24/05/2016 09:39 GMT+7

Dải phân cách và chiếc búa

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Đừng để tai nạn thương tâm xảy ra rồi người có chức trách mới nhắc đến dải phân cách như một phần nguyên nhân, còn người bị nạn nhắc đến chiếc búa để đập kính xe nhằm thoát ra ngoài như một điều ước.

Hai ngày qua, Bệnh viện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chìm trong tang tóc. Tại nhà đại thể, 11 thi thể cháy đen được đưa vào đây không còn nguyên vẹn.

Họ là nạn nhân của vụ tai nạn thương tâm xảy ra lúc 4g15 ngày 22-5, giữa xe khách Sơn Quy và xe giường nằm Phương Trang làm 12 người chết tại chỗ và 40 người bị thương nặng.

Theo các cơ quan chức năng, lỗi trước hết thuộc về người cầm lái nhưng nếu đoạn đường này có dải phân cách thì đã không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như trên.

Trong khi đó, các nạn nhân thoát chết nói họ may mắn chui qua được chỗ kính vỡ ở đầu xe, nếu có búa phá kính có lẽ nhiều người đã không chết cháy hoặc bị thương quá nặng.

Vì thế, một ngày sau vụ tai nạn thương tâm, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu lắp thêm dải phân cách cứng và các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1.

Theo UBND tỉnh này, đây là giải pháp nhằm hạn chế lấn làn và chống đối đầu giữa các loại xe.

Thống kê từ Sở GTVT Bình Thuận càng cho thấy cần gấp rút rà soát, lắp đặt dải phân cách cứng ở những “điểm đen” tai nạn giao thông.

Bởi chỉ trong năm 2015, trên quốc lộ 1 (đoạn không lắp dải phân cách) đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Riêng đoạn đường qua xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam (nơi xảy ra vụ đối đầu giữa xe Sơn Quy và Phương Trang) trong một tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13 người và bị thương 9 người. Mới đây, cách khu vực này chưa tới 4km cũng xảy ra vụ hai xe tải đối đầu làm 2 người chết.

Lắp đặt dải phân cách cứng suốt tuyến được các nước trên thế giới coi là giải pháp tích cực nhằm hạn chế tai nạn do lưu thông lấn trái đường.

Tuy nhiên, ở nước ta lại có tình trạng người dân một số nơi phản ứng với “con lươn” cứng này vì họ cho rằng nó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ.

Có không ít vụ khôi hài khi người dân ùn ùn kéo nhau đi... phá dải phân cách. Nghiêm trọng hơn, có nơi người ta còn “chạy chọt” để không bị lắp dải phân cách trước hàng quán của mình.

Ngăn chặn hoàn toàn tai nạn giao thông là việc không dễ nhưng có thể hạn chế ở mức thấp nhất bằng nhiều biện pháp. Đó là sự quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan chức năng. Đó là việc chấp hành luật lệ, ý thức của nhà xe, người đi xe.

Trong khi chờ những tuyến đường mới được đầu tư xây dựng rộng hơn, nhiều làn xe hơn, an toàn hơn (như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) thì các giải pháp trước mắt rất cần được lưu ý thực hiện để giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm bảo toàn tính mạng người dân.

Tổng cục Đường bộ và chính quyền địa phương tuyến quốc lộ đi qua cần phải nhanh chóng tổ chức rà soát lại điều kiện an toàn giao thông trên đoạn đường này, sớm lắp đặt dải phân cách những nơi cần mà chưa có.

Bên cạnh đó, phía nhà xe cũng cần có trách nhiệm trong việc trang bị, lắp đặt các dụng cụ thoát hiểm, cứu nạn khi gặp sự cố. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, yêu cầu gắt gao đối với nhà xe trong việc này.

Đừng để tai nạn thương tâm xảy ra rồi người có chức trách mới nhắc đến dải phân cách như một phần nguyên nhân, còn người bị nạn nhắc đến chiếc búa để đập kính xe nhằm thoát ra ngoài như một điều ước.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên