Viện Kiểm sát quân sự trung ương mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Sơn - cựu trung tướng, cựu tư lệnh cảnh sát biển - về tội tham ô tài sản.
Sáu người khác bị truy tố cùng tội danh trên gồm: Hoàng Văn Đồng (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu chính ủy), Doãn Bảo Quyết (61 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (59 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh, cựu tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (63 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (57 tuổi, cựu đại tá, cựu cục trưởng kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (54 tuổi, cựu thượng tá, cựu phó phòng tài chính).
Cựu tư lệnh cảnh sát biển ‘rút ruột’ 50 tỉ là ‘nhiệm vụ thủ trưởng giao, phải hoàn thành’
Cáo trạng xác định, tháng 2-2019, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách nhà nước chi quản lý hành chính năm 2019, tổng 450 tỉ đồng.
Trong đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị.
Ông Nguyễn Văn Sơn, khi đó là tư lệnh cảnh sát biển, đã gặp ông Hưng (cục trưởng kỹ thuật) và yêu cầu khi mua sắm vật tư, thiết bị phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.
Ông Hưng nói Cục Kỹ thuật chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỉ đồng là rất lớn, khó thực hiện, phải thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh thì cục mới làm.
Đầu tháng 4-2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn trao đổi với bốn cấp dưới gồm trung tướng Đồng cùng ba thiếu tướng Quyết, Hậu, Dũng về kế hoạch "rút ruột" 50 tỉ đồng. Tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác, cáo trạng nêu.
Tiếp đó, ngày 4-5-2019, sau khi ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật 179 tỉ đồng, ông Sơn tiếp tục yêu cầu ông Hưng rút lại 50 tỉ đồng để chuyển về Bộ Tư lệnh.
Ông Hưng sau đó trao đổi và yêu cầu sáu trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật khi thực hiện chi tiêu nguồn ngân sách phải rút lại tổng số tiền 50 tỉ đồng để ông Hưng chuyển lại cho thủ trưởng Bộ Tư lệnh sử dụng vào việc chung.
Sáu trưởng phòng đều báo cáo với ông Hưng là khó thực hiện. Ông Hưng tiếp tục yêu cầu sáu trưởng phòng "phải xác định việc rút lại 50 tỉ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành".
Ông Hưng giao định mức cụ thể cho từng đơn vị, trong đó Phòng Quản lý kỹ thuật cao nhất với 25 tỉ đồng, Phòng Xe máy ít nhất với 50 triệu đồng.
Cựu thiếu tướng viết đơn phản ánh tiêu cực
Thực hiện kế hoạch của ông Hưng, sáu trưởng phòng phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu, trong đó có chín gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để tư lệnh cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.
Những người này cũng chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá nhằm hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi. Để được tham gia dự thầu và trúng thầu, các doanh nghiệp đồng ý nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận.
Sau đó, ông Hưng, ông Hòe tham mưu, đề xuất tư lệnh Sơn ký hợp đồng với các doanh nghiệp, trong đó 24 hợp đồng do 16 doanh nghiệp thực hiện có liên quan việc rút lại 50 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nghiệm thu và bàn giao vật tư, thiết bị về kho tổng hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và chuyển tiền thanh toán dứt điểm cho các nhà thầu.
Từ đầu tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, theo đúng thỏa thuận, các nhà thầu đã chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho sáu trưởng phòng của Cục Kỹ thuật. Sáu người này sau đó nộp lại toàn bộ tiền cho ông Hưng để chuyển cho tướng Sơn.
Việc giao nhận tiền đều được thực hiện tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn. Sau khi nhận 50 tỉ đồng, tướng Sơn chia cho mình và bốn ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng.
Đến ngày 19-6-2020, ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo hai file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm.
Sự việc sau đó được đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra.
Tháng 9-2021, năm người hưởng lợi tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỉ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Trong vụ án, ông Sơn bị xác định có vai trò "chủ mưu, khởi xướng", do đó phải chịu trách nhiệm chính.
Các bị can Đồng, Hậu, Quyết, Dũng là người cùng chủ mưu, chịu trách nhiệm sau bị can Sơn.
Hai bị can Hưng và Hòe là cấp dưới, có mối quan hệ lệ thuộc, không được hưởng lợi ích vật chất, chịu trách nhiệm với vai trò thực hành, giúp sức.
Vụ án sẽ được xét xử ở Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội.
Với sáu trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, nhà chức trách nhận định hành vi của họ có dấu hiệu đồng phạm tội tham ô tài sản.
Song các cán bộ này có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân.
Viện Kiểm sát quân sự trung ương do đó không xem xét xử lý hình sự với sáu người này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận