Kỳ 1: Những vụ nổ dưới lòng đất
Phóng to |
Quyền chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (bìa trái) trong một lần thăm giếng khoan ở Thái Bình - Ảnh tư liệu |
Giếng khoan và sự cố phóng xạ...
Hồi tưởng kỷ niệm đặc biệt này, tiến sĩ ngành khoan khai thác dầu khí Đặng Của tâm sự ngay từ năm 1962, mũi khoan số 1 được thực hiện nghiên cứu cấu tạo địa chất ở Khoái Châu, Hưng Yên. Bằng máy khoan Liên Xô viện trợ, ngày 14-2-1962 khởi công khoan và kết thúc vào ngày 15-4-1963. Rất nhiều bài toán mới mẻ phải giải đáp như địa chất công trình, lắp ráp giàn khoan. Nhưng cuối cùng khoan đã đạt đến độ sâu 803m, vượt chỉ tiêu ban đầu 650m và vượt luôn cả công suất máy giàn khoan. Tuy chưa tìm thấy dấu hiệu dầu khí nhưng mũi khoan đã phát hiện vỉa than gầy và khí mêtan...
Là người đi trước khảo sát địa chấn bằng thuốc nổ để chuẩn bị thực hiện khoan, TS địa vật lý Trương Minh vẫn nhớ tâm trạng hồi hộp theo dõi từng mét khoan sâu dần xuống lòng đất, để đối chiếu kiểm tra sự chính xác của các nghiên cứu địa vật lý trước đó. Đội ngũ khoan chia bốn ca làm việc liên tục suốt 24 giờ. Cơm trưa được ăn ngay tại công trình. Nhiều năm đã trôi qua, TS Minh vẫn nhớ rõ cảm giác vui mừng khi các lát cắt địa tầng giếng khoan đã khẳng định ngành khoa học dầu khí non trẻ của đất nước đi chính xác và đúng hướng.
Vừa hoàn tất giếng khoan số 1, các kỹ sư khoan bắt tay chuẩn bị thực hiện ngay giếng khoan số 2 ở xã Trường Chinh, Phù Cừ, Hưng Yên. Khởi công khoan từ ngày 12-4-1964 và kết thúc ngày 20-3-1965. Chiều sâu khoan dự kiến đến 1.200m, một kỷ lục của ngành khoan dầu khí VN thời điểm đó.
Mọi việc ban đầu rất thuận lợi. Người dân địa phương háo hức chờ đợi kết quả. Họ vui vẻ đem khoai sắn, gà vịt ra chiêu đãi anh em làm việc suốt ngày đêm để tìm tài nguyên. Tuy nhiên, khi mũi khoan đạt đến độ sâu 1.182,5m thì sự cố xảy ra. Mũi khoan bị kẹt cứng ở độ sâu này.
Việc cứu kẹt suốt từ tháng 6 đến tháng 8-1964 vẫn không thành công. Sau đó, sự cố đặc biệt nữa lại xảy ra khi nguồn phóng xạ công trình bị mất một cách bí ẩn, trong khi bên ngoài có nguồn tin phát tán đó là “đồng đen” quý hiếm. Sự việc phải báo khẩn cấp lên trên. Một chiến dịch tuyên truyền phóng xạ nguy hiểm được thực hiện ở khắp xã lân cận. Cuối cùng, đoàn khảo sát xạ hiếm phát hiện nguồn phóng xạ được bí mật “trả lại” trên cánh đồng gần giếng khoan.
3.200m dưới “địa ngục” ...
Trong ký ức những người tiên phong từ cuộc trường chinh tìm “vàng đen” cho đất nước, giếng khoan sâu thông số 100 ở làng Khuốc, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một sự kiện đặc biệt khó quên, vì đây là mũi khoan sâu đầu tiên ở VN.
Sáng 15-1-1969, một cuộc họp quan trọng đã được tổ chức để trình bày phương án khoan trước đại diện Vụ Kỹ thuật, Tổng cục địa chất, lãnh đạo đoàn thăm dò dầu khí 36 và các chuyên gia địa chất, địa vật lý, kỹ thuật khoan... Mặc dù trước đó nhiều mũi khoan đã đến độ sâu 1.200m nhưng ngành dầu khí vẫn xem là khoan nông. Mũi khoan sâu 3.200m ở Thái Bình này mới thật sự là mũi khoan sâu đầu tiên của ngành dầu khí VN.
TS Đặng Của lúc ấy đảm nhiệm chức vụ đoàn phó kỹ thuật thi công kể đã đối mặt trước nhiều thử thách nghiêm trọng. “Phương án thiết kế thi công được duyệt nhưng khi so sánh với thiết bị từ Romania đưa về, mọi người đều lo lắng. Giàn khoan 4LD - 150D của Romania sâu 3.200m, nhưng không rõ nguyên nhân nào mà thực nhận hầu hết thiết bị chỉ đạt được 50% công suất, kể cả những thứ quan trọng như choòng khoan, ống thông, hóa chất chuyên dụng... Thế là lại phải nhập thêm từ Liên Xô và mất nhiều thời gian vận chuyển”.
Hàng cập cảng Hải Phòng, lại đối mặt ngay “bài toán” khó vận chuyển giàn khoan siêu trọng 1.000 tấn từ cảng về làng Khuốc, Thái Bình. Mọi thiết bị vận chuyển, đường sá, cầu cống lúc đó đều rất thiếu kém trong khi có những vật tư siêu trọng, siêu trường nặng đến 25 tấn, từng đoạn tháp khoan dài 18m. Tổng vật tư cho giếng khoan này nặng đến 2.000 tấn. Khả năng xe cộ, cầu cống lúc bấy giờ thì nhiệm vụ bất khả thi.
Mọi lực lượng thủy, bộ được phối hợp để vận chuyển thiết bị, kể cả sẵn sàng bốc dỡ, giấu vật tư khi bị máy bay đánh. Nhiều đoạn đường phải mở, ruộng phải phá, nhà phải dời để vận chuyển thiết bị cồng kềnh, nhưng dân đều sẵn lòng cống hiến và náo nức chờ đợi. Việc gia cố nền đỡ giàn khoan siêu trọng trên nền đất bùn yếu phải đóng đến 32 ống thép lớn 299mm và dài 40-45m. Chuẩn bị từ đầu năm 1969, mãi đến tháng 9-1970 việc xây lắp giàn mới hoàn tất với chiều cao 63m sừng sững giữa cánh đồng Thái Bình. Mọi người phải đào hầm chống bom để làm việc trong lúc miền Bắc bị ném bom
Cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Liên Xô, mũi khoan bắt đầu hoạt động ngày 23-9-1970 sau gần hai năm ròng rã chuẩn bị. Bốn kíp thay nhau làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày, kể cả chủ nhật. Đến ngày 28-9-1971, mũi khoan xuống độ sâu 3.000m...
Cả miền Bắc hồi hộp theo từng mét khoan ở làng Khuốc. Anh em vừa làm vừa chạy bom với điều kiện làm việc thiếu thốn. Mỗi lần TS Của về phép với vợ ở Hà Nội lại “xúc trộm” vài cân gạo, chai nước mắm bồi dưỡng anh em giàn khoan. Về sau vợ phát hiện, ý tứ cứ đổ đầy hũ gạo cho chồng “xúc trộm”.
Thiết bị thiếu thốn, kinh nghiệm khoan sâu chưa có. Giếng khoan số 100 ở làng Khuốc mấy lần bị trục trặc, kể cả cần khoan thép D không đủ chịu tải, phải tạm dừng chờ tăng cường khoan thép K từ Liên Xô. Giàn khoan ba động cơ, mỗi máy 700 mã lực đều đã chạy quá giờ, thiếu phụ tùng thay thế. Miền Bắc lúc đó chỉ có nhà máy Bộ Quốc phòng sửa chữa động cơ xe tăng 450 mã lực.
Bồi hồi nhớ công trình kỷ niệm của ngành dầu khí non trẻ VN lúc ấy, TS Của kể có lần máy bay Mỹ đánh bom sát công trình, may mà không thương vong, hư hỏng nặng. Xúc động nhất là đốc công khoan Serdukov (Liên Xô) trượt chân ngã trên giàn và qua đời sau 10 ngày nằm viện. Ông là người đầu tiên hi sinh trong lịch sử dầu khí VN.
Sau bốn năm ròng rã săn tìm dưới lòng đất, giếng khoan làng Khuốc tạm dừng giữa năm 1972 ở độ sâu 3.303m trong hoàn cảnh miền Bắc đang bị Mỹ leo thang ném bom ác liệt. Việc tháo dỡ, di chuyển giàn khoan mất rất nhiều thời gian và công sức trong điều kiện vừa làm vừa tránh bom cho cả người và máy móc.
“Tuy chưa tìm được dầu khí ở giếng khoan này nhưng chúng tôi không nản chí. Tầng sâu địa chất đồng bằng sông Hồng được giải mã đã đào tạo cho ngành khoan thăm dò dầu khí một đội ngũ giàu kinh nghiệm để tiếp tục dấn bước”. TS Của tâm sự sau đó, họ đã tiến ra phía đại dương để tìm kiếm “vàng đen” cho Tổ quốc...
__________
Sau chặng dài nỗ lực thăm dò dầu khí trong đồng bằng và vùng núi, bản đồ cuộc trường chinh tìm “vàng đen” được vẽ mũi tên đỏ tiến ra biển và gặt hái kết quả bất ngờ...
Kỳ 3: Tiến ra đại dương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận