Người dân ở Bình Nhưỡng xem truyền hình quốc gia ngày 21-4 - Ảnh: AFP
Đặc phát viên của Đài Pháp France Info là một trong số hiếm hoi nhà báo nước ngoài được phép có mặt tại Bình Nhưỡng vào thời điểm này để ghi nhận cuộc gặp mang tính lịch sử.
Theo mô tả của nữ nhà báo Elise Delève, tại Bình Nhưỡng chỉ có một nguồn cung cấp thông tin duy nhất cho số đông dân chúng là bản tin thời sự của Đài truyền hình quốc gia phát lúc 20h tối hằng ngày và kéo dài độ mươi phút.
Việc sử dụng mạng Intertnet ở quốc gia được mô tả là "khép kín nhất thế giới" này gần như không có gì, theo ghi nhận của các nguồn tin nước ngoài. Người dân vì thế chỉ đón nhận tin tức chính thức từ kênh truyền hình.
Như chương trình thời sự hôm tối thứ tư 25-4 có chút đặc biệt là 3 MC xuất hiện lần lượt trước ống kính để nói về các binh sĩ quân đội đang ăn mừng một ngày lễ, nói về hệ thống thủy lợi mới của một vùng nông thôn và về việc khai trương một cửa hàng bán thịt mới.
Tuyệt nhiên không có thông tin nào đả động đến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tổ chức chỉ hơn một ngày sau ở phần lãnh thổ Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm - nơi mà Chủ tịch Kim Jong Un sẽ trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc từ sau Chiến tranh Triều Tiên phân định hai miền.
Người dân Hàn Quốc thức dậy từ sáng sớm 27-4 cầm theo biểu ngữ ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều để chào mừng Tổng thống Moon Dae In rời Phủ tổng thống đi gặp ông Kim Jong Un - Ảnh: REUTERS
Trong bản tin thời sự tối 25-4 đó, người xem chỉ được biết là Chủ tịch Kim đã đưa ra một tuyên bố quan trọng nhưng không biết tuyên bố đó có nội dung gì!
Cơ quan thông tấn trung ương KCNA sau đó mới phát nội dung tuyên bố vào lúc rất muộn.
Người dân hay quan chức Triều Tiên cũng chả ai đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh đầy quan trọng này. Một người am hiểu vấn đề giải thích với nữ nhà báo của France Info: "Cô chỉ có thể bàn bạc về cuộc thượng đỉnh này ở đây một khi nó kết thúc và các bên đưa ra tuyên bố. Nhưng cũng không chắc là họ có chịu nói chuyện chính trị với cô không…".
Nữ nhà báo Elise Delève cho biết trên đường phố cũng chẳng thấy gì liên quan cuộc gặp thượng đỉnh: ở tất tần tật trên đường phố, trong trường học, nhà máy mà các nhà báo nước ngoài được phép tham quan, họ chỉ thấy treo, dán đầy những ápphích to tôn vinh lãnh tụ và ngợi ca đất nước.
Và trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào, người đối thoại phía Triều Tiên đều nhắc đến cái tên Kim Jong Un trong vị trí lãnh đạo tối cao mà họ tin tưởng tuyệt đối và biết ơn vô vàn.
Người dân Triều Tiên hát múa trong lễ hội mừng Ngày Ánh Dương ở thủ đô Bình Nhưỡng. Hình ảnh được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA phát đi ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS
Sinh viên Hàn Quốc tổ chức tuần hành ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS
Nhiều người dân ở Hàn Quốc đã xuống đường tuần hành những ngày qua để kêu gọi thống nhất đất nước - Ảnh: REUTERS
Sinh viên Triều Tiên cầm lá cờ thống nhất trong cuộc tuần hành tổ chức ở thủ đô Seoul ngày 26-4 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận