24/06/2018 15:52 GMT+7

'Đại chiến phóng viên' trên đất Nga

HUY ĐĂNG (từ Moscow)
HUY ĐĂNG (từ Moscow)

TTO - 32 đội bóng cho một chức vô địch và hàng ngàn phóng viên tập trung cho chỉ 22 cầu thủ. Cuộc chiến bên lề sân cỏ của cánh truyền thông có “tỉ lệ chọi” dường như còn cao hơn cả cuộc đua đến chức vô địch thế giới.

Đại chiến phóng viên trên đất Nga - Ảnh 1.

Hàng trăm phóng viên ảnh chen chúc tác nghiệp khi tuyển Argentina ra sân - Ảnh: H.Đ.

Ròng rã nhiều tháng trời, việc truyền thông Tây phương cảnh báo người hâm mộ về hàng loạt mối lo như khủng bố, hooligan đã khiến World Cup 2018 giảm hẳn lượng CĐV từ Mỹ và các nước châu Âu.

Càng căng thẳng càng lao vào

Nhưng với giới truyền thông, ở đâu càng căng thẳng, các phóng viên càng phải lao vào.

Caroline Wendy, nữ MC người Anh của kênh truyền hình BeIN Sports tại Saint Petersburg, kể: "Nhiều đồng nghiệp nam hù dọa tôi về viễn cảnh bị ném đồ vào người trên đất Nga. Dù chẳng mong phải gặp những hiểm nguy nhưng tôi đến đây là để đưa tin và những chuyện như vậy càng phải đưa tin". Những nữ phóng viên phải đối mặt với nhiều điều đáng sợ ở World Cup hơn các đồng nghiệp nam khi đối mặt với họ có thể là những đám đông CĐV quá khích, cuồng loạn và say xỉn.

May mắn thay, cho đến giờ World Cup vẫn sống trong không khí hòa bình. Không khí ngoài sân yên ắng thì càng thuận lợi hơn để tập trung vào việc tác nghiệp bên trong sân đấu. Tôi từng tác nghiệp ở Olympic Rio 2016, một sự kiện cũng thu hút đến 10.000 phóng viên. Nhưng ở Olympic, có hơn 200 quốc gia tham dự và cả thảy 11.000 VĐV cho 28 môn thể thao khác nhau. Còn ở World Cup, trung bình những trận đấu lớn có khoảng 1.000-2.000 phóng viên. Tất cả "đạp đầu" nhau vây kín một vài cái tên Messi, Ronaldo, Neymar...

Dù có thẻ tác nghiệp ở World Cup 2018 do FIFA cấp nhưng đến trận Bồ Đào Nha - Morocco, tôi mới lần đầu tiên được bước vào phòng họp báo. Đó là cả một cuộc chạy đua thực sự bởi tuy có thẻ tác nghiệp nhưng phóng viên vẫn phải đăng ký vé từng trận mới được vào sân tác nghiệp vì số lượng quá đông mà khu vực thì hạn chế. Từ trước World Cup cả tháng, tôi đã đăng ký để tham dự trận khai mạc và những trận cầu đinh như Argentina - Iceland, Bồ Đào Nha - Morocco, Pháp - Đan Mạch, Brazil - Serbia...

Nhờ đăng ký sớm nên mỗi trận tôi đều được cấp vé, có khoảng 500-1.000 chỗ ngồi cho các phóng viên viết trên khán đài các sân bóng. Nhưng phòng họp báo thì chỉ có khoảng 100 với khoảng 20-30 hãng tin lớn trên toàn thế giới như AFP, Reuters, AP, BBC, Tân Hoa xã... cùng hàng chục tờ báo bản địa. Và thứ tự ưu tiên giảm dần đến những phóng viên của các nước góp mặt tại World Cup. Quá khó để tìm một suất vào phòng họp báo dành cho phóng viên những quốc gia "không liên quan" như VN.

Trăm nẻo đường tác nghiệp

Chiếc vé dự buổi họp báo sau trận Bồ Đào Nha - Morocco đến với tôi hết sức tình cờ. Trong giờ nghỉ giữa hiệp ở phòng làm việc báo chí, một nam phóng viên người Morocco than vãn với tôi về việc không được vào sân xem đội nhà đá. Nhưng trớ trêu thay, anh lại được cấp thẻ dự họp báo trận này. 

"Chúng ta đổi nhé, anh vào sân xem hiệp 2, tôi lấy vé vào phòng họp báo?", tôi hỏi và anh chàng Morocco gật đầu. Giao dịch thế là thành công. 

Nhưng trong phòng họp báo, cũng đừng mơ chuyện được chụp hình hay quay phim (đều có bản quyền riêng). Ronaldo bước vào và chỉ nói đúng một câu rồi trở ra.

Khó khăn khi tìm đường vào sân, khu vực tác nghiệp thông thường của tôi là trong các đám đông CĐV. Nhưng ở đây cũng là cả một cuộc chiến khác. 

32 quốc gia tham dự World Cup, có bao nhiêu nước trong số này người dân nói tiếng Anh phổ biến? Rất ít. Anh, Úc, Iceland... Ngữ hệ Latin chiếm một số lượng đáng kể (bao gồm các nước Nam Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha). 

Các nước Nga, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng đồng Ả Rập... đều sử dụng tiếng của mình. Dù nhiều người vẫn võ vẽ được tiếng Anh nhưng họ thực sự lúng túng khi dùng tiếng Anh trao đổi với tôi.

Hôm 13-6, một ngày trước trận khai mạc, tôi đi hàng giờ ở Quảng trường Đỏ nhưng cũng chỉ chụp hình là chủ yếu. Trong khi đó, anh chàng phóng viên Rivero Schoster của kênh Latina (Peru) hò hét tưng bừng cùng các CĐV Argentina. 

"Làm nghề này, chúng ta phải hòa mình vào bầu không khí, vào sự kiện. Có vậy mới cho ra sản phẩm tốt được" - Schoster nói rồi "đẩy văng" tôi ra khỏi đám đông Argentina cuồng nhiệt nhất trong quảng trường.

Thua từ đầu trong cuộc chiến đeo bám siêu sao, lép vế cả khi phỏng vấn CĐV, vậy những phóng viên vị thế nhỏ bé nhất World Cup như chúng tôi phải làm gì? 

"Chúng ta cứ lùi lại và tìm một góc máy bao quát hơn, cảnh các phóng viên hối hả chạy theo những ngôi sao chẳng hạn" - Kovanlenko, một phóng viên tự do người Ukraine, chia sẻ. Tôi cũng đồng tình với Kovanlenko.

Giống như trên sân bóng, những cầu thủ có thể hình, tốc độ luôn chiếm ưu thế, nhưng những gã nhỏ bé vẫn luôn có đất dụng võ.

HUY ĐĂNG (từ Moscow)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên