Người dân tại một số quận, huyện ở Hà Nội sống cạnh hai "dòng sông chết" này cho biết tình trạng ô nhiễm diễn ra từ nhiều năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày, sản xuất nông nghiệp…
"Sông Nhuệ ô nhiễm nặng, mùi hôi thối xộc vào nhà"
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Quý (64 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) - sống cạnh sông Nhuệ - cho biết: "Thời điểm trời nắng nóng, mùi hôi thối từ sông xộc vào nhà. Tuy ở gần nhưng chúng tôi cũng chẳng dám lấy nước sông để tưới cây".
"Khoảng 20 năm trước, nguồn nước sông Đáy chưa ô nhiễm. người dân còn bơm dùng sinh hoạt. Đến nay thì ô nhiễm quá rồi, tưới lên cây là cây chết. Dân phải bơm nước giếng khoan để tưới cho hoa màu", ông Kiều Duy Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay.
Trước đó, ngày 28-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ký văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cử tri cho rằng nguồn nước sông Đáy, sông Nhuệ ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Cử tri đã phản ảnh nhiều lần và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời, tuy nhiên nội dung trả lời còn chung chung. Đề nghị bộ nghiên cứu có lộ trình, giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, thực hiện các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Châu Giang.
Theo đó, đã triển khai nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lưu vực sông như xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường, điều tra thống kê các nguồn thải, đánh giá và xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường liên vùng và liên tỉnh…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai Dự án thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Nhuệ. Phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam xây dựng, vận hành một số trạm quan trắc tự động theo dõi diễn biến chất lượng nước. Đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nguồn thải đổ vào lưu vực sông…
Nguồn lực hạn chế nên… còn nhiều khó khăn, bất cập
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, do nguồn lực còn hạn chế nên công tác ngăn chặn ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường tại các đoạn sông, nhánh sông trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhằm quản lý, ngăn chặn, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện kiểm soát nguồn thải vào lưu vực sông, triển khai các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường.
Đồng thời xây dựng các hệ thống thu gom, tách nước mưa và nước thải sinh hoạt để xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; áp dụng các giải pháp, phương án để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư; tổ chức quan trắc môi trường nước tại các sông…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận