11/03/2019 11:32 GMT+7

Kéo 'cái chết trắng' ra xa bản nghèo

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
HÀ THANH - MINH PHƯỢNG

TTO - Ở một bản làng mấy đời ma túy bủa vây, có những bạn trẻ muốn sống đời tử tế và giúp cho nhiều thanh niên khác của làng dần thoát khỏi cám dỗ của ma túy.

Kéo cái chết trắng ra xa bản nghèo - Ảnh 1.

Những người dân không dính vào “cái chết trắng” ở Buốc Pát. Họ chỉ mong bộ đội, chính quyền cùng chung tay xóa điểm đen về ma túy - Ảnh: HÀ THANH

Bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhỏ xíu chỉ 15 hộ dân nhưng hết 11 gia đình có người nghiện, 4 người đi tù vì buôn bán, tàng trữ ma túy.

Điều mình trăn trở, mong mỏi nhất là có cái nghề ngay trên mảnh đất quê hương, như thế bà con mới không tìm đến ma túy nữa.

MÙA A SỦ

A Lù hứa không dính vào ma túy

Hơn 7h, bản Buốc Pát còn chìm trong màn sương, cái lạnh luồn qua da thịt tê buốt. Quanh bếp lửa đặt giữa nhà của phó bản người Mông Mùa A Cang, bà con tụ tập xung quanh, có phụ nữ, đàn ông, có thanh niên trai tráng trong bản. Họ hơ đôi tay quanh bếp lửa đỏ rực cho ấm, chăm chú "nuốt" từng lời của phó bản Mùa A Cang.

Phó bản 37 tuổi dáng người nhỏ bé, da sạm lại vì sương gió, đưa mắt nhìn những "đứa con của bản" một lượt. Ánh mắt như dừng lại lâu hơn khi lướt qua những gương mặt thanh niên trai tráng, ông nhấn mạnh từng từ: "Ma túy khủng khiếp lắm, nó giết mình đó. Đừng có mà dính vào ma túy!".

Ngồi nép vào góc nhà, đôi bàn tay đan chặt vào nhau, chàng trai Mùa A Lù (17 tuổi) quả quyết như một lời hứa: "A Lù không dính vào ma túy đâu". Sáng đó, khi đất trời Tây Bắc rét buốt thì A Lù đã trở dậy, trèo qua quả đồi để kịp có mặt ở nhà người đứng đầu bản sau khi nghe loa thông báo. Ở bản Mông này không có sóng điện thoại, mỗi khi họp bản phải phát loa hoặc đến gõ cửa từng nhà.

A Lù nói chính những người thân trong gia đình đã làm A Lù "căm ghét ma túy". Mặc dù "cái chết trắng" luôn kề cận, bủa vây, cám dỗ nhưng A Lù luôn dặn mình không được sa chân vào, phải chăm chỉ làm ăn, "đừng để đời mình và đời con cháu mình phải khổ nữa". 

Chàng trai trẻ xúc động, lấy tay quệt nước mắt khi kể về những người thân của mình: "Anh trai đi tù 12 năm vì buôn bán ma túy. Bố mẹ nghiện ngập và thường sang bên Lào làm thuê kiếm tiền, có khi đi cả tuần không về, mà có về cũng chẳng mang được tiền về nuôi con vì tiền dùng mua thuốc cả rồi".

Gia đình trượt dài vào ma túy, A Lù còn nhỏ xíu đã phải cùng em gái lên nương trồng ngô, trồng sắn nuôi nhau. Học hết lớp 6 thì A Lù phải bỏ học, đến bây giờ chàng trai này cũng "quên sạch cái chữ người Kinh". 

Những ngày này, khi ngô sắn trong nhà chẳng thể no cái bụng, hai anh em phải kiếm rau rừng ăn qua bữa. Tuy nhiên, khi hỏi A Lù có ý định qua bên Lào làm thuê để kiếm tiền không, chàng trai người Mông lắc đầu, dứt khoát: "Ở nhà làm nương thôi, không qua bên đó đâu. Sợ dính vào ma túy lắm, bị phạt đấy!".

Bằng mọi cách không để thanh niên vướng vào

Phó bản Mùa A Cang kể ở bản, chuyện người nghiện, người đi tù vì buôn bán ma túy khá nhiều. Có người đi cai nghiện vài năm trở về vẫn tái nghiện. 

"Bản nghèo, làm nương rẫy không đủ ăn. Giáp bên kia là bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, đó là điểm nóng về ma túy. Bà con ở bản ngày ngày qua Lào làm thuê, rồi dính vào nghiện hút" - phó bản Buốc Pát nhíu mày nói.

Ông kể câu chuyện của gia đình mình, giọng khô khốc: "Trước đây bố mình nghiện, nghiện từ năm 1987 đến năm 2012 thì mất. Chỉ có một mình bố nghiện thôi nhưng cả nhà khổ lắm. Bố không đi làm mà cả nhà phải đi làm nuôi bố. Bố bán cả gà, cả gạo trong nhà để mua thuốc phiện". Rồi cháu của A Cang bị đi tù 20 năm vì tội buôn bán ma túy. 

"Nó buôn từ bên Lào sang, giáp biên nên khổ, không có tiền, không được giáo dục nên thấy cái này (ma túy) nhiều tiền nên mua. Anh trai ruột mình cũng chịu án tù 9 năm, nhà của anh trai dưới này thôi".

Ám ảnh vì sự tàn phá của ma túy trong chính gia đình mình, A Cang tự nhắc bản thân, vợ con tuyệt đối tránh xa ma túy, chọn cuộc sống gắn với ruộng nương dù có nghèo khó, vất vả. 

Cùng với đó, ông quyết tâm cùng những người đứng đầu bản làm cho dân bản "thức tỉnh", nhất là lớp thanh niên, để họ thấy hệ quả khủng khiếp của ma túy mà tránh xa.

Anh Mùa A Sủ (31 tuổi), bí thư chi bộ của bản, cho biết trong những buổi tập trung dân bản, những người đứng đầu bản làng luôn nhắc nhớ lại những câu chuyện về ma túy tàn phá bản làng cũng như tác hại của ma túy cho bà con hiểu. 

"Đời ông, đời cha nghiện đã đành, bằng mọi cách không để thanh niên của bản sa chân vào ma túy, tù tội" - hễ gặp ở đâu, bí thư chi bộ lại nhắc bà con như thế.

Hỗ trợ bà con làm ăn

Mấy năm gần đây, ở bản Buốc Pát có bộ đội biên phòng, chính quyền cùng chung tay giúp bản xóa điểm nóng về ma túy. Bộ đội biên phòng cửa khẩu Lóng Sập chọn giải pháp chăm lo cho con em trong bản, đều đặn mỗi ngày con em đồng bào dân tộc Mông ở xã Lóng Sập được bộ đội chuẩn bị bữa ăn sáng.

Có bữa ăn sáng, con em đến trường mỗi ngày, bộ đội tin rằng con em có cái chữ thì trong tương lai gần bản sẽ không còn đói nghèo, không còn vướng vào ma túy nữa.

Thấy bà con ở bản khác trồng được chanh leo, năm nay phó bản Mùa A Cang tìm hiểu đất trồng, khí hậu nên trồng theo, mong muốn có tiền cho cuộc sống bớt khổ cực.

Phó bản nói nếu cây chanh leo "ăn đất" cho kinh tế khá hơn sẽ động viên bà con trong bản cùng trồng chanh leo thay thế cây ngô, cây sắn trên nương rẫy bao đời nay.

Mưa dầm thấm lâu, từ ấy đã có một lớp thanh niên trẻ của Buốc Pát dần nhận ra nỗi sợ và tu chí làm ăn, quyết không dính vào ma túy, tù tội.

Phối hợp bắt nóng bên Lào hai tên thủ súng, mang theo 118.000 viên ma túy Phối hợp bắt nóng bên Lào hai tên thủ súng, mang theo 118.000 viên ma túy

TTO - Hai người Lào mang theo một khẩu súng ngắn đã lên đạn và 118.000 viên ma túy tổng vừa bị bắt.

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên