07/12/2012 07:42 GMT+7

Đà Nẵng giám sát mãi lộ bằng camera

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Ngày 6-12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã nóng lên khi đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi khó với lãnh đạo các sở ngành và chủ tọa kỳ họp “truy đến cùng” khi câu trả lời không thỏa đáng.

DNRR8wVL.jpgPhóng to
Lần đầu tiên chính quyền TP Đà Nẵng phát hành trái phiếu địa phương. Dự kiến lần phát hành này sẽ huy động 5.000 tỉ đồng nhằm hoàn thiện hạ tầng TP vốn đang xây dựng dở dang. Trong ảnh: người dân TP mong ngóng ngày cầu Rồng hoàn tất - Ảnh: Đăng Nam

Khi đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn hỏi: “Bây giờ nếu đi tiếp xúc cử tri, liệu tôi có thể nói rằng thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống của Đà Nẵng, là an toàn không?”, giám đốc Sở Y tế Phạm Hùng Chiến sau một chút đắn đo đã cho rằng: qua kiểm tra của ngành y tế TP cho thấy không phát hiện được các độc tố trong thực phẩm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đại biểu Sơn nhắc lại việc mới đây (28-11) xảy ra vụ ngộ độc tập thể khi có đến 76/500 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Đồng Tiến trên đường Phan Đăng Lưu thì ông Chiến không lý giải được. Nghe vậy, chủ tọa kỳ họp là ông Nguyễn Bá Thanh nói khéo: “Từ nay về sau nếu ai bị ngộ độc thì anh Chiến (Phạm Hùng Chiến) chịu hoàn toàn trách nhiệm nhé”.

Nắm mù mờ, sao điều hành?

Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm là việc dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học, đặc biệt là việc giáo viên tự dạy thêm cho chính học sinh của mình... Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trung Chinh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - thừa nhận rằng “đây là vấn đề nhạy cảm”. Không đồng ý với cách trả lời đó, ông Nguyễn Bá Thanh hỏi: “Hiện Đà Nẵng có còn chuyện giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình hay không?”.

Ông Chinh xác nhận: “Điều này vẫn còn”. Ông Thanh hỏi tiếp: “Sở đã xử lý ai chưa?”, ông Chinh: “Theo thông tư 17 của Bộ GD-ĐT thì chúng ta không có cơ sở để xử lý”. Ông Thanh “truy” tiếp: “Nói vậy nghĩa là bộ cho phép được dạy thêm học thêm à. Vậy cấp tiểu học có dạy thêm không?”. “Vẫn còn, nhưng không nhiều” - ông Chinh trả lời. Nghe vậy ông Thanh đề nghị: “Nếu vậy, tôi đề nghị HĐND nên đưa vào Nghị quyết nhằm chấn chỉnh tình trạng giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình”.

Cũng như ngành giáo dục, ngành tài nguyên - môi trường TP cũng bị chính chủ tọa kỳ họp “dồn” vào thế bí khi bị hỏi: “Là giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, vậy anh Điểu (Nguyễn Điểu) có biết hiện khu dân cư nào ở nội thành này chưa có thùng đựng rác không?”. Khi không nhận được trả lời câu hỏi này, ông Thanh đã yêu cầu: “Chiều nay (6-12) sau khi bế mạc, anh Điểu nên qua khu dân cư Mân Thái (quận Sơn Trà) để xem dân họ đi đổ rác ké như thế nào. Làm giám đốc mà nắm tình hình mù mờ vậy thì sao điều hành được” - ông Thanh đánh giá. Tương tự, khi nghe chuyện các doanh nghiệp kêu than về lãi suất, ông Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu ông Võ Minh, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước VN tại Đà Nẵng, lập ngay một danh sách khoảng 10 ngân hàng hiện vẫn giữ lãi suất trên 15%, gửi thẳng cho chủ tịch HĐND để “có cơ sở làm việc”.

Giám sát để loại mãi lộ

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Kinh tế TP trong năm 2013 sẽ còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà không chăm lo đời sống cho người dân. Phải đảm bảo việc chi trả lương cho các đối tượng hưởng thụ ngân sách, tập trung lo tết cho dân”. Ông Thanh cũng đề nghị UBND TP chi 50 tỉ đồng trong năm 2013 để ngành giáo dục TP sửa chữa, làm mới hệ thống nhà vệ sinh tại các trường học. “Không được để cảnh các cháu vì nhà vệ sinh quá bẩn mà nhịn không đi vệ sinh dẫn đến bệnh tật về sau”.

Liên quan đến tình trạng tội phạm ma túy, đòi nợ thuê..., ông Thanh yêu cầu Công an TP phải mạnh tay “đập nát” ngay trong trứng nước, không để cho các đối tượng này lộng hành. “Phải bảo vệ quyền được sống của người dân” - ông Thanh kiên quyết. Liên quan chuyện cảnh sát giao thông, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị giám đốc Công an Đà Nẵng phải lắp đặt camera tại bốn trạm cảnh sát giao thông cửa ô vào TP. Đến

30-4-2013 phải đưa hệ thống camera giám sát này vào hoạt động, toàn bộ hình ảnh sẽ chuyển về trung tâm giám sát, như vậy sẽ loại bỏ chuyện mãi lộ. “Phải bỏ ngay việc cảnh sát giao thông đứng chặn xe giữa đường. Làm như vậy là dễ mất cán bộ lắm anh Sơn (đại tá Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Công an Đà Nẵng) nghe” - ông Thanh khuyến cáo.

Quảng Ngãi: quyết toán khống có là tham nhũng?

11 dự án (tám công trình giao thông, ba trường học) do sáu huyện làm chủ đầu tư đã cho nhà thầu ứng trước vốn nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không hết khối lượng khiến đời sống dân sinh bị ảnh hưởng, nhà thầu còn nợ tạm ứng gần 43 tỉ đồng. Đó là vấn đề bức xúc nhất mà các đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi ngày 6-12.

Ông Trần Văn Nhân, giám đốc Sở KH-ĐT, giải trình: miền núi ứng vốn nhiều hơn là do các ban quản lý dự án yếu hơn đồng bằng, không theo dõi được việc sử dụng vốn để nhà thầu sử dụng vốn đó làm việc khác, khi hết vốn mới kiểm tra thì đã muộn. Theo ông Nhân, có nhiều cơ quan giám sát dự án nhưng tập trung vẫn là Sở KH-ĐT, sở vẫn thường xuyên họp để đôn đốc. Về việc kê khống khối lượng để nhận vốn, theo ông Nhân có nhiều trường hợp xảy ra là do suy nghĩ không đến nơi đến chốn của chủ đầu tư khi cuối năm sợ mất vốn, nên đã lập hồ sơ vượt khối lượng. Vấn đề này liên quan đến nhiều đơn vị: chủ đầu tư, giám sát A, B...cùng ký thống nhất khối lượng khống hoặc cố tình vi phạm để lấy tiền chia nhau hoặc để đầu năm chi trả cho khối lượng đã thi công năm trước. Về câu hỏi có phải quyết toán khống khối lượng là do tham nhũng, ông Nhân trả lời “lạc” rằng: theo báo cáo, chủ đầu tư đến giờ này đang thực hiện để trả lại khối lượng số tiền đã nhận khống.

Quảng Bình: bắt đầu đụng đến quy hoạch “treo”

Tại phiên thảo luận ngày 6-12, lần đầu tiên vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo” ở Quảng Bình được HĐND đề cập. Đặc biệt là tình trạng xây dựng dở dang trụ sở đơn vị hành chính sự nghiệp, văn phòng doanh nghiệp, các dự án du lịch... nằm khắp nơi trong TP Đồng Hới, làm xấu bộ mặt đô thị.

Phát biểu có phần gay gắt, đại biểu Hoàng Nhật nêu rõ: điển hình nhất là khu dân cư thương mại 525 nằm ngay giữa trung tâm TP Đồng Hới. Chủ đầu tư đã bán xong nền đất từ nhiều năm trước, nhưng hiện đường sá trong khu vực vẫn làm dở dang, trung tâm dịch vụ thương mại khởi công từ năm 2008 rồi bỏ đó cho đến nay. Ông Võ Minh Doang, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng đây là điển hình của quy hoạch “treo”, dự án “treo” ở tỉnh.

Khánh Hòa: xem xét dự án “treo” hơn 10 năm

Dự án khu dân cư Ninh Long (thị xã Ninh Hòa) được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2001, đến nay vẫn bỏ hoang nhưng vì sao không thu hồi, trong khi người dân không có đất sản xuất, nhà trong vùng dự án không được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đã chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 6-12.

Ông Hoàng Đình Phi, phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, thừa nhận dự án quá chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây bức xúc trong dư luận. “Sắp tới ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ rà soát các dự án, xem xét nguyên nhân chậm tiến độ, nếu chủ đầu tư thiếu năng lực thì sẽ thu hồi ngay”, ông Phi khẳng định.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên