29/11/2010 05:47 GMT+7

Cuộc kiếm tìm "Vàng đen" trên đất Việt - Kỳ 3: Tiến ra đại dương

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Từ kết quả nghiên cứu dầu khí ở đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia dầu khí nhận định hướng ra biển thì triển vọng tốt hơn trong đất liền...” - TS địa vật lý Trương Minh nhớ mãi bước ngoặt quan trọng này.

Dầu khí VN tiến ra đại dương lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1968, khi TS Minh cùng đội khảo sát ven biển Nam Định, Thái Bình. Nhiệm vụ của họ là khảo sát cấu tạo địa chất để các đoàn khoan thăm dò tiếp bước.

Wxung1gB.jpgPhóng to

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm các giàn khoan ven biển miền Bắc năm 1975 - Ảnh: Q.Việt chụp lại ảnh tư liệu

Kỳ 1: Những vụ nổ dưới lòng đấtKỳ 2: Thọc tay vào lòng đất

“Mất tích” trên biển

Hồi ký TS Minh ghi: “Ban ngày, đoàn tham gia kéo lưới bắt cá kết hợp khảo sát đo đạc chiều sâu biển, theo dõi quy luật, cường độ sóng gió và thủy triều, vẽ bản đồ các đảo. Khi chuẩn bị đi biển, bà con khuyên không cần đem theo nhiều thứ, chỉ cần gạo muối, một số gia vị, bếp dầu và... rượu trắng. Bù lại những ngày nắng gắt và nước biển mặn chát làm ai nấy đều đen trũi thì các bữa ăn trên thuyền thật xôm, được ăn những con cá tươi ngon nhất vừa mới bắt.

Những câu chuyện của bà con đi biển thật hấp dẫn về phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của ngư dân vùng biển. Qua đó đoàn thu thập được nhiều tư liệu cần thiết về biển như thời tiết, sóng gió, thủy triều... mà không tìm thấy được trong sách vở. Đợt khảo sát này đã cho đoàn rất nhiều tư liệu quý giá để vạch ra được phương án tiến ra vùng biển...”.

TS Minh kể họ khảo sát khắp cửa Ba Lạt, rồi cồn Lu, cồn Thông, cồn Đen, cồn Thủ ven biển Nam Định, Thái Bình. Năm 1968, ông có kỷ niệm khó quên khi cùng chuyên gia Liên Xô chuẩn bị thực hiện giếng khoan sâu tìm kiếm dầu khí ở cồn Đen. Thời điểm triều rút, canô không thể cập sát cồn được, mọi người phải trung chuyển bằng xuồng máy. Họ mải mê khảo sát khu vực đặt giếng khoan quên cả giờ giấc.

Đến chập tối, họ tìm canô về đất liền thì không thấy đâu. Không có bộ đàm, mọi người khản giọng gọi, rồi đốt lửa báo hiệu cũng chẳng thấy bóng canô. Cuối cùng họ phải ngủ đêm lại đảo, may mà có bọc gạo mang theo trong balô để nấu cháo trắng cầm hơi.

Sáng hôm sau, họ ra lại bờ biển thì thấy canô và mọi người đang dáo dác tìm. Thì ra do không liên lạc được với nhau, canô cũng lùng sục họ cả đêm. Sự việc được báo động đến công an, quân đội. Cấp trên chỉ thị bằng mọi giá phải tìm được nhóm khảo sát. Nếu bị biệt kích giết phải tìm ra thi thể, còn bị bắt cóc cũng phải tìm ra dấu vết truy tìm. Nhóm khảo sát không chỉ có các nhà khoa học hiếm hoi của ngành dầu khí bấy giờ, mà còn cả chuyên gia Liên Xô, và các thông tin mật về hoạt động thăm dò dầu khí miền Bắc.

Niềm vui và thử thách

Sau bước chân khảo sát địa vật lý, các mũi khoan sâu tìm kiếm dầu khí cũng lần lượt xuống lòng đất ven biển Bắc bộ. Niềm vui đầu tiên đã đến sau những ngày tháng ròng rã thực hiện cuộc trường chinh tìm “vàng đen” đặc biệt này. Ngày 3-2-1975, giếng khoan 61 ở huyện ven biển Tiền Hải, Thái Bình được khởi công. Bộ máy khoan BU - 75 của Liên Xô nặng 600 tấn, tháp khoan cao 50m và khoan sâu được 2.400m. Lúc này miền Bắc không còn bị đánh phá. Họ làm việc rất thuận lợi và hào hứng.

Tiến độ khoan khá nhanh. Ở độ sâu 1.000m đầu vẫn chưa thấy gì. Tuy nhiên, ngay ngày 18-3-1975, những người săn tìm “vàng đen” đã vui mừng tìm thấy lưu lượng khí khá cao ở độ sâu 1.148 - 1.150m. Ngày 4-8-1975, mũi khoan đã xuống đến độ sâu 2.400m và chính thức phát hiện mỏ khí có trữ lượng 1,3 tỉ m3.

Mỏ này đã đi vào biên niên sử của ngành dầu khí VN khi khai trương dòng khí công nghiệp đầu tiên của đất nước. Niềm vui phát hiện mỏ khí từ công trình lan nhanh đến thủ đô. Nếu tính từ thời điểm thành lập Đoàn dầu khí 36 năm 1961, thì đến ngày thu được kết quả cụ thể ở Tiền Hải này đã ròng rã gần 15 năm, còn tính cả quá trình khảo sát địa chất trước đó cũng gần suốt 20 năm rồi.

Là đoàn phó phụ trách thi công, TS Đặng Của đi gấp lên Hà Nội báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngày 22-3-1975, ông được Thủ tướng cử qua Liên Xô, để cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Nguyễn Văn Điệp (đang công tác bên đó) trao đổi với nước bạn về tương lai khai thác dầu khí VN. Sau đó, Liên Xô đã gửi sang VN hai bộ máy khoan Uralmax - 3D - 61 với sức nâng trục 250 tấn, khoan sâu đến 5.000m và BU80 có sức nâng 80 tấn, khoan sâu được 2.800m.

35 năm đã qua, những người trong cuộc vẫn nhớ mãi câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm mỏ khí: “Trong niềm vui vinh dự, càng lớn lao trọng trách của nghề đi tìm mỏ, làm giàu cho Tổ quốc”. Những năm đầu 1980, mỏ khí Tiền Hải đã được khai thác phục vụ hoạt động công nghiệp Thái Bình.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui này, những người đi tìm “vàng đen” cũng đối mặt với nhiều thử thách, thậm chí sự cố nghiêm trọng. Cả giàn khoan F200 - 2HD của Romania nặng 800 tấn, khoan sâu 4.000m đang hoạt động bất ngờ lún chìm mất dưới lòng đất ở giếng khoan 76, Tiền Hải, Thái Bình khi mới xuống độ sâu 582m. Trong lúc đất nước khó khăn, ngoại tệ cực kỳ khan hiếm, sự mất mát giàn khoan hàng triệu USD là đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, cũng tại vùng ven biển Thái Bình, giếng khoan số 63 đã lộ dấu vết vỉa dầu thô rất mạnh nhưng lại tụt mất. TS Trần Ngọc Toản - nguyên viện trưởng Viện Dầu khí, người đích thân đi mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng chứng kiến buổi thử vỉa quan trọng ở giếng khoan - kể: “3 giờ sáng, anh em ở trụ sở Đoàn 36 tại Hưng Yên đã đi đón Thủ tướng. Bác Đồng kêu dọn cơm anh em ăn, nhưng bản thân lại chỉ cầm nắm cơm nguội. Ai cũng vui vì mới mấy hôm trước đã thấy dầu. Các chuyên gia Liên Xô lẫn VN nhễ nhại mồ hôi thử vỉa, tìm dầu cho Thủ tướng xem. Nhưng dù nỗ lực đến chiều, dòng dầu vẫn tịt và đành chấp nhận thực tế giếng này đến thời điểm đó chưa thấy trữ lượng dầu công nghiệp”.

Sau 150 ngày khoan không nghỉ để xuống đến độ sâu 2.400m, niềm vui thấy dầu tưởng đã đến lại biệt tăm. Mọi người lặng buồn nhìn Thủ tướng. TS Toản nhớ sau thời gian sốt ruột, thủ tướng có thoáng đăm chiêu, nhưng rồi vui vẻ an ủi đội ngũ thăm dò dầu khí rằng làm cách mạng khó khăn, làm dầu khí cũng khó khăn, chưa thành công thì phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để đến thắng lợi. TS Toản tâm đắc câu Thủ tướng hay hỏi anh em dầu khí: “Có cách nào làm tốt hơn không?”. Câu hỏi này khiến họ luôn trăn trở tìm giải pháp tối ưu trên đường trường chinh tìm “vàng đen” cho đất nước thời khó khăn...

Trong lúc hoạt động thăm dò dầu khí hối hả ở đồng bằng và hướng ra biển, trên vùng núi Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh cũng có đoàn khảo sát địa vật lý trèo đèo lội suối đi tìm dầu khí. Kết quả ban đầu cho thấy đây cũng là khu vực có triển vọng dầu khí ở miền Bắc và cần tiếp tục nghiên cứu. Trước đó, người Pháp cũng tìm thấy vết lộ dầu ở Yên Bái.

_______________________

Trong lúc miền Bắc nỗ lực tìm “vàng đen”, miền Nam cũng chạy đua tìm dầu khí trên thềm lục địa. Nhiều công ty quốc tế lớn đã vào cuộc và họ đã làm được gì trong những ngày cuối cùng của chính quyền cũ?

Kỳ tới: Cuộc chạy đua trên thềm lục địa

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên