05/10/2022 09:55 GMT+7

Hà Nội đã làm gì với cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù sau 3 năm?

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo báo cáo của Chính phủ, hiện ngân sách Hà Nội cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển. Vì vậy, Hà Nội chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính.

Hà Nội đã làm gì với cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù sau 3 năm? - Ảnh 1.

Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội - Ảnh: N.T.

Chính phủ vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 115 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Trình đề án thu phí ô tô vào nội đô trong thời điểm phù hợp

Theo nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố bao gồm phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí.

Điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Báo cáo chỉ rõ, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết năm 2022 về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023; sửa đổi mức thu phí một số khoản phí và lệ phí trên địa bàn.

Báo cáo nêu về đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. 

Theo báo cáo, UBND TP đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11-2020 và lần 2 vào tháng 10-2021, trên cơ sở đó để hoàn thiện đề án và trình HĐND TP vào thời điểm phù hợp.

Ngoài ra, UBND TP dự kiến trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm 2022 đề án về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; phí bảo vệ môi trường đối với chất thải; phí cung cấp thông tin về đo đạc bản đồ; giá dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải khu vực làng nghề và nông thôn.

Quốc hội cho phép sau khi ngân sách Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền. 

HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

Theo báo cáo, HĐND TP đã dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn cải cách tiền lương còn dư khoảng 8.000 tỉ đồng.

Đến nay HĐND TP đã quyết định sử dụng 6.900 tỉ đồng còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Hà Nội chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính

Hà Nội cũng được áp dụng cơ chế đặc thù là mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Về nội dung này, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của thành phố năm 2021 khoảng hơn 90.000 tỉ đồng và dư nợ vay đầu năm 2021 khoảng 6.000 tỉ đồng, bằng khoảng 6,6% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.

Hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của TP năm 2025 khoảng 115.000 tỉ đồng và dư nợ vay tại thời điểm 31-12-2025 dự kiến hơn 53.000 tỉ đồng, bằng khoảng 46,5% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.

Như vậy với kế hoạch đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách TP giai đoạn 2021-2025, hạn mức dư nợ vay nêu trên vẫn đảm bảo trong giới hạn theo quy định.

Đáng chú ý, Quốc hội cho phép Hà Nội được tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP theo quy định của Luật đầu tư công và quy định khác của pháp luật liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ.

Nhưng hiện nay ngân sách TP cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển (hằng năm đều chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao). Vì vậy Hà Nội chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính trên.

Hà Nội Hà Nội 'đòi' HUD trả 7 lô đất bỏ hoang để bàn giao cho quận Hoàng Mai xây trường học

TTO - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các lô đất xây trường về quận quản lý.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên