không phải là giải pháp" vì sẽ không có bên nào được lợi.

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Sofia vào tối 5-7 cùng với Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov, ông Lý Khắc Cường khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh thương mại, nhưng nếu bất cứ bên nào thực hiện tăng thuế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích phát triển, cũng như hệ thống và các quy định thương mại đa phương".

Trước thềm Hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc với 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC), theo Hãng tin Reuters, ông Lý Khắc Cường không quên nhắc khéo với Mỹ: "Trung Quốc còn nhiều dư địa để phát triển".

Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường hơn nữa đối với các công ty nước ngoài. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài và đối xử công bằng như đối với các công ty trong nước.

Dù các chuyên gia về Trung Quốc khẳng định rằng căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế thứ hai thế giới, song nhà kinh tế trưởng của DBS, ông Taimur Baig cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% GDP của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa. 

Không chỉ vậy, các nước như Hàn Quốc, Singapore đều có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn dây chuyền cung ứng bởi Trung Quốc cung cấp rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất sản phẩm ở các nước này.

Báo Trung Quốc khẳng định "chơi ngang cơ Mỹ" trong đàm phán thương mại Báo Trung Quốc khẳng định 'chơi ngang cơ Mỹ' trong đàm phán thương mại

TTO - Ngày 21-5, truyền thông Trung Quốc ca ngợi những tín hiệu tích cực trong việc giảm căng thẳng thương mại với Mỹ, khẳng định cả hai nước đứng trước cơ hội hợp tác cùng có lợi.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên