Phở Cao Vân, đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: GIANG VŨ
Ban giám khảo gồm nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng - tác giả cuốn sách Trăm năm phở Việt, nhà báo Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ, nhà báo Hồng Tươi - biên tập viên báo Tuổi Trẻ.
Các bài viết trong cuộc thi kể về những bát phở thưởng thức bên người thân yêu hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn, đáng nhớ.
Tác giả Nguyễn Thao nhớ kỷ niệm về người cha - "bạn tâm giao" ăn phở. Tác giả Chung Thanh Huy lại nhớ mỗi lần vào TP.HCM, được ông ngoại dẫn tới quán phở Cao Vân (phở cụ Phồn). Quán phở tồn tại hơn nửa thế kỷ, gây tiếc nuối khi ông Phồn qua đời năm 2020.
Các tác giả Phạm Khánh Ngọc, Trần Minh Hợp, Quỳnh Iris De Prelle bày tỏ nỗi niềm người Việt xa xứ, xa quê. Phạm Khánh Ngọc ăn tô phở có nước dùng pha vị cay của ẩm thực Thái, Quỳnh Iris De Prelle tự nấu phở ở Bỉ để thỏa nỗi nhớ quê hương, Trần Minh Hợp ăn tô "Yue Nan Niu Rou He Fe" (phở bò Việt Nam) giữa chiều đông Đài Loan.
Với những người con xa xứ, phở không chỉ là món ăn mà còn là bóng hình Việt Nam trong trái tim họ.
Bài viết Không đâu tìm lại được bát phở từng khiến tôi bật khóc của tác giả Như Diệu đặc biệt khi bát phở gắn với thời thơ ấu vất vả đi làm cùng cha mẹ. Cha mẹ ăn nửa phần thừa của bát phở sau khi con gái đã ăn no. Vị ngon nóng hổi của bát phở giữa cái lạnh cắt da cắt thịt đêm khuya khiến tác giả nhớ về mà bật khóc.
Đầu bếp tham dự cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" của báo Tuổi Trẻ năm nay - Ảnh: NAM TRẦN
Kết quả, giải nhất thuộc về Tôi giữ mãi trong tâm can câu trả lời còn trong hoài niệm của độc giả Nguyễn Thao, kể lại mỗi lần đưa con đi khám mắt ở Hà Nội, người cha lại hỏi: "Bé muốn ăn gì không?", và câu trả lời luôn chỉ có một: "Con muốn ăn phở bò".
"Bát phở bò ngọt lành và quyến rũ nhất trong ký ức bao năm qua của tôi vẫn là những bát phở tôi được ngồi ăn cùng bố nơi quán quen... Bát phở ấy lẫn vào trong hàng ngàn vạn quán phở trên đất nước này, chẳng thương hiệu, chẳng nổi tiếng, nhưng thứ nước phở ấy vẫn ngon ngọt đậm đà cả trong vị giác và ký ức của tôi mãi tới tận bây giờ" - Nguyễn Thao viết.
Giải nhì là bài viết Nhớ phở cụ Phồn, nơi như đến để gặp tri kỷ, cố nhân của độc giả Chung Thanh Huy. Anh chia sẻ cảm giác hụt hẫng khi quán nghỉ bán để sửa sang sau COVID-19: "Một không gian rộng rãi, hiện đại để phục vụ cùng lúc nhiều người đến thưởng thức phở ngon là điều cần thiết. Nhưng những người hoài niệm cũng ít nhiều hụt hẫng, vì không còn dịp để tìm lại những kỷ niệm nơi quán phở ghi dấu thời gian".
Giải ba là bài viết Tôi đã ăn bát phở ngon nhất mùa Giáng sinh ở Đức của độc giả Phạm Khánh Ngọc, kể kỷ niệm ăn phở tại một nhà hàng Thái Lan ở Berlin vào một đêm gần Giáng sinh. Bát phở do người Thái nấu, nước phở cay theo khẩu vị Thái, nhưng là bát phở ngon nhất mà tác giả từng ăn, vì ấm áp tình cảm với những người bạn, người đồng nghiệp xa quê.
Kết quả cuộc thi viết Phở trong tôi:
Giải nhất:
Tôi giữ mãi trong tâm can câu trả lời còn trong hoài niệm - Nguyễn Thao
Giải nhì:
Nhớ phở cụ Phồn, nơi như đến để gặp tri kỷ, cố nhân - Chung Thanh HuyGiải ba:
Tôi đã ăn bát phở ngon nhất mùa Giáng sinh ở Đức - Phạm Khánh Ngọc
Giải khuyến khích:
Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình - Lâm Minh Trang
"Cô ơi, em nhớ phở Việt Nam" - Thu Thủy
Mong Việt Nam có phở thịt bằm, như tô phở tôi dành cho mẹ gần 100 tuổi - Thanh VânThương tô nước phở bạc nhạc ba mua về cho cả nhà chan cơm - Kỳ Nhiên
Tô phở bò Yue Nan Niu Rou He Fen xua đi hơi lạnh chiều đông ở Đài Loan - Trần Minh Hợp
Nấu nồi phở gà thật ngon cũng kỳ công lắm đó - Tuyết Nhung
Tôi nhớ mùi phở, mùi hành ngò, nhớ cả tiếng rưới nước phở - Nguyễn Vũ Kinh Kha
Không đâu tìm lại được bát phở từng khiến tôi bật khóc - Như Diệu
Mùi phở ngon nhất là mùi bay ra từ căn bếp của ngoại - Linh Chi
Phở ngẫu hứng của nhà tôi - Quỳnh Iris De PrelleLễ trao giải cuộc thi viết "Phở trong tôi" dự kiến diễn ra vào sáng 12-12, trong Gala Ngày của phở 12-12, tại Vinhomes Central Park - Landmark 81 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận