Các chuyên gia chia sẻ về mối kết nối giữa đại học và doanh nghiệp hiện nay - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hội thảo thu hút gần 20 đại diện đại học Úc và khoảng 35 đại học trong nước. Ngoài ra, còn có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đào tạo nhân lực tại Việt Nam.
Việt Nam là thị trường tiềm năng
Sự kiện ghi nhận nhiều đại học Úc đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Bà Regina Milanes - giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế, Đại học Miền Trung Queensland - cho biết trường hiện xem Việt Nam là thị trường tiềm năng.
Trường đang tìm kiếm các đối tác để triển khai những chương trình giáo dục mới giữa hai bên.
Tương tự, ông Suhail Seth - giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh, Học viện Thương mại và Công nghệ Úc - cho rằng hiện trường rất cẩn trọng trong việc tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam. Các đại học đối tác sẽ phải đáp ứng chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, còn là năng lực của sinh viên.
Trong khi đó, ông Hugo Nguyen - đại diện Việt Nam của Trường đại học Kỹ thuật Sydney - cho rằng ngoài học thuật, sẽ còn nhiều mảng khác các trường Úc có thể hợp tác ở Việt Nam. Một trong số đó là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ.
Ngoài liên kết với trường, họ có thể "bắt tay" cùng các cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam.
Khoảng cách giữa đại học và doanh nghiệp luôn tồn tại
Bà Rebecca Ball - phó tổng lãnh sự Úc, kiêm tham tán thương mại và đầu tư cao cấp của Austrade - trong sự kiện ngày 18-5 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại hội thảo, ông Vũ Ninh - thành viên hội đồng quản trị, Công ty Gemadept - cho rằng khoảng cách giữa doanh nghiệp và trường đại học sẽ luôn tồn tại, cần xem là một thực tế. Khó có thể đòi hỏi sinh viên vừa tốt nghiệp hoàn thiện ngay các yêu cầu của doanh nghiệp.
Thời gian lý tưởng để sinh viên ra trường có thể trưởng thành ở doanh nghiệp là 3-5 năm.
Theo ông Ninh, khoảng cách đại học và doanh nghiệp đến từ cả hai phía. Các đại học thường đi theo hướng nghiên cứu, hàn lâm. Đôi khi, lý thuyết "đi trước" thực tiễn ở doanh nghiệp.
Ngược lại, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất lại phát sinh những yêu cầu rất mới. Ngoài ra, công nghệ, quy trình trong nhà trường và ngoài doanh nghiệp không đồng nhịp.
Vì vậy, ông Ninh cho rằng chỉ có thể thu hẹp khoảng cách mà khó có thể xóa bỏ. Một trong những cách thu hẹp hiệu quả là thông qua bên thứ 3. Điển hình, Austrade đang giúp nhiều trường và doanh nghiệp tham gia những chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Bà Lê Thị Kim Anh - phó chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) - cho rằng nhiều doanh nghiệp đang kết nối với các đại học thông qua những chương trình đến trường chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, hiệu quả không cao. "Một số công ty chia sẻ tiếp cận được 800 sinh viên, họ mới tuyển được 8 bạn. Tỉ lệ chỉ là 1%", bà Kim Anh nói.
Vì thế, gần đây VNHR có hướng tiếp cận khác. Theo đó, VNHR liên kết với nhiều trường một lúc, chọn ra khoảng top 30 sinh viên ngành nhân sự giỏi. Các bạn sẽ được tham gia những buổi chia sẻ từ các chuyên gia nhân sự.
Các sinh viên trong top 10 còn được đào tạo 1-1. Qua toàn bộ quá trình, doanh nghiệp thành viên sẽ thấy sinh viên nào là ứng viên phù hợp nhất.
Đại diện các đại học Úc và Việt Nam kết nối tìm kiếm hợp tác trong sự kiện - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sinh viên ít đến phòng hướng nghiệp của trường
Bà Eliza Chui - tham tán thương mại và đầu tư của Austrade - nêu một thực tế các sinh viên hiện ít khi đến các phòng hướng nghiệp của trường. Các phòng hướng nghiệp là nơi sinh viên có thể trò chuyện cùng các chuyên gia nghề nghiệp để lên kế hoạch làm việc ngay từ khi bắt đầu bước vào trường đại học.
Tuy nhiên, theo bà Eliza Chui, "những cuộc khảo sát cho thấy hầu hết sinh viên không biết phòng này. Họ không bao giờ tìm đến. Hoặc nếu có, họ cũng chỉ đến khi đã học năm cuối. Như vậy là rất trễ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận