14/11/2022 11:42 GMT+7

Dàn lãnh đạo quyền lực thế giới quy tụ tại Bali, Indonesia căng mình đảm bảo an ninh

DUY LINH (từ Bali, Indonesia)
DUY LINH (từ Bali, Indonesia)

TTO - Vì Hội nghị G20 năm nay được tổ chức trên đảo Bali nên nước chủ nhà Indonesia đã chuẩn bị cả phương án cho tình huống xấu nhất là phải sơ tán các đoàn đại biểu bằng cả đường biển.

Dàn lãnh đạo quyền lực thế giới quy tụ tại Bali, Indonesia căng mình đảm bảo an ninh - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ cỡ lớn KRI Surabaya, một trong ba tàu được dùng để sơ tán VVIP nếu có biến - Ảnh chụp màn hình Kompas

"Nếu có biến trên đất liền hoặc thiên tai, chúng tôi sẽ sơ tán các đại biểu G20 bằng đường biển. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp", Tư lệnh Hạm đội II, Chuẩn đô đốc TSNB Hutabarat nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngắn chiều 13-11.

Tổng cộng 14 chiến hạm bao gồm các tàu vận tải quân sự đã được huy động đến Bali trong đợt cao điểm của Hội nghị G20 là ngày 15 và 16-11.

Trong số này có ba tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như KRI Surabaya (trọng tải hơn 12.000 tấn), KRI Wahidin Sudirohusodo (tàu bệnh viện gần 8.000 tấn) và tàu đổ bộ KRI Teluk Banten (hơn 3.700 tấn) dùng để sơ tán các phái đoàn và khách VVIP.

Phía Indonesia cũng huy động 15 trực thăng, hai chiến đấu cơ F-16 và hai tiêm kích Su-30 để bảo đảm an ninh, ngăn chặn mối đe dọa đến từ trên không.

Tổng quân số đảm bảo an ninh cho chuỗi sự kiện ở Bali là hơn 18.000 người, trong đó có 3.000 binh sĩ thuộc 14 chiến hạm và các đơn vị đặc nhiệm như người nhái, thủy quân lục chiến.

G20 là một nhóm gồm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Indonesia,... ra đời vào năm 1999. Đến năm 2008, cuộc họp của G20 được nâng cấp thành hội nghị cấp cao với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ/nền kinh tế thành viên.

Sự kiện năm nay do Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đăng cai và thu hút được nhiều sự chú ý do diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và cạnh tranh Mỹ - Trung gần như phủ bóng sự kiện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nằm trong số các nguyên thủ quốc gia tham dự sự kiện lần này, nên việc đảm bảo an ninh được chủ nhà Indonesia đặc biệt chú trọng.

Tổng thống Biden đến Bali vào tối muộn 13-11 sau chuỗi hội nghị ASEAN tại Campuchia. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ lần đầu tiên gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức tổng thống.

Lần cuối cùng ông Biden và ông Tập gặp nhau trực tiếp là vào năm 2011, khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ, còn ông Tập là phó chủ tịch nước Trung Quốc.

trung tam hoi nghi g20

Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ G20 tại Bali - Ảnh: DUY LINH

Bali là một tỉnh của Indonesia. Tỉnh này bao gồm đảo chính Bali và một vài đảo nhỏ lân cận.

Khoảng 435 hãng truyền thông quốc tế và Indonesia đã đăng ký dự đưa tin sự kiện quan trọng này, với khoảng 2.051 nhà báo/phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại Bali.

Trước chuỗi Hội nghị G20, Bali được biết đến là hòn đảo du lịch với nhiều cảnh đẹp, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Đối diện bất tương phùng tại G20 Đối diện bất tương phùng tại G20

TTO - Cuộc gặp lần này mang nhiều ý nghĩa, khi đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ gặp trực tiếp những người đồng cấp của các quốc gia phương Tây, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine đến nay.

DUY LINH (từ Bali, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên