03/12/2010 02:55 GMT+7

Cuộc kiếm tìm "vàng đen" trên đất Việt - Kỳ cuối: Rực sáng đuốc dầu

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Là người trong cuộc với nhiều niềm vui nhưng cũng lắm lo âu của cuộc trường chinh tìm “vàng đen”, TS Ngô Thường San tâm sự: “Lúc ấy, việc tiếp tục hay dừng khai thác mỏ Bạch Hổ đang có dấu hiệu tắt dần và trở thành gay gắt với chúng tôi”.

NeXiBBq2.jpgPhóng to

Tượng đài dầu khí (do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới và Công ty kiến trúc cảnh quan Thượng Uyển thực hiện) sẽ được khánh thành ngày 10-12-2010 tại TP Vũng Tàu - Ảnh: N.X

Phát hiện lịch sử

Trước tình hình giàn khai thác MSP - 1 đang tụt nhanh sản lượng ở Bạch Hổ 1, các chuyên gia dầu khí VN và Liên Xô quyết định mở rộng khoan thăm dò trên vùng thềm lục địa mà các công ty quốc tế từng tìm thấy dầu trước năm 1975. Tàu khoan Mirchink từng tìm thấy dầu ở Bạch Hổ 1 được điều đến khu vực giếng Bạch Hổ 6, mũi khoan bắt đầu đi xuống thềm lục địa với chiều sâu thiết kế dự kiến 3.800m.

Theo TS San, phó tổng giám đốc Vietsovpetro thời kỳ đó, vị trí giếng khoan nằm ở vòm bắc và nam mỏ Bạch Hổ. Mục đích thăm dò giếng này nhằm đánh giá tiềm năng của mỏ và xây dựng thêm các giàn khai thác cố định mới. Mọi người cũng hồi hộp, nhưng thật sự không ai dám nghĩ đến kết quả tốt đẹp bất ngờ khi giếng dầu Bạch Hổ 1 gần đó đang leo lét tàn dần.

16g ngày 5-5-1986, mũi khoan kết thúc ở độ sâu 3.533m. Sau đó một tuần, mọi người trên tàu hồi hộp thử vỉa ở độ sâu 3.508-3.515m. Kết quả thật bất ngờ: lưu lượng dầu phun lên 505 tấn và hơn 23.000m3 khí/ngày đêm. Mọi người nghi ngờ tìm thấy dầu dưới độ sâu vỉa đáy của giếng Bạch Hổ 6 nên thử lại lần hai trong ngày 24-5-1986. Và kết quả gần tương đương khi lưu lượng dầu phun lên gần 478 tấn và 31.700m3 khí/ ngày đêm ...

Dầu từ đâu ra? Trước đó ít ai nghĩ, ngay cả tài liệu dầu khí quốc tế cũng hiếm thấy tìm được dầu từ tầng phong hóa trong đá móng. Đặc biệt, tài liệu khoan thăm dò dầu khí trước năm 1975 của chính quyền Sài Gòn cũng không đề cập dầu dưới tầng đá này. Là người chuyên ngành địa chất, TS San kể nhiều ý kiến được đưa ra. Nhóm cho rằng dầu từ chính tầng đá móng. Nhóm “truyền thống” thì nghi ngờ dầu từ tầng trầm tích trên chảy xuống. Nhưng rồi do khẩn trương khai thác phục vụ đất nước đang khó khăn lúc đó, nên cuộc tranh luận quan trọng này tạm lắng. Sang mùa xuân năm 1988, trong lúc cánh cửa đổi mới đã mở, ngoài thềm lục địa việc thăm dò, khai thác dầu khí cũng được tăng cường thực hiện để góp phần vào cuộc đổi mới thành công.

Đầu tháng 8-1988, giếng Bạch Hổ 1 được khoan lại. Đây là giếng đã khai thác dầu từ năm 1986 nhưng cho sản lượng thấp dần. Trước đó, quá trình khoan giếng này cũng có nhiều đột phá khi lần đầu sử dụng đất sét và vỏ trấu nhét vào kẽ nứt và hang hốc dưới giếng khoan. Sự sáng tạo này đem lại niềm vui cho nông dân khi đất sét được mua tận Lâm Đồng, còn trấu thì mua ở Bà Rịa và chở ra biển bằng trực thăng MI8. TS San kể chỉ sau khoảng một tháng khoan lại thì sự kiện lịch sử quan trọng nhất của ngành dầu khí VN đã diễn ra trong ngày 6-9-1988. Từ tầng phong hóa của đá móng, dòng dầu công nghiệp cực mạnh bất ngờ phun lên với lưu lượng khoảng 2.000 tấn/ngày. Cả giàn khoan rung chuyển vì áp lực dầu và không thể đóng giếng được do thiết bị không đủ chịu áp suất này.

TS San nhớ ông và các đồng nghiệp đã xúc động đến run người, bật khóc vui mừng. Có lãnh đạo ở Hà Nội nghe báo tin vừa mừng vừa hồi hộp hỏi lại mấy lần: “Có thật không? Có thật không?”. Và dòng dầu dưới giếng Bạch Hổ 1 đã được khai thác ngay sau đó bằng chính cần khoan để đưa lên tàu chứa chở đi bán. Năm 1988 mặc dù đã bắt đầu đổi mới, nhưng thực tế đất nước rất khó khăn với tình hình lạm phát. TS San nhớ: “Chỉ một tháng sau ngày khai thác, ngoại tệ từ bán dầu đã về ngân hàng trong nước, góp phần ổn định lạm phát và thúc đẩy đổi mới”.

Sau này, TS Đặng Của, chuyên gia khoan dầu khí VN, đúc kết việc phát hiện trong tầng móng đá granit dưới đáy sâu giếng dầu là một bước tiến lịch sử cực kỳ quan trọng, mở ra tương lai mới cho ngành dầu khí VN. Nhiều mỏ dầu mới trên thềm lục địa như Rạng Đông, Sư Tử Đen, Rồng, Ru Bi... cũng đều tìm thấy dầu trong tầng móng. Còn TS San, nhà địa chất dầu khí, văn vẻ hơn khi viết rằng: “Bạch Hổ đã đi vào văn liệu dầu khí thế giới và được ghi nhận là mỏ dầu lớn nhất VN... từ tầng móng granit trong bể trầm tích đệ tam trên thế giới”. Các phân tích địa chất cho thấy tầng móng đá thềm lục địa VN đã trải qua nhiều quá trình biến đổi sau khi được hình thành. Với những sự kiến tạo, phong hóa, thủy nhiệt và co giãn nhiệt của macma đã làm xuất hiện trong tầng móng các khe nứt, hang hốc, và dầu đã được tìm thấy trong đó.

Nền công nghiệp dầu khí

Bắt đầu từ điểm mốc 1988, cuộc trường chinh tìm “vàng đen” của Tổ quốc đã chuyển sang một trang mới với hoạt động thăm dò chính xác hơn và khai thác quy mô công nghiệp lớn để góp phần phát triển đất nước. Không còn giai đoạn mò mẫm tìm kiếm như trước nữa, ngay cuối năm 1988, sản lượng khai thác dầu khí VN đã gần đạt ngưỡng 1 triệu tấn, sang năm 1989 vọt lên mức 1,5 triệu tấn và tiếp tục tăng trưởng mạnh ...

Sau nỗ lực trực tiếp tìm dầu khí, bước ngoặt quan trọng nữa lại đến khi VN xây dựng Luật dầu khí để làm cơ sở phát triển nền công nghiệp này và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ông Trần Văn Giao, thành viên ban soạn thảo Luật dầu khí năm 1993 và là tổng thư ký ban soạn thảo Luật dầu khí sửa đổi, không quên những chuyến đi qua Indonesia, Canada, Mỹ để nghiên cứu các luật dầu khí của họ. Nhưng kỷ niệm lớn nhất của ông là thời gian được gần thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Hà Nội và phát hiện tầm cao tâm và tài của thủ tướng.

Bên cạnh những lãnh đạo đã ra quyết sách quan trọng đến giai đoạn hình thành ngành dầu khí, thủ tướng Võ Văn Kiệt có dấu ấn rất lớn trong phát triển nền công nghiệp này. Chính ông đã nhiều lần ra thị sát trực tiếp giàn khoan, chủ trương xây dựng nhanh hệ thống dịch vụ kỹ thuật dầu khí, “vì nếu cứ bỏ tiền ra thuê hết thì đất nước thu lại được gì từ tài nguyên của mình?”.

Đặc biệt, ông trăn trở cùng ngành dầu khí tìm giải pháp tăng nhanh sản lượng khai thác để có ngoại tệ xây dựng lưới điện quốc gia 500 kV. Nhìn phải đốt bỏ khí của các giàn khai thác, thủ tướng xót xa: “Tại sao hết đốt bỏ ngoài biển lại đốt trên bờ?”. Chính ông thúc đẩy phát triển nền công nghiệp khí đốt phục vụ công nghiệp và dân sinh như xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, hình thành khu tam giác công nghiệp lớn nhất nước TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa IX, ngày 6-7-1993, Luật dầu khí đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua.

Từ đây, ngành công nghiệp dầu khí VN mạnh mẽ, tự tin bước ra “sân chơi” quốc tế. Ngoài đem lại nguồn lợi kinh tế lớn, mỗi giàn khoan, mỗi cơ sở hoạt động dầu khí còn mang sứ mệnh thiêng liêng là bia đá chủ quyền, là lá quốc kỳ VN trên biển đảo Tổ quốc!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những vụ nổ dưới lòng đấtKỳ 2: Thọc tay vào lòng đấtKỳ 3: Tiến ra đại dươngKỳ 4: Cuộc chạy đua ở thềm lục địa Kỳ 5: Bước ngoặt lịch sửKỳ 6:Bí ẩn dưới đáy biển

___________________

Đón đọc số tới:

30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười

Ấy là nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu khẳng định: không thể khai phá được. Chỉ sau ba thập kỷ, những người Việt đã chứng minh điều ngược lại: biến “vùng đất chết” thành mảnh đất màu mỡ đầy ắp tiềm năng. Họ làm điều đó ra sao?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên