Cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh giữa các cường quốc đang trở nên nóng hơn - Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga tuyên bố đã sử dụng vũ khí siêu thanh - tên lửa Kinzhal. Mặc dù tên lửa Kinzhal di chuyển với tốc độ siêu thanh nhưng lại không thuộc loại mà các chuyên gia vũ khí đề cập đến khi nói về vũ khí siêu thanh.
Kinzhal không phải là một hệ thống vũ khí mới, nó có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M phóng từ mặt đất của Nga.
Vũ khí siêu thanh là gì?
Đây là loại vũ khí bay nhanh, thấp và cơ động cao, được thiết kế để linh hoạt nhanh trước khi các hệ thống phòng thủ chống tên lửa truyền thống phát hiện.
Không giống như tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh không bay theo một quỹ đạo hình cung định trước và có thể cơ động trên đường đến đích.
Thuật ngữ "siêu thanh" dùng để mô tả bất kỳ tốc độ nào nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức là khoảng 6.116 km/h.
Hiện có 2 loại vũ khí siêu thanh chính: phương tiện lượn và tên lửa hành trình. Tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực tốc độ cao. Trong khi đó, phương tiện lượn được phóng ra từ một tên lửa đẩy bay trong không gian, sau đó lượn đến mục tiêu theo đường bay khó đoán trước.
Phương tiện lượn siêu thanh là nhóm vũ khí đang được các quốc gia tập trung phát triển.
Mỹ chậm chân trước Trung Quốc?
Theo Hãng tin Bloomberg, hiện nay Trung Quốc, Mỹ và Nga là những cường quốc có những năng lực vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất.
Một số quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Đức và Triều Tiên, và cũng đã tuyên bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh.
Avangard của Nga là một phương tiện lượn được phóng từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và mang đầu đạn hạt nhân.
Các nguồn tin Nga cho biết Avangard đã tham gia trực chiến từ tháng 12-2019. Ngoài ra, Nga còn có Tsirkon là tên lửa hành trình phóng từ tàu, có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ và dưới nước.
Quân đội Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào mùa hè năm 2021, bao gồm cả việc phóng vào vũ trụ một vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo có khả năng mang tải trọng hạt nhân.
Tờ Financial Times đưa tin đầu tiên về các cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin về các cuộc thử nghiệm, nói rằng họ chỉ đơn giản là phóng một phương tiện vũ trụ có thể tái sử dụng.
Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành một số vụ thử nghiệm thành công DF-17, một tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để phóng các phương tiện lượn siêu thanh.
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, tên lửa có thể được sửa đổi để mang theo phương tiện bay hạt nhân hoặc thông thường.
Trong khi đó, ông Gregory Hayes - giám đốc điều hành của nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies Corp. - nói với kênh truyền hình Bloomberg TV ngày 26-10 rằng Mỹ đi sau Trung Quốc "ít nhất vài năm" về công nghệ siêu thanh mặc dù đã đầu tư đáng kể.
Mối nghi kỵ ngày càng lớn
Trong một lần xuất hiện trên kênh truyền hình Bloomberg, tướng Mark Milley - chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân - nói vũ khí siêu thanh của Mỹ không giống những vũ khí đang được phát triển ở Trung Quốc và Nga. Chúng đang được thiết kế để mang vũ khí thông thường chứ không phải vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, điều này mang lại sự yên tâm ít ỏi cho các đối thủ tiềm năng của Mỹ. Họ sẽ không có cách nào biết được liệu vũ khí như vậy có thực sự mang đầu đạn hạt nhân khi nó đang bay hay không.
Các chuyên gia quân sự cảnh báo về một kịch bản chạy đua vũ trang giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga nhằm phát triển vũ khí siêu thanh và điều này có thể dẫn đến các cuộc xung đột quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận