27/06/2024 11:14 GMT+7

Đan Mạch đánh thuế phân bò, cừu, heo

Đan Mạch sẽ đánh thuế phát thải nhà kính phát ra từ hoạt động ợ hơi và các ao phân từ hoạt động chăn nuôi gia súc như bò, cừu và heo kể từ năm 2030.

Một đàn bò gần khu vực Allerup, Đan Mạch - Ảnh: CNN/GETTY IMAGES

Một đàn bò gần khu vực Allerup, Đan Mạch - Ảnh: CNN/GETTY IMAGES

Đan Mạch sẽ là nước đầu tiên đánh thuế nguồn phát thải khí methane - một trong những loại khí mạnh nhất góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo Hãng tin AP ngày 25-6, loại thuế này còn cần được Quốc hội Đan Mạch phê chuẩn nhưng dự kiến sẽ sớm được thông qua sau khi có sự đồng thuận rộng rãi.

Bộ trưởng Thuế vụ Đan Mạch Jeppe Bruus cho biết mục tiêu của nước này là giảm 70% lượng khí thải từ mức năm 1990 vào năm 2030, đồng thời đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Ông cũng hy vọng các quốc gia khác sẽ noi theo bước đi này của Đan Mạch.

Bắt đầu từ năm 2030, người chăn nuôi ở Đan Mạch sẽ bị đánh thuế 43 USD cho mỗi tấn CO2 tương đương do gia súc thải ra và tăng lên 108 USD vào năm 2035. Tuy nhiên do được khấu trừ thuế thu nhập 60%, nên số tiền phải đóng sẽ là 17,3 USD mỗi tấn vào năm 2030 và tăng lên 43 USD vào năm 2035.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, mặc dù CO2 thường được chú ý nhiều hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng khí methane giữ nhiệt nhiều hơn khoảng 87 lần trong khoảng thời gian 20 năm.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết mức độ khí methane thải ra từ các nguồn bao gồm bãi rác, hệ thống dầu khí và chăn nuôi đã tăng nhanh chóng kể từ năm 2020. Trong đó, chăn nuôi chiếm 32% lượng khí methane do con người gây ra.

Khoảng 90% khí methane từ chăn nuôi hình thành từ cách gia súc tiêu hóa, thông qua quá trình lên men và được thải ra dưới dạng ợ hơi. Trong đó, bò chiếm phần lớn lượng khí methane thải ra so với lợn và cừu.

Một con bò thông thường tại Đan Mạch sản sinh ra 6 tấn CO2 tương đương mỗi năm.

Theo thống kê, Đan Mạch có hơn 1,48 triệu con bò tính đến tháng 6-2022.

10% khí methane còn lại trong chăn nuôi thoát ra từ các ao chứa phân.

Trước Đan Mạch, New Zealand từng thông qua một luật tương tự dự kiến có hiệu lực vào năm 2025. Tuy nhiên, luật này đã bị xóa bỏ vào hôm 26-6 vừa qua sau những chỉ trích gay gắt từ nông dân và sự thay đổi trong nội các sau cuộc bầu cử năm 2023.

Tranh cãi về quy định của EU giám sát phát thải đối với các hãng hàng khôngTranh cãi về quy định của EU giám sát phát thải đối với các hãng hàng không

Trong một bức thư gửi Ủy ban châu Âu, các hãng hàng không giá rẻ EasyJet, Ryanair và WizzAir bày tỏ phản đối kế hoạch của EU giám sát các vệt hơi nước của máy bay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên