01/02/2021 12:18 GMT+7

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 2: Chuyến thám hiểm của St. Barbe và vành đai xanh Sahara

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Thỉnh thoảng lịch sử lại xuất hiện một cá nhân cực kỳ đặc biệt. Một nhân vật trong số đó là Richard St. Barbe Baker, người luôn sống với nỗi ám ảnh "điên khùng" trồng lại rừng cho sa mạc Sahara.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 2: Chuyến thám hiểm của St. Barbe và vành đai xanh Sahara - Ảnh 1.

St. Barbe và chiếc xe thám hiểm sa mạc Sahara năm 1952 - Ảnh: Thư viện Đại học Saskatchewan

"Người xưa tin rằng trái đất là sinh vật có tri giác. Lớp tăng trưởng quanh trái đất là lớp da bảo vệ và trái đất cảm nhận được cách đối xử dành cho nó.

RICHARD ST. BARBE BAKER

Cuộc hành trình qua sa mạc Sahara

Richard St. Barbe Baker sinh năm 1889 tại vùng nông thôn Hampshire (miền nam nước Anh). Từ nhỏ, ông đã mê mẩn với rừng quê mình. Lớn lên, ông theo học khoa học tại Đại học Saskatchewan (Canada) rồi trở về Anh nghiên cứu thần học. 

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ông nhập ngũ và sang Pháp chiến đấu. Sau khi bị thương và giải ngũ, ông trở về Cambridge học lâm nghiệp. Tốt nghiệp năm 1920, ông sang Kenya làm cán bộ quản lý rừng cho Cục Thuộc địa Anh.

Tại miền bắc Kenya, ông đã tận mắt chứng kiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng nên quyết định kêu gọi người dân ngăn chặn phá rừng. 

Ông quan sát bộ tộc Kikuyu khi đốn cây rừng thường chừa ra vài cây sung cổ thụ làm nơi trú ngụ cho linh hồn những cây bị đốn hạ, và khi làm điều gì có ý nghĩa họ thường bắt đầu bằng một điệu nhảy bên cây. Ông bèn cử người đi khắp Kenya mời các chiến binh bộ tộc đến dự vũ điệu linh hồn cây rừng.

Hàng ngàn thổ dân vẽ vằn vện trên người tập trung theo từng bộ tộc nhảy múa trước văn phòng trạm bảo vệ rừng. St. Barbe hô hào người dân trồng cây thay thế những cây đã đốn. Họ trả lời trồng cây là chuyện của "trời" chứ không phải chuyện của họ. 

Ông giải thích linh hồn cây rừng vẫn còn sống trong hạt, và hạt không thể trở thành rừng nếu họ không gieo. Mọi người hiểu ra, từ đó tổ chức Watu Wa Miti (Những người của cây) được thành lập. Đến nay Watu Wa Miti đã thành lập chi nhánh ở 8 quốc gia và đã trồng hơn 1 tỉ cây.

Trong quãng đời làm việc ở châu Phi, St. Barbe đã nhận ra tác động của sa mạc hóa. Ông nghĩ cách tốt nhất để ngăn chặn sa mạc hóa là hiểu rõ về sa mạc, từ đó quyết định thực hiện cuộc hành trình vượt sa mạc Sahara. Lúc bấy giờ, Sahara vẫn còn là vùng đất lạ, vì vậy vượt sa mạc Sahara là cuộc mạo hiểm lớn.

Không điện đài, không kế hoạch cứu nạn, St. Barbe và hai đồng hương cùng chí hướng lên đường trên một chiếc ôtô. Chuyến đi bắt đầu từ Algiers (Algeria) băng qua sa mạc Sahara đến miền bắc Nigeria rồi vượt qua Congo, Uganda, Kenya và cuối cùng đến núi Kilimanjaro (Tanzania). 

Trong hành trình, St. Barbe đã nghe các cụ già từng nuôi lạc đà kể về những khu rừng một thời xanh tốt giữa sa mạc và tất cả bị đốn làm thức ăn gia súc và củi đun. Ông tận mắt nhìn thấy những dòng sông cạn khô, băng qua hàng ngàn kilômet không ốc đảo, không bóng người và bàng hoàng trước tác động của tập quán đốt nương làm rẫy.

Chỉ có trời mới biết làm thế nào họ đã băng qua sa mạc Sahara và khu vực Sahel. Sau chuyến đi đầy chông gai,

St. Barbe trở về Anh và viết trăn trở của mình trong cuốn sách Thử thách Sahara: "Làm thế nào một người như tôi có thể phục hồi sa mạc Sahara trong khi đây chưa phải là dự án quốc gia". 

Ông bắt đầu suy luận, đầu tiên phải ngừng nuôi dê và mở rộng diện tích trồng cây trên các ốc đảo, sau đó liên kết các ốc đảo thành khu vực vi khí hậu để kích thích trời mưa. Đối với các lòng sông khô cạn, ông tin rằng nước đã rút xuống các tầng nước ngầm khổng lồ dưới lòng đất.

Cuộc hành trình băng qua sa mạc Sahara đã trở thành kim chỉ nam cho phần đời còn lại của St. Barbe. Ông kêu gọi các chính phủ và các tổ chức hợp tác trồng cây ngăn chặn sa mạc hóa. Ông kết bạn với các tổng thống và các hoàng gia để vận động. 

Năm 74 tuổi, ông vẫn cưỡi ngựa đi 530km để thuyết trình về bảo vệ rừng cho học sinh. Ông còn học lái máy bay để có thể nhìn thấy rừng từ trên không. 

Ông đã viết 20 cuốn sách chủ yếu nói về cây xanh. Tháng 6-1982, ông đến Canada trồng cây cuối cùng trong hàng triệu cây mà ông đã tự tay trồng đến lúc chỉ còn vài ngày là xuôi tay nhắm mắt.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 2: Chuyến thám hiểm của St. Barbe và vành đai xanh Sahara - Ảnh 3.

Dự án trường thành cây xanh cho sa mạc Sahara và vùng Sahel chạy dài qua 11 quốc gia Ảnh: FAO

Bài học kinh nghiệm của châu Phi

55 năm sau cuộc hành trình qua sa mạc Sahara của Richard St. Barbe Baker, ý tưởng phủ xanh sa mạc đã trở thành hiện thực. Năm 2007, Liên minh châu Phi đã đưa ra Sáng kiến trường thành xanh cho sa mạc Sahara và khu vực Sahel (GGWSSI) với nội dung đến năm 2030 sẽ phục hồi 100 triệu ha đất bạc màu (trồng cây, đồng cỏ, thảm thực vật).

Ngày 7-9-2020, báo cáo đầu tiên về tiến độ thực hiện dự án đã được công bố theo ủy quyền của Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hiệp Quốc. Kết quả đạt được hết sức khiêm tốn. Đến nay dự án chỉ mới trồng cây trên 4 triệu ha (tức chỉ đạt 4%). 

Dự án tiến triển tốt ở Ethiopia, Senegal và Nigeria trong khi Sudan, Burkina Faso, Mali và Niger đóng góp còn khiêm tốn. Để đạt mục tiêu năm 2030 (tức 10 năm nữa), mỗi năm phải trồng hơn 200% diện tích nêu trên với chi phí 4,3 tỉ USD.

Trong bối cảnh sa mạc Sahara đã gia tăng diện tích 10% trong thế kỷ 20, TS Deborah Goffner (Pháp) ghi nhận dự án "Trường thành xanh" phải đối phó với nhiều thách thức. Đầu tiên là lựa chọn cây trồng. 

Một số vùng đã chọn cây bạch đàn vì cây phát triển nhanh nhưng bạch đàn lại không giúp đất tăng độ phì nhiêu. 

Chọn loài cây tối ưu nào còn tùy thuộc thổ nhưỡng từng địa phương, ví dụ tỉ lệ sống của cây keo ở nơi này đạt 90% nhưng ở chỗ khác chỉ 20%. Kế đến là kinh phí không đầy đủ và tình hình an ninh (khủng bố).

Một trong những bài học kinh nghiệm của châu Phi là xây dựng vành đai xanh liên tục chưa phải là ý tưởng hay vì nhiều cây được trồng tại các khu vực xa dân cư không người chăm sóc. Thay vào đó, nhiều sáng kiến địa phương đã được tiến hành để bảo tồn các cây bản địa bằng phương pháp truyền thống nhằm bảo đảm nguồn nước. 

TS Jonathan Davies - điều phối viên toàn cầu về vùng đất khô hạn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) - đánh giá: "Thật ra điều cần làm không phải là trồng cây mà là vận dụng rộng rãi công tác quản lý đất bền vững".

Do vậy, châu Phi đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Cách tiếp cận mới là tập trung tạo hàng loạt thảm thực vật khác nhau và đưa các loài thực vật phù hợp với nhiều môi trường cần phục hồi khác nhau. 

TS Jonathan Davies giải thích: "Trong nhiều trường hợp, cần làm sống lại các tập quán canh tác ngày xưa... Một phương pháp phổ biến là nông lâm kết hợp, đưa các loài cây như cây keo vào hệ thống canh tác để ổn định đất và tăng cường sức khỏe của đất". 

TS Mohamed Bakarr - chuyên gia Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) - đánh giá: "Bây giờ không chỉ là phục hồi các vùng đất suy thoái mà là phục hồi và khai thác chúng để chuyển đổi sinh kế người dân và giải quyết nạn thiếu lương thực của họ. Bạn không thể theo đuổi mục tiêu này và bỏ qua mục tiêu kia mà phải liên kết chúng với nhau".

Dù còn nhiều khó khăn, các chuyên gia đều đồng ý vẫn tiếp tục dự án "Trường thành xanh" ở châu Phi. TS Deborah Goffner nhấn mạnh: "Không làm gì hết không phải là lựa chọn hiện nay".

Khu dự trữ sinh quyển Maya ở Guatemala không còn lo người dân phá rừng làm nông nghiệp. Vườn quốc gia Serranía del Iñao ở Bolivia cũng vậy. Nguyên nhân do đâu?

Dự án "Trường thành xanh" chạy dài gần 8.000km, rộng 15km qua 11 quốc gia từ Đại Tây Dương sang Biển Đỏ. 11 nước liên quan gồm Burkina Faso, Chad, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal và Sudan.

Không chỉ trồng cây, dự án còn giải quyết nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, hạn hán, đói kém, xung đột, di cư và suy thoái đất.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 1: Mối nguy cây độc canh và Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 1: Mối nguy cây độc canh và 'Vạn lý trường thành xanh'

TTO - 2021 là năm bắt đầu Thập niên phục hồi hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc (2021-2030).

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên