Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: HỒNG MINH
Nay chương trình thực nghiệm này bất ngờ trở nên dậy sóng dư luận với những khen - chê. Tuổi Trẻ mời bạn đọc cùng nghe chia sẻ của những cựu học sinh, phụ huynh - những người liên quan trực tiếp đến chương trình này.
ThS Mạc Việt Hà (phó trưởng Ban nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):
Chúng tôi đã học như thế!
Ngồi viết những dòng này, ký ức tôi đang ngược về 40 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu những bài học tiếng Việt đầu tiên dưới mái trường thực nghiệm. Chắc chắn giờ đây tôi không thể nhớ hết những gì mình đã được học, song những bài học còn đọng lại là vô cùng ý nghĩa đối với tôi.
Tôi còn nhớ chúng tôi không bắt đầu bằng việc ghép vần mà thay vào đó chúng tôi học những câu thơ lục bát. Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, việc đọc theo cô và học thuộc những câu thơ lục bát thật chẳng khó khăn gì.
Không hiểu sao tôi nhớ nhất câu: "Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng...". Cô đọc, vỗ tay theo nhịp, chúng tôi vỗ tay theo cô.
Qua các câu thơ lục bát, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được âm thanh, vần điệu, cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Rồi cô nêu các câu hỏi gợi ý để chúng tôi tự tìm ra các đặc điểm và quy luật của tiếng Việt.
Chẳng hạn, chúng tôi thấy rằng các tiếng "Đầm, Gì, Bằng..." có đặc điểm giống nhau là cùng "đọc hơi xuống"; các tiếng "Lá, Trắng" cùng "đọc hơi lên"... Dần dần cô giới thiệu: cách đọc hơi xuống đó gọi là "thanh huyền", hơi lên là "thanh sắc".
Chúng tôi lại mở rộng tìm các ví dụ với các tiếng trong cuộc sống hằng ngày có thanh huyền, thanh sắc... Cô lại hỏi: Tiếng "Sen" và "Chen" có gì giống nhau? Dĩ nhiên chúng tôi phát hiện ra cách phát âm na ná giống nhau, chỉ khác "một tí ở đầu".
Cô lại giải thích: "Một tí ở đầu ấy là phụ âm đầu, sau là vần"... Cứ như vậy chúng tôi học các chữ cái, cách ghép vần một cách tự nhiên và dễ hiểu.
Sau này tôi hiểu rằng đây là cách dạy dựa trên quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ, nghĩa là ngôn ngữ nói có trước, ngôn ngữ viết có sau. Chữ viết thực chất chỉ là cách ghi lại tiếng nói theo quy ước mà thôi.
Chẳng thế mà trước đây tiếng Việt được ghi theo kiểu chữ Nôm, sau lại theo kiểu chữ quốc ngữ. Và vì vậy, khi nói, khi phát âm thì các tiếng: "Ca", "Kem", "Qua"... đều bắt đầu bằng "Cờ".
Sau này, cô lại giải thích cho chúng tôi, theo quy ước, người ta viết khác nhau: Đứng trước e, i... quy ước viết là "K"...
Chắc rằng có nhiều cách để dạy một đứa trẻ biết đọc, biết viết. Song theo ý kiến cá nhân tôi, tôi thấy cách mà chúng tôi được học dễ hiểu hơn, hứng thú hơn so với việc cho trẻ làm quen ngay với chữ cái và học thuộc các cách ghép vần một cách máy móc.
Nhân tiện cũng xin nói thêm. Hồi đó chúng tôi học 3 môn chính từ lớp 1: tiếng Việt, toán và tiếng Nga. Đối với toán và tiếng Nga, chúng tôi cũng học kiểu "thực nghiệm".
Môn toán, chúng tôi không học ngay các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Suốt năm lớp 1 chúng tôi học toán tập hợp, các phần tử và học xếp hình.
Mở vở toán của chúng tôi lúc đó sẽ thấy toàn những hình vẽ các tập hợp với các dấu x ở trong, rồi các đường nối loằng ngoằng từ dấu x này sang dấu x của tập hợp kia, gọi là "ánh xạ"...
Cũng chính từ những hình vẽ rất dễ hiểu với chúng tôi như vậy, chúng tôi dần khám phá ra các phép tính cộng, trừ, nhân, chia...
Môn tiếng Nga, chúng tôi cũng học phát âm, học nói trước. Hết năm lớp 1 đã nói xoen xoét được khá nhiều nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì đến giữa năm lớp 2 chúng tôi mới bắt đầu làm quen với chữ cái tiếng Nga, để ghi lại chính những điều mình đã nói.
Tôi không ngạc nhiên khi thấy một số phụ huynh lo lắng khi xem giáo trình công nghệ giáo dục. Mẹ tôi trước đây cũng từng hoảng hốt khi xem vở của tôi và thấy "chẳng giống ai" nhưng rồi bà thấy con mình cũng phát triển bình thường nên yên tâm dần.
HÀ VIỆT ANH (nhà báo, nguyên thư ký tòa soạn tạp chí Mẹ và Bé):
Ký ức thực nghiệm
Hồi ấy, ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, thầy cô không cho điểm như trường ngoài mà chấm bằng các chữ A, B, C, D.
Có lẽ vì cách đánh giá đó mà chúng tôi chưa bao giờ thấy áp lực điểm số, không ganh tỵ, đố kỵ với nhau, không nhìn bạn ngồi bên cạnh có điểm số cao hơn mình với ánh mắt hằn học. Chỉ biết sướng khi mình được A, vui khi được B, thấy mình cần cố gắng hơn vào lần kiểm tra tới nếu nhận được C hoặc D.
Trên lớp các thầy cô cũng ít khi khen các bạn học giỏi, mà thường khuyến khích các bạn học chưa tốt bằng những câu khen ngợi kiểu như: "Hôm nay người ta đã tiến bộ hơn hẳn hôm qua, tuần trước. Hôm qua được D nhưng hôm nay người ta đã được C+ rồi đấy! Cô tin ngày mai, ngày kia người ta sẽ còn tiến bộ hơn!".
Đại từ nhân xưng "người ta" ấy nhiều năm sau khi các con tôi đi học mẫu giáo thực nghiệm tôi vẫn nghe thấy trong các cuộc trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh vào giờ đón trẻ.
Các thầy cô cũng không phân biệt môn chính (văn, toán, ngoại ngữ...) - môn phụ (nhạc, họa, thể dục...).
Môn học nào cũng đáng được trân trọng, chỉ cần bạn yêu thích nó, có lẽ bởi vì ngay từ cách đây 30-40 năm các thầy cô đã được tiếp cận và thấu hiểu về lý thuyết đa trí tuệ của TS Howard Gardner (thầy Phạm Toàn đã dịch cuốn sách về lý thuyết này ra tiếng Việt).
Nếu bạn giỏi thể dục có thể sau này bạn trở thành vận động viên, bạn giỏi toán bạn sẽ nghiên cứu khoa học, bạn giỏi văn có thể làm nhà báo, nhà thơ, bạn vẽ đẹp sau này sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư...
Bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn miễn sao bạn sống hết mình với đam mê và trở thành những con người lương thiện.
Đó chính là mong ước cháy bỏng của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của công nghệ giáo dục, một nhà sư phạm luôn lấy hạnh phúc đi học của trẻ làm tôn chỉ tối thượng.
Mãi sau này khi các con tôi (cháu lớn khóa 26 và cháu bé khóa 34) đi học ở Trường Thực nghiệm, trước mỗi kỳ thi các bạn ấy thông báo: "Ngày mai con thi các môn nhóm 2, tuần sau sẽ thi các môn nhóm 1 mẹ ạ", chứ nhà trường vẫn không dùng những cụm từ "môn chính", "môn phụ".
Nhóm 1 là các môn có nhiều tiết (ít nhất 1 tiết/ngày), nhóm 2 là các môn ít tiết (1-2 tiết/tuần). Cách gọi này giúp cho học sinh thực nghiệm ít bị mặc cảm khi mình chưa giỏi một hoặc một số môn nào đó, và hoàn toàn tự tin nếu nổi trội về thể dục, nhạc, họa...
Với chúng tôi, không chỉ "Đi học là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" đâu, mà mỗi học sinh thực nghiệm đều được tạo điều kiện để "tỏa sáng theo cách của mình".
Cao Hải Oanh (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP.HCM):
Vẫn mong con mình được học
Tôi học chương trình công nghệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9 ở Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh từ năm 1988 đến 1997. Hồi đó chúng tôi đi học rất vui và thoải mái.
Những tiết học tiếng Việt hồi tiểu học rất vui và hấp dẫn, chúng tôi đọc to, đọc nhỏ rồi đọc thầm. Ngay cả việc đọc theo hình vuông, hình tròn mà mấy bữa nay trên mạng lên án này nọ thì ngày xưa chúng tôi học rất nhẹ nhàng và tự nhiên.
Cả lớp được cô giáo hướng dẫn vỗ tay theo nhịp rồi đọc theo các ô vuông - rất vui mà học đến đâu nhớ đến đó, có khó khăn gì đâu.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được học chương trình công nghệ giáo dục vì chúng tôi không phải chịu áp lực bài vở mà học rất nhẹ nhàng theo đúng câu khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Khi về nhà, tôi mong ngóng và háo hức để ngày hôm sau được quay trở lại trường học. Chương trình công nghệ giáo dục đã giúp tôi phát triển tư duy ngôn ngữ rất tốt, giúp tôi có đủ khả năng ngôn ngữ để bây giờ đứng trên bục giảng dạy học trò.
Ngày xưa tôi không phải đi học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng sau khi học hết lớp 1, tôi và các bạn cùng lứa đều đọc chuẩn và viết đúng chính tả, không bị nhầm lẫn giữa âm này với âm kia...
Mấy bữa nay dân mạng bàn tán về chương trình công nghệ giáo dục quá nhiều, những học sinh từng học công nghệ giáo dục như chúng tôi lại liên lạc với nhau và tự hào: so với những áp lực mà học lớp 1 bây giờ phải gánh chịu, dẫn đến việc phải học chữ trước, phải đi học thêm... thì chúng tôi ngày xưa đi học vui lắm, hạnh phúc lắm; tuổi thơ của chúng tôi rất đẹp chứ không chỉ có học và học như bây giờ.
Dĩ nhiên chương trình nào cũng có khuyết điểm của nó, nhưng là người đã từng học công nghệ giáo dục, tôi vẫn mong con mình được học chương trình công nghệ giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận