16/06/2020 10:52 GMT+7

Cuộc chiến chống dịch còn dài

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hôm qua 15-6 là tròn 60 ngày Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 mới trong cộng đồng. Các ca nhiễm mới đều từ các chuyến bay bảo hộ công dân, thuyền viên và người Việt ở nước ngoài về (66 người) đều được cách ly ngay.

Thành quả chống dịch đang được củng cố. Đã có 323/334 bệnh nhân ghi nhận được đã bình phục, khống chế được lây nhiễm trong cộng đồng và là nước hiếm hoi có trên 300 ca mắc COVID-19 nhưng không có ca tử vong. 

Kết quả này bắt nguồn từ việc Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, kể cả chưa từng có, đặc biệt là "đóng cửa bầu trời" với các chuyến bay thương mại từ ngày 25-3 đến nay. Chúng ta chỉ phải "giãn cách xã hội" trong khoảng 3 tuần. Hiện các hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa nghệ thuật, quán bar, karaoke, trường học... trong nước đã trở lại bình thường.

Nhưng du lịch quốc tế, chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa công bố thời gian mở lại. Mới nhất có 2 hãng hàng không thông báo đã chuẩn bị để có thể bay quốc tế lại từ 1-7 này. Trước mắt có thể là các chuyến bay với Lào, Campuchia và các quốc gia có hiệu quả chống dịch tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên đó mới là dự tính. Chưa mở lại với quốc tế, trạng thái của chúng ta vẫn đang là "bình thường mới", chưa phải là "bình thường". Nhưng nguy cơ dịch quay trở lại, làn sóng thứ 2 vẫn treo lơ lửng. 

Ngay khi các hãng hàng không thông báo sẽ bay trở lại, Bộ Y tế đã ghi nhận một bệnh nhân COVID-19 là khách du lịch Việt Nam kẹt lại Trung Quốc, về nước cuối tháng 5 và dương tính trong thời gian cách ly. Lúc này, nhiều người không thể không lo lắng khi Bắc Kinh (Trung Quốc) riêng ngày 13-6 đã ghi nhận tới 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều nước khác cũng đang vất vả chống đỡ làn sóng dịch thứ 2...

Nhưng chẳng lẽ cứ trạng thái "bình thường mới" mãi? Có đề xuất rằng chỉ nên cho mở lại du lịch, hàng không quốc tế, tức cho giao lưu trở lại nếu tình hình dịch như hiện nay phải từ tháng 9-2020 trở đi mới an toàn. Còn trước mắt chỉ nên cho chuyên gia, người có hộ chiếu công vụ nhập cảnh và đều phải cách ly 14 ngày ngay khi đến Việt Nam.

Đề xuất này có "hơi hướng" thận trọng với việc mở cửa. Bởi trong tuần qua số ca nhiễm mới tăng rất cao. Nam Mỹ, Bắc Phi, Ấn Độ là những điểm nóng mới của dịch. Tình hình châu Âu, Mỹ có dấu hiệu giảm, nhưng số mắc vẫn rất cao và người mắc bệnh trong cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng sẽ dễ lây lan nếu mở rộng giao lưu.

Đúng là khách sạn, hàng không, dịch vụ cho thuê nhà và nhiều lĩnh vực khác đang khó khăn. Nền kinh tế muốn khởi sắc phải có giao thương, giao lưu. Nhưng mở cửa giao lưu quốc tế trở lại trong lúc đang bùng phát làn sóng dịch thứ 2, không khéo thị trường nội địa cũng bị vạ lây, không loại trừ viễn cảnh quay lại những ngày tháng giãn cách như tháng 4 vừa qua.

Đóng hay mở, là quyết định cân não để giữ được thành quả chống dịch trong nửa năm qua và bảo vệ thị trường nội địa. Có lẽ tâm lý chung của nhiều người chấp nhận tình trạng hiện nay, hơn là mở rộng giao lưu để rồi đối mặt nguy cơ dịch có thể quay lại. Quyết tâm của Việt Nam là phải chiến thắng đại dịch, vì thế mọi quyết định đều phải chính xác, kịp thời, không thể có sơ suất. Cuộc chiến chống dịch vẫn còn chặng dài ở phía trước...!

Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 được không? Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 được không?

TTO - Ngày 15-6 là tròn 60 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tại 7 bệnh viện chỉ còn 6 bệnh nhân dương tính, 97% bệnh nhân đã bình phục.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên