Những người bạn mà tôi có cơ hội gặp gỡ qua chương trình của đoàn hợp tác quốc tế đã dành ra ba ngày để ở bên tôi. Ban ngày họ vẫn đến trường học, nhưng buổi chiều chúng tôi cùng nhau trải nghiệm rất nhiều điều thú vị.
Trong số những kỷ niệm đó, đáng nhớ nhất là khi tôi cùng các bạn đến một quán phở địa phương tên Phở Hùng.
Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm thấy tràn đầy háo hức và hạnh phúc khi nhận được những tin nhắn chào buổi sáng từ bạn bè. Tôi mong muốn được thưởng thức hương vị thật sự của ẩm thực Việt Nam, và niềm háo hức đó lớn dần lên khi tôi cảm nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bạn bè nơi đây.
Họ đối xử với tôi vô cùng thân thiện vì tôi là một người bạn ngoại quốc đến từ Hàn Quốc, điều đó khiến tôi cảm thấy chuyến đi trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Chúng tôi đến một quán phở nhỏ trong trung tâm thành phố Nha Trang. Ngay khi bước vào, mùi thơm nồng nàn của nước dùng phở khiến tôi bị mê hoặc. Những người bạn của tôi chọn món ăn được gợi ý và họ nói về từng loại phở yêu thích. Tôi quyết định gọi một tô phở bò phổ biến, trong khi bạn tôi gọi phở gà và phở hải sản.
Jang Mi Kyung, sinh năm 2002, hiện là sinh viên ở Hàn Quốc.
Thời gian chờ đợi món ăn không còn là khoảng thời gian sốt ruột nữa mà trở thành niềm vui nho nhỏ, giống như niềm vui của sự mong đợi. Cuối cùng, tô phở nóng hổi cũng được mang ra. Những cọng giá tươi ngon phủ lên trên mặt tô phở trông thật hấp dẫn. Khi chúng tôi cùng nhau trò chuyện, tôi đã hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của các bạn qua từng câu chuyện.
Ngay từ thìa đầu tiên, vị ngọt thanh và đậm đà của nước dùng khiến tôi vô cùng ấn tượng. Các bạn tôi cũng thưởng thức tô phở của họ với nụ cười vui vẻ.
Chúng tôi vừa ăn vừa chia sẻ nhiều điều, từ những khác biệt giữa phở Việt Nam và phở Hàn Quốc đến những câu chuyện về cuộc sống. Các bạn hỏi tôi phở Việt Nam có khác với phở Hàn Quốc nhiều không, và tôi trả lời rằng có sự khác biệt khá lớn. Chúng tôi cùng cười đùa khi so sánh nền văn hóa của hai quốc gia như vậy.
Trên đường về khách sạn, những câu chuyện và tiếng cười vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi. Tôi không ngờ một tô phở lại có thể tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ đến vậy. Tôi chợt nhận ra rằng, thức ăn không chỉ là một bữa ăn đơn thuần mà còn là cầu nối quan trọng kết nối con người với nhau.
Nhờ trải nghiệm đặc biệt này, tôi cảm thấy cuộc sống ở Nha Trang trở nên phong phú hơn rất nhiều. Tôi hy vọng những khoảnh khắc đáng quý này sẽ tiếp tục duy trì và tôi luôn trân trọng kỷ niệm của ngày hôm nay trong tim mình.
Hương phở sáng sớm hôm ấy
Khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến phở, và ngược lại, nhắc đến phở thì người ta sẽ nhớ đến Việt Nam. Đối với tôi, tôi cũng có quan điểm đúng như vậy.
Trước khi đến TP.HCM, tôi có một quán phở yêu thích. Nhưng rồi quán ấy đóng cửa, và những lần thử qua các quán khác lại khiến tôi thất vọng. Giá cả quá cao, khẩu phần quá ít, khiến tình yêu với phở dần nhạt đi. Tôi đã nghĩ mình sẽ xa rời món ăn này mãi mãi, cho đến khi một chuyến đi học tại TP.HCM vào năm 2024 làm thay đổi tất cả.
Tôi đã lên máy bay với hy vọng sẽ được thưởng thức thật nhiều phở bò tại Việt Nam, nhưng thực tế không như mong đợi. Ở căng tin trường nơi tôi theo học, thực đơn thay đổi mỗi ngày và phở chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một lần. Thậm chí tôi còn bị thu hút bởi những món ăn mới lạ như bún bò Huế, bún riêu... nên vị thế của phở dần bị đẩy về phía sau.
Khi cố gắng tìm một quán phở khác để thưởng thức, tôi nhận ra khu vực quận 1 - nơi tôi sống, có nhiều món ăn dành cho người nước ngoài với giá khá đắt đỏ.
Tôi gần như quên đi hy vọng ban đầu về phở, cho đến một ngày tình cờ, tôi được mời đến thăm nhà của một người bạn Việt Nam, một nhân viên trong công ty của bác họ tôi. Câu chuyện về phở của tôi, từ đó, cũng bước sang một trang mới.
Sáng hôm sau, lúc 6h sáng, tôi cùng anh ấy đi làm. Khi tôi đang chuẩn bị ra ngoài, anh ấy trở về với một túi nhựa không biết là gì trên xe máy, rồi mở túi ra và bày lên đĩa trong phòng nghỉ của công ty. Anh nói bằng tiếng Hàn: "Đây là phở bò".
Khác với những gì tôi từng biết, tô phở này có thịt bò, tiết luộc và nhiều nguyên liệu phong phú khác. Món phở lâu ngày gặp lại quả thực rất ngon. Anh ấy ăn trước rồi đi làm, còn tôi ở lại từ từ thưởng thức...
Sau đó, tôi đã thử ăn phở ở một số nhà hàng khác, nhưng đó hoàn toàn là phở Bắc, và cảm giác hoàn toàn khác biệt so với món phở mà tôi đã ăn hôm đó. Có lẽ chỉ khi về những vùng nông thôn tôi mới có thể tìm được hương vị ấy, nhưng không có cơ hội đi xa, tôi đành mang theo chút tiếc nuối khi trở về Hàn Quốc.
Mỗi sáng 6h, khi tôi đi xe máy trên con đường vắng, hít thở không khí lạnh khoảng 25 độ, tôi vẫn không thể quên được món phở đã mang lại những kỷ niệm khó quên. Món phở ấy, tôi không biết giá bao nhiêu, cũng không biết mua từ đâu, nhưng nó đã khiến tôi nhớ về Việt Nam, về những ngày tháng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
JO HYO-MIN
Cuộc thi viết Phở Việt trong mắt tôi
Nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam thuộc chương trình "Ngày của phở" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, cuộc thi viết "Phở Việt trong mắt tôi" được phát động nhân sự kiện Vietnam Phở Festival 2024, diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 5, 6-10 vừa qua.
Cuộc thi dành cho du học sinh Việt Nam, sinh viên Hàn Quốc đang học tập trong các trường đại học tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc; là nơi để họ chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về phở, những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam hoặc Hàn Quốc gắn liền với món phở, kỷ niệm về một nhân vật có thật, gắn bó hoặc có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Những bài viết hay, ấn tượng có cơ hội nhận giải:
1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
1 giải nhì: Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải ba: Trị giá 5.000.000 đồng.
3 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt like cao nhất trên Tuổi Trẻ Online): Trị giá 10.000.000 đồng.
1 giải cho người có nhiều bài dự thi nhất: Trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức nhận bài dự thi trước 7-10-2024, dự kiến công bố giải vào ngày 12-12-2024.
Ngày của phở 12-12 là chương trình do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và liên tục tổ chức từ năm 2017 đến nay. Từ năm 2018, ngày 12-12 chính thức được xác lập là "Ngày của phở Việt Nam".
Hiện "Ngày của phở" đã trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực thường niên quan trọng, góp phần nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ món phở nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung ra khắp thế giới.
Trong "Ngày của phở", rất nhiều hoạt động được tổ chức như: cuộc thi Ký ức về phở; Hiến kế phát triển Ngày của phở; Triển lãm phở và Hành trình trở về phở xưa; Bình chọn những quán phở được ưa thích nhất hay cuộc thi ảnh và viết Phở trong tôi...
Đặc biệt cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon với danh hiệu Hoa hồi vàng thu hút nhiều đầu bếp trẻ tham gia và đoạt giải. Nhiều tổ chức, đơn vị, quán phở nổi tiếng ở khắp cả nước đã cùng hưởng ứng, đồng hành quảng bá cùng Ngày của phở 12-12 trong suốt 7 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận