02/09/2019 15:26 GMT+7

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn: Độc lập phải đặt trên nền cơ bản là tự chủ kinh tế

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - 'Độc lập tự chủ về kinh tế khi hội nhập quốc tế nghĩa là chúng ta phải chủ động hội nhập, chấp nhận những 'luật chơi' quốc tế nhưng không lệ thuộc vào bất cứ nước nào, tổ chức quốc tế nào…', cựu đại sứ Võ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn: Độc lập phải đặt trên nền cơ bản là tự chủ kinh tế - Ảnh 1.

Ông Võ Anh Tuấn - Ảnh: TỰ TRUNG

Những ngày này, đến thăm cựu đại sứ Võ Anh Tuấn ở tuổi 93, thấy ông đang cặm cụi bên chiếc laptop hoàn chỉnh bản thảo cuốn sách thứ 9 của mình mang tên "Góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước ta".

Ông bảo: "Tựa đề của cuốn sách rút ra từ bản điếu văn đã được đọc trong tang lễ của Hồ Chủ tịch. Cuốn sách này tôi viết về những điều tôi biết và cảm nhận về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà cách mạng tiền bối đã khai sơn phá thạch, chung tay giành lại cho chúng ta một đất nước có chủ quyền độc lập sau những năm dài nô lệ. Giữ gìn độc lập ấy, xây dựng tự do, hạnh phúc là phần của những người đi sau…".

"Ngoại giao nhân dân" của Hồ Chí Minh

* Hẳn là ông sẽ tiếp cận các vị tiền bối ngay từ góc nhìn chuyên môn của mình là lĩnh vực ngoại giao...

- Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn: Tất nhiên đó là khía cạnh đầu tiên. 43 năm làm công tác đối ngoại, tôi đã tìm hiểu và tiếp xúc trực tiếp với khá nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới nên càng có điều kiện so sánh, đối chiếu.

Tôi thấy rằng thật hiếm có người nào xuất thân bình thường mà đã manh nha hoài bão yêu nước, thương dân ngay từ thuở thiếu thời, rồi suốt đời đem cả trái tim, khối óc, tinh thần và nghị lực của mình để thực hiện bằng được lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, không mảy may toan tính quyền lợi cá nhân như Hồ Chí Minh. Nói về ngoại giao thì Người cũng chính là một thiên tài từ rất sớm.

* Ông có thể phân tích cụ thể hơn luận điểm này.

- Ngày anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra nước ngoài cách nay 108 năm, cả dân tộc còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Anh thanh niên ấy đơn độc, khó nghèo nhưng đã dùng mọi nỗ lực của mình trong nhiều nghề nghiệp, ở nhiều địa bàn để tiếp xúc với các tầng lớp xã hội nước ngoài, nói cho họ biết và hiểu tình cảnh bi đát của người Việt, dân tộc Việt.

Không chỉ nói và kể trong các mối quan hệ cá nhân, anh còn tham gia nhóm yêu nước, thành lập hội "Liên hiệp thuộc địa", đã nỗ lực làm báo Người cùng khổ tại Paris (Pháp), đã cùng nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ký tên vào văn bản "Những yêu sách của dân An Nam" để gửi tới trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị Versailles, ký tên vào bức thư đính kèm bản yêu sách gửi đến Tổng thống Mỹ Thomas Wilson với đề nghị: "Chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền"...

Sau này, khi nghiên cứu về các phương cách, lề lối ngoại giao, chúng tôi gọi đây là ngoại giao nhân dân, và hiệu quả của nó đôi khi còn lớn hơn cả hội đàm chính thức. Bài học ngoại giao nhân dân mà Hồ Chí Minh đã đi đầu vẫn nguyên giá trị, nhất là những ngày này.

* Vì sao ông lại nhấn mạnh "nhất là những ngày này"?

- Ngày nay Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập, có quan hệ ngoại giao chính thức với hầu hết các nước trên thế giới và đang chủ động hội nhập quốc tế theo phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi. Tuy vậy, vai trò "đi trước một bước" của ngoại giao nhân dân không phải là đã chấm dứt.

Trong quan hệ quốc tế, đôi khi có những vấn đề, do nhiều lý do khác nhau, ngoại giao nhà nước không thể hoặc không tiện bày tỏ thái độ công khai, nhưng ngoại giao nhân dân có thể và cần kịp thời lên tiếng để hướng dẫn dư luận, làm hậu thuẫn cho ngoại giao nhà nước.

Tình hình quốc tế hiện nay ngày càng phức tạp, lắm khi quan hệ "bạn" - "thù" lẫn lộn, khó tách bạch. Ngoại giao nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu thực chất ý đồ của các đối tác.

Không bao giờ có "bạn" hay "thù" vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kinh nghiệm: "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Cái "bất biến" ở đây chính là độc lập - chủ quyền - thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Từ Đảng, Chính phủ, tổ chức, cá nhân đều phải nắm vững nguyên tắc đó để kịp thời và khôn khéo ứng phó với mọi loại hành động thật - giả của mọi loại bạn bè thật - giả.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) đã khẳng định: "Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất cứ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh".

* Có thể hiểu rằng ông đang đề cập đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và tình hình căng thẳng trên biển Đông những ngày này?

- Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc xưa nay vẫn luôn lẫn lộn bạn - thù, và biển Đông thì căng thẳng rất lâu rồi chứ không chỉ có chuyện ở biển Đông hai tháng nay. Tôi đã phát biểu nhiều lần và vẫn luôn nhất quán quan điểm: Khẳng định rằng Trung Quốc đang hiện thực hóa "đường lưỡi bò"; Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma; Trung Quốc đang lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép. Cũng khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý.

"Tôi muốn thêm thời gian…"

* Có thể cảm nhận ông đã nói điều này bằng tâm huyết hun đúc một đời làm ngoại giao của mình.

- Tròn 18 tuổi, vào năm 1945, tôi cùng đoàn Thanh niên Tiền phong gia nhập Việt Minh ở Vườn ông Thượng (Công viên Tao Đàn - PV). Cuộc đời thay đổi từ ấy. Giấc mơ thi đỗ bằng này, cấp nọ, thành thầy thông, thầy ký đi làm, kiếm tiền trả nợ, báo hiếu cho mẹ cha, lấy vợ, làm giàu… lập tức chìm mất tăm. Thành người cách mạng, cả đời tôi chỉ còn một mục đích: độc lập của dân tộc, tự do - hạnh phúc của nhân dân.

Làm ngoại giao khi chính phủ còn non trẻ, Việt Nam ngập trong chiến tranh, chia rẽ, với nhiệm vụ đại sứ, chúng tôi phải cố gắng hết sức để vượt qua những khó nghèo, thiếu thốn cá nhân để có thể đĩnh đạc bước vào chính trường quốc tế, làm sao cho Việt Nam không còn vô danh, làm sao cho Việt Nam có bạn bè, được thông hiểu, được ủng hộ. Và quan trọng nhất là bảo vệ cho được độc lập.

43 năm, năm lần được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở nhiều nước, nhiều khu vực khác nhau, đáng nhớ nhất với tôi là lần được tham gia sự kiện trọng đại ngày 20-9-1977: Việt Nam được kết nạp làm thành viên của Liên Hiệp Quốc. Và xúc động nhất là ngày 5-9-1982, tôi đứng trước phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc giới thiệu đề mục mới của Việt Nam vào chương trình nghị sự: "Vấn đề hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á".

Đây là câu trả lời của Việt Nam trước toàn thế giới về vấn đề Campuchia, khẳng định sự thật và lẽ phải của việc quân tình nguyện Việt Nam có mặt ở Campuchia.

Ngoại giao là hữu nghị, và ngoại giao cũng là đấu tranh như vậy.

* Sau bao năm, ngày nay vị thế Việt Nam trên thế giới đã khác. Tuy vậy, thách thức vẫn ở mọi nơi, mọi lúc. Theo ông, ngoại giao hữu nghị và đấu tranh thời kỳ này thay đổi điều gì so với trước đây?

- Bây giờ là thời hội nhập, độc lập chính trị, chủ quyền quốc gia phải đặt trên cái nền cơ bản là tự chủ kinh tế. Độc lập tự chủ về kinh tế khi hội nhập quốc tế nghĩa là chúng ta phải chủ động hội nhập, chấp nhận những "luật chơi" quốc tế, nhưng không lệ thuộc vào bất cứ nước nào, tổ chức quốc tế nào trong việc đề ra chủ trương, chính sách kinh tế, không chấp nhận bất cứ điều kiện gì làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.

Nói vậy là biết những mối đe dọa nền độc lập của chúng ta vẫn từ mọi phía, có tiềm ẩn, có lồ lộ, nhất là khi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, khoa học, năng suất lao động đang trở thành thực tế đau lòng. Tuy vậy, cơ hội thì rất nhiều - ở khắp thế giới, khả năng của người Việt Nam chưa bao giờ có ai phủ nhận, lòng yêu nước và khát khao độc lập - tự do - hạnh phúc vẫn nồng nàn, cháy bỏng như 74 năm về trước.

* Điều cuối cùng ông muốn nói?

- Tôi đã 74 năm cống hiến cho nền độc lập ấy, hôm nay vẫn làm việc, vẫn mong mỏi được có thêm thời gian để đóng góp cho đất nước, cho độc lập - tự do - hạnh phúc của người Việt Nam. Và tôi mong các anh em, con cháu, đồng chí, đồng bào tôi cũng vậy.

Người Sài Gòn chính hiệu

vat

Ông Võ Anh Tuấn - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Võ Anh Tuấn là một "người Sài Gòn chính hiệu", sinh năm 1927 tại làng Tân Tạo, tổng Long Hưng Thượng, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là Bình Tân, TP.HCM).

Năm 1945, ông vừa thi đậu bằng Thành chung tại trường Pétrus Ký, hoạt động trong đoàn SET - một tổ chức yêu nước của học sinh Pétrus Ký, và tham gia Thanh niên Tiền Phong tại Sài Gòn. Cách mạng tháng Tám, Nam Bộ kháng chiến, ông cùng đoàn Thanh niên Tiền phong tham gia cách mạng.

Chín năm kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở lĩnh vực giáo dục, từ 1952 đã là Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ. 1954: tập kết, đi học tại Liên Xô và chuyển sang ngành ngoại giao. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Cuba, Nam Tư, Hi Lạp, Zimbabwe, Zambia…

74 năm Quốc khánh: Nhắc nhau giữ độc lập, giữ chủ quyền 74 năm Quốc khánh: Nhắc nhau giữ độc lập, giữ chủ quyền

TTO - Dịp lễ 2-9, chia sẻ với Tuổi Trẻ, từ những tiền bối hơn 93 tuổi tới những bạn trẻ đều chung quan điểm: Tết độc lập thứ 74 nhắc nhở chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm xã hội, tăng sức mạnh kinh tế và giữ chủ quyền.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên