12/08/2024 11:48 GMT+7

Cứu những dòng sông 'hấp hối' bằng cách nào?

Hiện nay chúng ta đang phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ, chưa có giải pháp tổng thể. Trong khi đó quản lý dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính.

Sông Đáy có nhiều đoạn gần như ngừng chảy (ảnh chụp tại địa phận xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANG

Sông Đáy có nhiều đoạn gần như ngừng chảy (ảnh chụp tại địa phận xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANG

Ngày 12-8, ông Châu Trần Vĩnh - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online về chủ đề "giải cứu" những dòng sông "hấp hối".

Phục hồi dòng sông "thành" hay "bại" chính là cơ chế để vận hành

* Phục hồi các dòng sông ô nhiễm cũng là nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Công việc này đang được triển khai ra sao, thưa ông?

- Đơn vị chúng tôi đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025, nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5-7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh - Ảnh: D.KHANG

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh - Ảnh: D.KHANG

Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ có hai hướng, một là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, rồi sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội.

Hướng thứ hai sẽ làm chương trình tổng thể trên toàn quốc đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.

Phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và lựa chọn phương án nào để triển khai là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chứ không chỉ riêng gì Bộ Tài nguyên và Môi trường.

* Tại sao phục hồi các dòng sông trong những năm qua kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng?

- Hiện nay chúng ta đang phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ, chưa có những giải pháp tổng thể, trong khi đó quản lý dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính.

Một số phương án phục hồi các dòng sông đã được đặt ra ví dụ như việc đầu tiên cần bắt tay vào thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt từ khu dân cư. Đồng thời thu gom cả nước thải ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp phát sinh từ phân bón, thuốc trừ sâu… Sau đó sẽ đến khâu tạo nguồn dòng chảy cho dòng sông.

Để làm được công việc này cần phải đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực. Tuy nhiên theo tôi, phục hồi dòng sông "thành" hay "bại" chính là cơ chế để vận hành. Vì xây dựng một công trình thu gom, xử lý nước thải, trạm bơm tiếp nước không khó nhưng duy trì nó thì cơ chế nào cho nhà đầu tư tham gia.

Nước sông Nhuệ đen đặc ở khu vực trước trạm bơm kết hợp thuộc Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội) - Ảnh: D.KHANG

Nước sông Nhuệ đen đặc ở khu vực trước trạm bơm kết hợp thuộc Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội) - Ảnh: D.KHANG

Dự kiến thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông

* Như vậy là có rất nhiều thách thức?

- Đúng vậy. Trước đây từng thành lập Ủy ban lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai trong đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Dự kiến sắp tới sẽ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông gồm sông Hồng - sông Thái Bình, sông Mekong, sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ.

Mỗi một ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là tiểu ban nằm trong ủy ban. Dự kiến trong ủy ban có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, địa phương để chỉ đạo đồng bộ, liên tục. Vận hành, điều phối liên ngành chứ không còn là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị.

Nhìn rộng ra, bên cạnh đó không chỉ là câu chuyện xử lý ô nhiễm các dòng sông, theo tôi để đảm bảo an ninh nguồn nước phải có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước ra được quyết định, điều hành tức thì các dòng sông lớn trên cả nước. Hiện nay đang bắt đầu từ điều tra cơ bản, sau đó đến xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

Trước mắt sẽ có cơ sở dữ liệu để xác định xem có bao nhiêu tài nguyên nước, mỗi năm có bao nhiêu nước và cần sử dụng bao nhiêu. Số liệu sẽ được công bố hằng năm, kể từ tháng 1-2025. Từ số liệu, kịch bản công bố thì các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch sử dụng nước.

Ô nhiễm trên sông Nhuệ đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều khu dân cư quận, huyện ở Hà Nội - Ảnh: D.KHANG

Ô nhiễm trên sông Nhuệ đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều khu dân cư quận, huyện ở Hà Nội - Ảnh: D.KHANG

Sử dụng tài nguyên nước chưa hiệu quả, rất lãng phí

Ông Vĩnh nói: Tài nguyên nước sử dụng chưa hiệu quả, rất lãng phí. Nước cho nông nghiệp qua hệ thống công trình thủy lợi hiện nay vẫn chưa thu phí. Việc thu phí quyền sử dụng nước trong hoạt động nông nghiệp là cần thiết để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, tuy nhiên phải tính toán phù hợp với mức chi trả, thu nhập của người dân.

Trước đây khi chưa thu tiền cấp quyền khai thác nguồn nước thì doanh nghiệp xin giấy phép công suất rất lớn, khai thác bừa bãi. Nhưng chỉ sau khi có quy định thu tiền cấp quyền khai thác thì một loạt nhà máy nước sạch làm đơn xin điều chỉnh giảm công suất!

Sông Nhuệ - Đáy đang ‘hấp hối’ do đâu?Sông Nhuệ - Đáy đang ‘hấp hối’ do đâu?

Nước thải sinh hoạt từ Hà Nội thải ra các sông nội thành sau đó đổ vào sông Nhuệ - Đáy khoảng 1 triệu m3/ngày đêm, trong đó mới chỉ khoảng 22% được xử lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên