Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ duyệt binh ngày 2-9-1975 - Ảnh tư liệu |
Được cầm cờ Tổ quốc, chúng tôi vinh hạnh lắm. Tin vui là sẽ có những nhân vật quan trọng dự lễ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai cũng cố giữ cho lá cờ của mình được mới nhất, đẹp nhất |
Ông Trịnh Đình Tiến (thao duyệt trong khối thanh niên, sinh viên) |
41 năm đã trôi qua, ký ức người lính Nguyễn Trọng Hòa vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Khi đó, ông cùng đồng đội quân đoàn 1 vừa rũ tấm áo bạc màu chiến trận thì nhận được mệnh lệnh đặc biệt: chuẩn bị tập dượt cho lễ duyệt binh 2-9-1975 ở Ba Đình, thủ đô Hà Nội.
Những người lính từng vào sinh ra tử không kìm được xúc động. Người reo hò, người quăng mũ lên trời, người vỗ tay rầm rập, ôm siết lấy nhau.
Trong lịch sử Việt Nam, đây là lễ duyệt binh có ý nghĩa đặc biệt nhất, lễ duyệt binh đầu tiên của non sông đã thu về một mối, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất sau bao đêm dài cách trở...
Ngày mong đợi
“Sau một thoáng trở mây đen, giăng vài hạt mưa nhẹ như nhắc nhớ lòng người về một thời đầy biến động đã qua, bầu trời lại xanh biếc lạ thường. Chúng tôi có thể nhìn thấy rõ phiên hiệu từng phi cơ Mig bay diễu qua thủ đô. Lá cờ đỏ thắm trên tay cũng căng lên lồng lộng” - ông Nguyễn Trọng Hòa nhớ lại.
Với ông, đó là thời khắc linh thiêng mong đợi. Nhưng với những người làm việc trong một tổ công tác đặc biệt âm thầm chuẩn bị cho lễ duyệt binh 2-9-1975, hiện tượng thời tiết thay đổi này không có gì bất ngờ.
Một cán bộ giữ trọng trách trong tổ này, TS Đoàn Văn Quảng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học hàng không - nhớ mãi: “Ngay từ những ngày trước buổi lễ, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp lệnh cho chúng tôi phải dự báo chính xác thời tiết ngày 2-9 này. Đây là tháng miền Bắc đã vào giữa mùa mưa. Chỉ một trận mưa lớn cũng có thể cuốn trôi hết công sức tập luyện của chiến sĩ, mong đợi của đồng bào”.
TS Quảng từng kể thêm chính tướng Phùng Thế Tài sau đó cũng rất quan tâm công tác đặc biệt này. Ông đến gặp TS Quảng và nói thẳng ngay: “Nếu dự báo thời tiết sai sót thì coi chừng ông. Bộ Chính trị theo dõi sát sao đấy!”.
Ông Quảng cười, tự tin trả lời chắc chắn công tác dự báo thời tiết đã cẩn thận, tất cả cứ yên tâm. Trời Hà Nội ngày 2-9-1975 rất tốt, buổi sáng sớm có một chút mưa nhẹ, nhưng đó chỉ là mưa rửa đường cho đội lính duyệt binh. Trời Tổ quốc sẽ vô cùng tuyệt đẹp...
Và ngày lịch sử của đất nước đã diễn ra đúng như mong đợi. Đó không chỉ là lễ duyệt binh, mà còn là ngày hội lớn của non sông. Ngoài các lực lượng quân nhân cùng khí tài, nhiều ngành nghề, tổ chức xã hội cũng tham gia buổi lễ này. Thậm chí ở hồ Tây còn biểu diễn lướt sóng cho đồng bào vui chơi - môn thể thao rất hiếm khi được tổ chức ở Hà Nội thời chiến.
Ông Bùi Công Bội, chuyên gia Bộ Lâm nghiệp thời kỳ ấy, vẫn còn nhớ chi tiết: “Đích thân ông Trường Chinh đã đến kiểm tra và dặn dò chúng tôi phải cố gắng chăm sóc cây, hoa ở khu vực lăng Bác, quảng trường Ba Đình thật tốt. Bởi ngày 2-9-1975 không chỉ là lễ duyệt binh thông thường, mà còn là thời điểm hoàn thành việc xây dựng lăng Bác để đồng bào đến viếng thăm”.
Quang cảnh trang nghiêm trong lễ duyệt binh ngày 2-9-1975 tại thủ đô Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Lễ hội non sông
Đối với người dân thủ đô Hà Nội, kể cả đồng bào ở các tỉnh miền Bắc thì 2-9-1975 là một ngày đặc biệt không thể nào quên. Mọi người đều tụ tập về khu vực này để vừa chứng kiến lễ duyệt binh, vừa được xem lăng Bác mới khánh thành.
41 năm nhắc nhớ kỷ niệm khó quên, ông Hoàng Minh Đức (79 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai) kể lại: “Từ trước ngày này một tuần, tôi và vợ con đã tìm cách về Hà Nội. Lúc ấy, tôi chở vợ con trên một chiếc xe đạp, ròng rã đạp đúng sáu ngày mới thấy được cầu Long Biên.
Suốt đêm đầu tiên ở Hà Nội, tôi không thể nào ngủ được vì chân đau nhức quá. Nhưng thật kỳ lạ, ngay sáng hôm sau tôi lại không còn cảm thấy đau đớn gì cả khi được xem lễ duyệt binh. Đây là lần đầu tiên người dân miền núi chúng tôi được thấy Hà Nội, thấy tên lửa, xe tăng với quân đội mình”.
Cũng như ông Đức, nhiều người dân thủ đô vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngày đặc biệt ấy. Họ nhớ mãi cảnh dòng người từ ngoại thành ùn ùn đổ vào Hà Nội nhưng không phải là trở về sau sơ tán chiến tranh, mà mong muốn được chứng kiến buổi lễ. Có người đi tàu hỏa, người đi xe đạp, kể cả đi bộ hàng chục cây số.
Đêm trước ngày lễ lớn, cả Hà Nội hầu như không ngủ. Ai cũng thao thức trông đợi thời khắc lịch sử và tình nguyện giúp đỡ nơi ăn nghỉ cho đồng bào các tỉnh về dự lễ.
“Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một bà cụ già lắm rồi, tay chống gậy từ Thanh Liêm (Hà Nam) về Hà Nội với hai con dâu. Suốt đêm bà cụ cứ nhắc đi nhắc lại hai con dâu là sáng mai phải cố gắng trông tìm nhé. Nhưng lạ là hai cô gái mắt cứ đỏ hoe, chẳng trả lời gì cả.
Mãi sau tôi hỏi mới biết cả hai con trai cụ, tức chồng hai cô ấy, đều đã hi sinh ở chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, trái tim yêu thương của người mẹ vẫn không chịu tin con mình đã hi sinh. Bà cụ cứ mong đợi và hi vọng sẽ tìm thấy con mình trong đội quân duyệt binh này” - ông Đức ứa nước mắt xúc động!
...Đúng 7g sáng lịch sử ngày 2-9-1975, sau cơn mây đen, bầu trời trong xanh trở lại. Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Nam thể hiện sức mạnh của mình trước sự tin tưởng và yêu thương của đồng bào.
Từng phi đội máy bay chiến đấu lao vút qua như vẽ lên hình tượng chiến thắng trên bầu trời thủ đô. Trong đó có cả những chiếc Mig 21 và những phi công anh hùng vừa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Rồi đến lực lượng bộ đội tên lửa phòng không oai nghiêm tiến vào quảng trường. Những chiến sĩ mặc áo xanh bên các quả tên lửa được đặt ngẩng đầu lên bầu trời, như sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến vệ quốc nào. Rồi lại đến các lực lượng xe tăng, pháo binh, bộ binh, hải quân... rầm rập tiến vào quảng trường.
Đồng bào dự lễ tràn ngập tiếng cười vui lẫn cả tiếng khóc. Nước mắt xúc động của những người mẹ, người cha, người vợ tiễn bao chồng con ra trận không trở về để Tổ quốc có ngày hôm nay.
Trời Ba Đình lộng gió như hồn thiêng sông núi tụ về. Bên những gương mặt chiến sĩ nhuộm khói lửa chiến trường còn có cả đội nữ binh tự vệ đặc biệt. Những cô gái xinh đẹp, vận trang phục miền Bắc, tay cầm chặt súng trường.
Đây cũng là lần đầu tiên đội du kích trẻ em ra mắt đồng bào. Những cậu bé đội mũ calô, bước chân đi như chim, từng sát cánh với chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp...
Đồng bào vỗ tay rền vang theo nhịp chân người lính. Trên các hè phố, nhiều ca sĩ, nhạc công tự diễn tặng đồng bào. Ai đó vút lên khúc quân hùng Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận: Ta nhớ mùa thu xưa nước về/ Như sóng cờ lên khi quân về thủ đô, Hồng Hà ơi...
Thủ đô Hà Nội bừng bừng trong lễ hội. Buổi duyệt binh không chỉ có các đoàn quân ở quảng trường, mà còn kéo dài ra tận nhiều tuyến phố quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Các chàng trai, cô gái trong các đoàn diễu dân sự, kinh tế lần lượt vẫy chào đồng bào, như nhắc nhớ bắt tay vào một thời kỳ xây dựng Tổ quốc mới.
Chiến tranh kết thúc rồi, đâu chỉ có binh đao...
Ông Bội kể ngoài trách nhiệm chăm sóc cây xanh làm đẹp cho buổi duyệt binh, chính mình cũng được tham gia sự kiện lịch sử này. Ngành lâm nghiệp diễu lễ với những xe tải chở cả cây gỗ rất lớn. Rồi các ngành hóa chất, công nghiệp, thương mại, giáo dục, kể cả ban quản lý cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân cũng vinh dự có mặt. Từ trước cả tháng, ông Bội và anh em đã tự sắp xếp công việc, tập trung ở sân bay Bạch Mai tập duyệt. Vì vẫn phải làm việc nên nhiều ngày họ phải tập cả đêm hoặc giữa trưa nắng. Có người kiệt sức, xỉu ngay tại chỗ, được anh em dìu vào chỗ bóng mát uống ly nước chanh rồi lại đòi được ra tập ngay. Có người trong khối dân sự không quen đi giày bó, tập luyện đến tóe móng chân nhưng vẫn cố giấu, không cho bạn bè biết vì sợ mình bị loại khỏi buổi lễ lịch sử. Có cả một cô trong khối công an bị đinh đóng đế giày bật đâm xuyên qua bàn chân vẫn không chịu bỏ cuộc... Các lực lượng quân sự và khí tài thì bản thân vốn đã quá ấn tượng. Nhưng các ngành nghề khác cũng cố gắng không chịu thua kém. Đơn vị nào cũng cố gắng chuẩn bị cho mình những hình ảnh đẹp đẽ, ấn tượng để ra mắt đồng bào thủ đô. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận