13/08/2023 10:56 GMT+7

Đại gia Thái Lan kiếm bộn tiền nhờ đầu tư mạnh, mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Đại gia Thái đang mạnh mẽ mở công ty vốn FDI và niêm yết hoặc đổ hàng tỉ USD để mua cổ phần các doanh nghiệp Việt trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đem lại bộn tiền cho người Thái.

Siam Brother được thành lập năm 1995, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan với hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán dây thừng và dụng cụ cho ngư dân - Ảnh: SBV

Siam Brother được thành lập năm 1995, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan với hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán dây thừng và dụng cụ cho ngư dân - Ảnh: SBV

Nhiều đại gia Thái thu quả ngọt sau thời gian đầu tư, dù đối diện không ít thách thức thị trường.

Doanh nghiệp người Thái bán dây thừng, thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm

CTCP Siam Brothers Việt Nam (mã CK: SBV) là một trong số ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp trên sàn.

SBV được thành lập năm 1995 với 100% vốn đầu tư từ Siam Brother Group của người Thái. Công ty niêm yết trên sàn TP.HCM năm 2017.

Hiện cơ cấu cổ đông SBV bao gồm: 14,87% sở hữu nước ngoài, còn lại trong nước. Ông Veerapong Sawaytyanon - chủ tịch công ty và ông Itthapat Sawatyanon - thành viên HĐQT - nắm giữ lần lượt 3,9% và 4,59% cổ phần.

Với ngành nghề chính là sản xuất dây thừng, lưới đánh bắt cá cho ngư dân, Siam Brothers có doanh thu đều đặn mức vài trăm tỉ đồng mỗi năm, lợi nhuận trước thuế thời điểm đỉnh cao 2016, 2017 lên tới hơn trăm tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của Siam Brothers Việt Nam từ khi lên sàn đến nay

Kết quả kinh doanh của Siam Brothers Việt Nam từ khi lên sàn đến nay

Sau 2 năm COVID-19, tình hình lợi nhuận của công ty này có chiều hướng khó hơn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý 2-2023 SBV có doanh thu gần 104 tỉ đồng, lỗ sau thuế 7,7 tỉ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu của công ty đạt 195 tỉ đồng, lỗ sau thuế 18,2 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,2 tỉ đồng.

Ông Veerapong Sawaytyanon cho biết do thị trường ngư nghiệp trong nước gặp khó khăn nên công ty tiếp tục khai thác xuất khẩu để tăng doanh thu bán hàng, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp các sản phẩm này không được tốt như thị trường trong nước. Trong khi đó các chi phí cố định khác không giảm.

Bóng dáng đại gia Thái sau những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hàng đầu

Số lượng công ty niêm yết có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần chi phối lại có sự nhộn nhịp hơn thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

CTCP Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP) - một doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam - đã trở thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu 2018.

Sau khi nắm gần 50% cổ phần từ thương vụ thoái vốn của nhà nước, đầu năm nay Nawaplastic tiếp tục tăng sở hữu lên 55%.

Về kết quả kinh doanh, BMP nối dài mạch tăng trưởng trong nhiều quý trở lại đây. Quý 2-2023, doanh thu thuần đạt 1.336 tỉ đồng, giảm 14%. Song do giá vốn còn giảm mạnh hơn, lợi nhuận gộp tăng cao.

Sau trừ chi phí, BMP báo lãi sau thuế 294 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lợi nhuận khủng nhất của BMP sau khi về tay người Thái.

Bức tranh lợi nhuận của nhựa Bình Minh từ năm 2018 đến nay

Bức tranh lợi nhuận của nhựa Bình Minh từ năm 2018 đến nay

6 tháng đầu năm, BMP có doanh thu thuần đạt 2.776 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Còn lãi sau thuế 575 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ và đạt 88% kế hoạch cả năm nay chỉ sau nửa chặng đường.

CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI) - một doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestlé... về tay người Thái từ cuối năm 2020. TCG Solutions nắm 94% cổ phần SVI.

Quý 2-2023, SVI có doanh thu thuần đạt 387 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán giảm, lợi nhuận gộp trong kỳ tăng lên. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp 2,5 lần. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 38,5 tỉ đồng, tăng 20%.

6 tháng đầu năm, doanh thu SVI đạt 737 tỉ đồng, giảm 25%. Song lợi nhuận sau thuế lại tăng 13%, đạt 68 tỉ đồng.

Doanh thu, lợi nhuận của SVI từ cuối năm 2020 đến nay

Doanh thu, lợi nhuận của SVI từ cuối năm 2020 đến nay

Nhắc đến thương vụ khủng của tỉ phú Thái trên đất Việt không thể không kể đến vụ thâu tóm Sabeco (mã CK: SAB) cuối 2017. Vietnam Beverage chi gần 5 tỉ USD để nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Mấy năm gần đây, tình hình kinh doanh SAB chịu tác động không nhỏ bởi COVID-19, nghị định 100. Sáu tháng đầu năm nay, Sabeco có doanh thu 14.621 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 2.214 tỉ đồng, giảm 27%. 

Bù lại, Sabeco nằm trong số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào khi có hàng chục nghìn tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi. Riêng lãi ngân hàng, Sabeco thu về 684 tỉ đồng 6 tháng đầu năm nay.

Hiện đại gia Thái cũng nắm cổ phần lớn một số doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), Công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG).

Nửa đầu năm 2023, FMC có doanh thu hơn 2.040 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Còn lãi trước thuế 128 tỉ đồng, giảm 21%. Hồi cuối năm 2021, C.P Việt Nam - thành viên C.P Group của tỉ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont - đã nắm gần 25% vốn tại Sao Ta.

Về tay ông chủ Thái Indorama Ventures, ngoài việc rời sàn từ tháng 7 năm nay, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng năm 2023 với doanh thu thuần 2.462 tỉ đồng và lãi sau thuế 143 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 7% và hơn 750% so với năm ngoái.

Hết quý 1-2023, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 490 tỉ đồng, lãi sau thuế 33 tỉ đồng. Năm 2022, công ty này có doanh thu hơn 2.297 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 17 tỉ đồng.

Công ty "mẹ" của tỉ phú Thái Lan bác thông tin bán Bia Sài GònCông ty 'mẹ' của tỉ phú Thái Lan bác thông tin bán Bia Sài Gòn

TTO - Không chỉ bác bỏ thông tin bán Sabeco tại Việt Nam 'dưới bất kỳ hình thức nào', Công ty TNHH Nước giải khát Thái Lan (ThBev), công ty 'mẹ' đang sở hữu cổ phần lớn tại Sabeco, còn khẳng định 'đây là thông tin sai sự thật'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên