Theo lộ trình, chương trình mới sẽ thực hiện với học sinh lớp 1 vào năm 2020. Trong ảnh: học sinh lớp 1 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: H.HG.
“Thực nghiệm có thành công, có không thành công. Những tiết học, giáo viên thành công đều do có sự đầu tư chuẩn bị tốt cho tiết dạy và nắm chắc phương pháp
GS Nguyễn Minh Thuyết
Nhận xét về đợt thực nghiệm chương trình phổ thông mới tại cuộc họp báo ngày 3-5, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết phần lớn giáo viên tham gia thực nghiệm đáp ứng tốt yêu cầu.
Giáo viên tiểu học thực hiện tốt hơn giáo viên trung học. Sự chênh lệch này lớn dần ở cấp học cao hơn.
Giải thích về thực tế trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng ở bậc trung học, nhất là THPT, giáo viên bị phân tâm hơn do chịu áp lực trong việc đảm bảo để học sinh vượt qua các kỳ thi cuối cấp, chuyển cấp, thi THPT quốc gia nên việc đầu tư cho đợt thực nghiệm có khác với giáo viên tiểu học.
Theo số liệu của Ban phát triển các chương trình môn học (Bộ GD-ĐT), có gần 1.500 giáo viên ở cả ba cấp từ tiểu học đến THPT tham gia đợt dạy thực nghiệm, với 372 tiết thực nghiệm ở ba cấp, mỗi tiết dạy 2 lần.
Ngoài ra có gần 3.000 phiếu phản hồi online được thu nhận từ giáo viên các cấp. Thống kê cho thấy chỉ có 0,37% số ý kiến không đồng ý với các chương trình môn học, số còn lại có góp ý điều chỉnh một số nội dung chưa hợp lý khi triển khai trong thực tế.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Thuyết cho biết đây là lần đầu tiên giáo viên được tiếp cận và thực nghiệm chương trình. Vì các lần đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) trước, giáo viên chỉ thực nghiệm và được tập huấn thay SGK. Giáo viên cũng chỉ quan tâm tới SGK, nhất là sách giáo viên mà không biết đến chương trình.
Điểm mới của lần này là Ban phát triển các chương trình môn học chỉ thực nghiệm chương trình, tập trung vào hai dạng: dạng nội dung kiến thức cũ nhưng phương pháp dạy học mới và nội dung kiến thức/môn học mới, phương pháp mới.
Theo các chủ biên chương trình môn học, có những địa bàn, trường học khó khăn nhưng lại đáp ứng tốt yêu cầu do có sự quan tâm sát sao của chính quyền, ngành giáo dục địa phương và nỗ lực của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường.
Nhiều ý kiến từ chính giáo viên trực tiếp dạy thực nghiệm đã được tập hợp và theo ông Thuyết, những ý kiến xác đáng đã được tiếp thu để điều chỉnh.
Trao đổi về những băn khoăn khi "kiểm tra, đánh giá chưa triển khai đồng bộ với đổi mới chương trình", ông Thuyết cho biết đợt thực nghiệm mỗi giáo viên chỉ dạy vài tiết nên việc thực nghiệm kiểm tra, đánh giá không thích hợp.
Tuy nhiên, mỗi môn học, các thành viên soạn thảo đều đề xuất về việc kiểm tra, đánh giá, xây dựng đề kiểm tra như thế nào và những nội dung kiểm tra, đánh giá này cũng sẽ được thẩm định.
Theo ông Thuyết, sau khi Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định chương trình, sẽ có khoảng 15 ngày để thành viên hội đồng thẩm định đọc các dự thảo chương trình, nghe phổ biến về tiêu chí thông qua chương trình và nghe báo cáo trực tiếp của các ban soạn thảo chương trình môn học.
Việc thẩm định chương trình có thể kéo dài một tháng trước khi được phê duyệt, ban hành chính thức. Lộ trình tiếp theo sẽ là tập huấn cho các nhóm tác giả viết SGK, tập huấn giáo viên trên toàn quốc, rà soát các điều kiện tối thiểu để thực hiện.
Tại buổi họp báo, cô Bùi Thị Hồng Hạnh, phó hiệu trưởng một trường ở Văn Bàn, Lào Cai, cho biết: "Vẫn có một số tiết hơi nặng kiến thức so với thời lượng 35 phút/tiết. Giáo viên đã trao đổi và góp ý trực tiếp với tác giả chương trình ngay sau đợt thực nghiệm".
Còn cô Nguyễn Thị Hồng Liên, phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, thừa nhận bước đầu mới chỉ cảm nhận rõ học sinh có hứng thú nếu tiết học được đổi mới phương pháp, còn chưa thể đánh giá mức độ "thích nghi" chương trình của học sinh với tất cả các môn học.
Lớp 1 sẽ triển khai đại trà trước vào năm 2020
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo về lộ trình tiếp theo trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết từ việc thực nghiệm cũng cho thấy để việc triển khai thành công có những điều kiện cần thiết phải đảm bảo, ví dụ như giảm sĩ số học sinh/lớp, thay đổi trong quản lý chuyên môn, tăng chủ động cho các nhà trường... Vì thế, cùng với việc hoàn thiện chương trình, Ban phát triển các chương trình môn học cũng kiến nghị các điều kiện bắt buộc phải đạt được. Và điều này cần sự cùng vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương.
Theo GS Thuyết, với tiến độ này, kế hoạch triển khai đại trà chương trình vẫn có thể thực hiện theo đúng dự kiến. Cụ thể chậm nhất sẽ thực hiện ở lớp 1 vào năm 2020 và mỗi năm sau đó triển khai đại trà với một lớp/cấp học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận