Đại biểu nêu quan điểm về vấn đề cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột - Ảnh: Quochoi.vn
Đồng ý cần có cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách đưa ra chưa đột phá, quá thận trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Công Phàn - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, chính sách đặc thù hiện nay được thiết kế chỉ là đưa ra thêm quyền chứ chưa thực sự theo hướng giúp địa phương tìm ra thế mạnh để phát triển.
"Đây là lần đầu xây dựng cơ chế thí điểm đặc thù cho cấp quận, huyện, tức đơn vị hành chính rất nhỏ. Nên chỉ dừng lại áp dụng thí điểm đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột, không nên thí điểm đặc thù thêm nữa", ông nêu quan điểm.
Đồng tình, ông Trình Lam Sinh - phó trưởng đoàn An Giang - cũng băn khoăn "cơ chế đặc thù lần này áp dụng cho cấp quận, huyện thì không biết tới đây có đặc thù tới cấp xã hay không?".
Trước đó, tờ trình Chính phủ đưa ra, các dự án đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột sẽ được ưu đãi về thuế. Đơn cử như dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, du lịch văn hóa, năng lượng tái tạo, đầu tư trung tâm logistics... sẽ được giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp (10%) trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm.
Riêng dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê tại TP Buôn Ma Thuột, ngoài ưu đãi thuế, cơ chế đặc thù còn giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp; được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... tối đa 25% tổng số chi khi xác định thu nhập chịu thuế.
Góp ý tại tổ, ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu TP.HCM - nhận xét chính sách đặc thù đưa ra cho TP Buôn Ma Thuột còn quá khiêm tốn, cần có ưu đãi mạnh hơn để hút các nhà đầu tư, tăng giá trị hàng, nhất là nông sản.
"Cơ chế đưa ra cần tạo điều kiện cho phát triển nông sản chế biến, làm sao để người nông dân sản xuất nông sản không gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hóa, tránh cảnh được mùa mất giá. Muốn vậy phải có chính sách ưu đãi rất đặc thù", ông Ngân góp ý.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển cho rằng chính sách đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột "có vẻ thận trọng". Bởi theo ông, chính sách thì nói là đặc thù, nhưng cũng chỉ vừa tầm với các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Còn những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột thì chưa nhiều, chưa có những đột phá về văn hóa, đất đai...
Do đó, ông đề nghị nên có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của một đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên, trung tâm kết nối các vùng trọng điểm phát triển với Lào, Campuchia và là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Đơn cử như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cần xác định thế mạnh của thành phố là gì để có chính sách đột phá, không dàn trải.
Từ kinh nghiệm của TP.HCM trong gần 5 năm qua thu hút được rất ít người tài dù áp dụng các chính sách đặc thù, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chính sách này cần hướng nhiều hơn đến các nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc trong bộ máy nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận