25/03/2019 09:21 GMT+7

Cuộc chiến 'cái chết trắng'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Tại sao nhiều người cai nghiện đến năm lần bảy lượt mà cứ mãi vòng luẩn quẩn tăm tối? Dứt thành công được ma túy và hòa nhập xã hội luôn là hành trình đầy thử thách...

Cuộc chiến cái chết trắng - Ảnh 1.

Học viên tập thể dục buổi sáng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

5h30 sáng, chuông báo thức gần 270 học viên bắt đầu ngày mới ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Những người mặc đồng phục xanh nhanh chóng xếp chăn, mùng... như môi trường quân đội.

Lần đầu tôi tự nguyện đi cai, nhưng từ lần sau là bị bắt. Tôi quá mệt mỏi rồi, cũng muốn là mình của những ngày tốt đẹp.

Học viên cai nghiện Lê Thanh Minh

Một ngày ở trại cai nghiện

6h, tất cả ra sân tập thể dục buổi sáng rồi nhận thức ăn. Thực đơn thay đổi mỗi ngày. Sáng nay là mì gói, thịt heo, rau xanh. Xong bữa sáng, học viên lao động theo phân công. Người đan mây tre, cắt dây mây, một số vào lớp học văn hóa, học nghề...

Kéo vòi nước, học viên Bùi Bảo Trúc (Q.8, TP.HCM) tưới cà phê, việc bên ngoài chưa bao giờ Trúc biết. "Hồi đầu tôi làm không nổi, cai nghiện mới đỡ dần. Giờ lao động quen rồi" - anh tâm sự.

Sau dãy nhà ăn là khu lao động mây tre đan. Những cánh tay thoăn thoắt. Những bó dây được kê trên bả vai giật kéo và cắt dứt khoát... Tất cả chăm chỉ làm cho đến giờ nghỉ. Mỗi học viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều có một ngày trôi qua lành mạnh như thế...

Hai lần cai nghiện, anh Nguyễn Phúc Hưng (35 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) khi mẹ mất lại lún nghiện ngập, sống màn trời chiếu đất. Lần này vào đây được tám tháng, dường như anh "ổn định" hơn. "Thực tình so với sống nghiện ngập vật vã ngoài đời, nơi đây tôi mới biết giờ giấc sinh hoạt, làm việc điều độ là gì" - anh Hưng giãi bày.

Ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (huyện Phú Giáo, Bình Dương), 1.200 học viên cũng vừa trải một ngày lao động. Cuối chiều tôi đến, họ đang đợi kẻng báo cơm tối. Những gương mặt cắt được nghiện hồng hào trở lại. Những ánh mắt lấp lánh sáng. Tiếng cười đùa vui vẻ...

Cuộc chiến cái chết trắng - Ảnh 3.

Công việc mỗi ngày của anh Nguyễn Phúc Hưng - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Tái nghiện 4-5 lần

Lớn tuổi nhất tổ 2, anh Nguyễn Trọng Thông (40 tuổi, Cần Thơ) từng đi cai nghiện ba lần. Lần đầu năm 2016, cắt cơn nghiện 15 tháng nhưng chỉ về được hai tháng anh lại nghiện. Lần hai anh chỉ về đúng tám tháng. Và lần này anh đang cai nghiện với mức 24 tháng.

"Cai rồi lại nghiện, tôi coi như đã mất hết rồi. Vào đây ít ra không phải lo cơm áo, mà được lao động nhận lương. Tôi cũng có thời gian lắng để suy nghĩ lại" - Thông chân tình. Công việc hằng ngày của Thông và các học viên đội số 1 là đan bàn ghế mây. Họ được trả lương theo sản phẩm với gần 2 triệu đồng/tháng.

Từng trộm nắp xoong quán phở đầu ngõ, ghế nhựa của vợ chồng già bán hủ tiếu... trong cơn "đói" ma túy, Nguyễn Minh Dư (20 tuổi, Bình Phước) chưa biết thế nào là lao động chân chính. Dư tâm sự buồn: "Hai lần tôi vào trại cai nghiện với gần bốn năm. Ngoài đời không tiền đã đi trộm rồi, nhưng trong trường có việc cho tôi làm, có lương chính mình làm ra".

Từng ngang dọc TP.HCM đòi nợ thuê, Dương Quang Hùng (30 tuổi, Ninh Bình) vào Cơ sở cai nghiện số 3 được 18 tháng. Ban đầu, Hùng "bất kham" kỷ luật, hay đánh học viên. Nhưng một ngày tháng 8-2018 làm Hùng thay đổi. 

Anh nhớ: "Hôm đó, thầy Võ Chí Công bất ngờ tâm sự hỏi tôi về người mẹ ở quê, rồi thầy kể mẹ thầy. Hai người nói chuyện không một khoảng cách. Chưa khi nào nghĩ cho mẹ, hôm đó tôi thật sự xúc động! Được chia sẻ tình cảm là điều đời tôi thiếu"!

Từng cai nghiện gần năm năm ở những cơ sở khác nhau, Nguyễn Thành cũng cảm nhận tình bạn chân thành ở đây. Những câu hỏi "Thành, hôm nay đan được mấy cái ghế, người yêu lên thăm không?" làm anh an lòng. 

"Tôi nghiện nhiều năm, đã cố cai ba lần. Ai cũng muốn về để tự do đây đó, nhưng nghĩ lại về chưa chắc mình có bản lĩnh cự tuyệt ma túy! Có thoát được sống ma không ra ma, người không ra người? Lắng lại mà nghĩ thì ở đây bình yên hơn" - Thành trải lòng.

Cần có lòng tin

Đúng như Thành tâm sự, cắt được cơn nghiện ở trường nhưng ngày về của họ lại đối mặt thử thách, cám dỗ. Vài lần anh trai người yêu rủ dùng thử cho biết, thế là từ năm 2000 anh Cường (Q.7, TP.HCM) lún vào ma túy. Người đàn ông gầy còm ở tuổi 38 đã bốn lần đi cai nghiện đến nỗi thành "thân quen" ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. 

Theo cán bộ, Cường lao động tốt và đã cắt cơn nghiện. Nhưng anh cứ về là tái nghiện, có lần về chưa được... hai ngày lại dính!

Từng về phụ việc nhà, Cường muốn làm lại cuộc đời nhưng quá khó. "Mỗi khi tôi gần ngăn đựng tiền là mọi người dè chừng. Có lần đứa em trả tiền dư cho khách bị nhầm, cứ nói "còn ai vô đây". Hôm sau khách quay lại trả tiền thừa. 

Tôi dần dần mất phương hướng... - Cường nói và giãi bày sau mấy lần đi cai về, anh có nói thật gì cũng dễ bị người khác gạt ngang: "Đừng nghe thằng nghiện nói". Cường lại thả phanh đời mình theo bạn xấu.

Từ năm lớp 9, sau khi ông nội mất, Đặng Minh Trí (27 tuổi, Long An) trượt dài hư hỏng. Năm 2014, anh bắt đầu dùng ma túy. Đây là lần thứ ba Trí đi cai tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 với mức 21 tháng. Ngắn nhất là lần về đúng hai tháng Trí nghiện lại. 

Đó là tết 2016, tất niên xóm anh muốn đến hòa nhập thì trưởng xóm nói: "Mầy đến làm gì? Đây không có chỗ cho nghiện". Mọi người cũng ngó lơ. Anh bị xa lánh, lại la cà bạn xấu và trượt dài vết đổ.

Sau khi cai nghiện về lần thứ ba, khổ sở chứng giấy tờ để xin làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, anh Nguyễn Minh Tiến (34 tuổi, Q.5, TP.HCM) làm được ba tháng nhưng chưa dứt được sự xa lánh từ người xung quanh. 

Anh thở dài: "Mình đi làm mà cũng nghĩ đi chơi, tăng ca thì nói chui nhà cầu hút chích. Ê chề lắm!". Tháng 8 này là lần trở về thứ tư từ cơ sở cai nghiện, liệu Tiến có lần thứ năm đi cai? Anh ngậm ngùi: "Thực sự tôi muốn yên ổn nhưng cũng đang lo...".

Còn anh Lê Thanh Minh (35 tuổi, H.Bình Chánh, TP.HCM) đang là lần thứ năm cai nghiện ở Cơ sở cai nghiện số 3. Từng có việc kiểm kê container cửa khẩu, chính anh cũng bàng hoàng với số lần tái nghiện "đội sổ" và dằn vặt muốn dứt.

Những tia nắng cuối ngày tắt dần, nhiều học viên cai nghiện tâm sự sợ tóc mình ngả màu mà cứ lao mãi con đường u tối. Các cơ sở cai nghiện giúp được họ cắt cơn thèm thuốc, nhưng dặm đường sau đó ngoài xã hội lại quá nhiều thử thách, cám dỗ. 

Để vượt qua nghiện ngập, đầu tiên phải từ chính nỗ lực bản thân họ, nhưng rất mong sự chung tay của xã hội để có các giải pháp toàn diện, căn cơ. Hãy kiên trì cho họ niềm tin, cơ hội được làm việc lương thiện.

Và đặc biệt, hãy mạnh tay xử lý triệt để nguồn gốc phát tán ma túy. Hãy chặt đứt các vòi bạch tuộc đen tối để giúp họ tránh xa được cám dỗ độc hại...

Ông Trương Văn Hậu, giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, cho biết: "Từ việc đầu tiên cắt cơn giải độc, cần thời gian phục hồi, tư vấn tâm lý và giải quyết vấn đề kỳ thị, ổn định cuộc sống, công việc... là nhiều bài toán cần giải. Ngoài bản lĩnh cá nhân, học viên cai về hòa nhập thành công được là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người".

Đến năm 2018, cả nước có khoảng 223.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.831 người so với năm 2016. Trong đó 58/63 địa phương có số người nghiện tăng. Độ tuổi dưới 16 chiếm 0,1%; từ 16 đến dưới 30 là 49%; từ 30 tuổi trở lên chiếm 50,9%. Nam chiếm 96%, nữ chiếm 4%.

Kéo Kéo 'cái chết trắng' ra xa bản nghèo

TTO - Ở một bản làng mấy đời ma túy bủa vây, có những bạn trẻ muốn sống đời tử tế và giúp cho nhiều thanh niên khác của làng dần thoát khỏi cám dỗ của ma túy.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên