
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) là công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính toàn diện, khách quan, đa chiều.
Mức độ hài lòng về dịch vụ công đã tăng
Năm 2024, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan khảo sát SIPAS trên 36.000 người dân ở 195 đơn vị hành chính cấp huyện, 385 đơn vị hành chính cấp xã và 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố. Trong đó có các chính sách như khám chữa bệnh, kinh tế, giáo dục phổ thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt…
Kết quả SIPAS 2024 trung bình gần 84%, tăng 1,28% so với 2023. Có 5 tỉnh thành đạt kết quả cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngược lại, 5 địa phương thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi. Kết quả giữa các tỉnh thành nằm trong khoảng 78,16 - 90,59%.
Mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công 2024 đạt hơn 84%, tăng 1,12% so với năm 2023. Kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,18 - 92%.
Các địa phương có mức độ hài lòng cao nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngược lại, 5 địa phương có mức độ hài lòng thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang, Đắk Lắk.

Bộ Nội vụ đánh giá cán bộ, công chức viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân - Ảnh: HÀ QUÂN
Chỉ 8,98% cho rằng có một số công chức gây phiền hà sách nhiễu
Theo Bộ Nội vụ, người dân quan tâm đến chính sách ở mức cao, từ 77,88% - 82,6%, tăng gần 2% so với 2023.
Mong muốn tập trung vào nâng cao năng lực của cán bộ, công chức viên chức trong giải quyết việc của dân (chiếm hơn 66%), thái độ phục vụ với người dân (khoảng 63%) hay nâng cao tính công khai minh bạch trong cung cấp thông tin (gần 60%).
Tuy vậy, Bộ Nội vụ đánh giá người dân chưa sẵn sàng tham gia góp ý chính sách. Hình thức gửi phiếu xin ý kiến đến nhà được ủng hộ nhất song chỉ có hơn 39% người được khảo sát sẵn sàng cho ý kiến.
Về mức độ sẵn sàng của người dân trong tham gia góp ý chính sách trực tuyến trên website, chỉ 1 địa phương đạt ở mức 44,79%, còn lại của 62 tỉnh nằm trong khoảng 1,24% - 20%.
Tương tự, với mức độ sẵn sàng của người dân trong tham gia góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến trên nền tảng xã hội Zalo, Facebook, chỉ có 2 địa phương đạt mức trên 30%, còn lại của 61 tỉnh nằm trong khoảng 2,27% - 29,68%.
Chính sách trật tự, an toàn xã hội được quan tâm nhiều nhất trong khi chính sách phát triển kinh tế ít được quan tâm nhất. So với năm 2023, chính sách điện sinh hoạt cũng là 1 trong 2 chính sách được quan tâm nhiều nhất.
"Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 90,06% cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 8,98% cho rằng có một số công chức gây phiền hà sách nhiễu và 0,96% cho rằng có nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu", Bộ Nội vụ nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận