Nhiều người miền Tây Nam Bộ có cách ăn nói rất ngộ tai, thoải mái - Ảnh: Lancer Cromwell
Tới khi đi học lại gặp toàn bạn bè là con cháu nhiều đời cố cựu ở xóm trên ấp dưới, lời ăn tiếng nói như có mùi lúa mùi phèn càng ăn sâu vô máu nó.
"Cưng mắc chết" thằng nhỏ nhóc
Thiệt bụng, hổng dám nói dóc bà cố chớ bận nhỏ, tui đi học hổng giỏi nhưng cũng "dừa dừa", nhứt là môn văn đặng mấy lần đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia. Gia đình được phen sáng láng mặt mày, hàng xóm cũng "cưng mắc chết thằng nhỏ".
Xóm tui thủa đó hay có người, mà nhiều nhứt là mấy bà mấy cô cứ rổn rảng từ "mắc chết" rất ngồ ngộ, như "cưng mắc chết, được mắc chết, trúng mắc chết, giỏi mắc chết luôn...".
Sắp nhỏ nhóc trường miệt bưng như tui bận đó biết chi chuyện cắc cớ tại sao đã cưng lại còn "mắc chết", mà cứ thấy ông bà cô bác hay rổn rảng đằng miệng thì mình cũng ăn theo nói leo, tỉ như túm tụm nhận xét cô giáo mình "dạy giỏi mắc chết luôn".
Tối tối cả xóm tưng bừng kéo nhau đến một nhà hiếm hoi có cái truyền hình (tivi) trắng đen để coi cải lương hay phim Liên Xô "Trên từng cây số" rồi cũng nức nở khen "hay mắc chết" luôn.
Sau này, tui hay rong ruổi tứ xứ, cũng nghe đặng nhiều lời hay tiếng lạ, mà nhiều khi nghĩ lại vẫn mắc cười với phương ngữ như ngọn cỏ củ khoai, vừa dễ hiểu lại vừa khó hiểu ở miệt bưng biền thủa nào. Mấy bà mấy cô nói "cưng mắc chết" thằng nhỏ ý là tui quá dễ thương. Còn tụi tui nói cô giáo mình "dạy giỏi mắc chết luôn", nghĩa là cô dạy rất giỏi.
Hổng biết phải bận đó dân tình miệt bưng biền quá mê mẩn cải lương hay có mấy cao trào rớt hột nước mắt như anh hùng, mỹ nhơn trước khi chết phải rướn lên ca thiệt mùi mẫn rồi mới... lăn đùng ra nghẻo, nên hình như cách xài từ "mắc chết" ở đây cũng biến tấu ra cho người tốt, mà phải ở cấp độ cao là rất rất tốt mới đúng.
Tui nhớ không lộn thì đến con chó nhà mình cũng được bà hàng xóm hay khen "chèng đéc ơi, sao nhà bà Ba có con phèn cưng mắc chết luôn".
Vô nghề mần báo, tui hay đi nhà sách, bợ về cuốn từ điển Từ ngữ Nam Bộ dày cộp. Khi cần ba điều bốn chuyện, tìm phương ngữ cho mấy bài phóng sanh sự quê kia xứ nọ, tui cũng hay lum khum tra từ điển.
Và thiệt bụng, hổng dám dóc xạo là nhiều từ ngồ ngộ sách có mà tui không biết, nhưng nhiều từ tui rành rẽ mà sách lại hổng có. Mà chuyện này chắc không ai sai, ai thiếu, đã gọi là phương ngữ mà.
Ở ngay cùng một tỉnh miền Tây, người xóm bưng dưới nhiều khi lại có kiểu nói chuyện khác người đàng chợ. Rồi thời gian và thời cuộc cũng làm biến đổi, lợt lạt nhiều thứ. Bận giờ, tui về xóm bưng cũ, quen ăn nói lời lẽ thủa trước, sắp nhỏ đời sau cũng tròn xoe con mắt hột nhãn xuồng cơm vàng.
Mạng xã hội và phim ảnh đã làm tụi nó quen nghe, quen xài từ ngữ phổ thông hơn chăng và đã "sanh đẻ" được nhiều từ mới?
Cuộc sống sông nước góp cho lời ăn tiếng nói người miền Tây sự mộc mạc, tự nhiên - Ảnh: QUỐC VIỆT
Thằng ba đía, bắt cá hôi, ăn cơm hớt
Nhớ thủa quê nghèo lối thập niên 1980, sắp nhỏ tụi tui đâu được bộn trò chơi lùm xùm như bây giờ. Sáng đến trường, chiều đám nhóc chỉ đặng niềm vui bự nhứt là vác cần câu hay xách gàu dai đi tát cá ở lỗ bom, lỗ pháo còn lại từ thời chiến tranh. Và đã có nhiều lời lẽ ngộ miệng, lạ tai xuất hiện chính trong những buổi dầm mưa dãi nắng bưng biền này.
Tui vẫn chưa quên ngày mình cùng thằng bạn học và một cô gái bự hơn hai, ba tuổi hè nhau kéo gàu dai, tát cá đìa đôi bự chà bá ở đám bưng tràm Mười Mẫu. Con nít quê nghèo thiếu ăn, ốm lỏng khỏng, vậy mà tụi tui từ sáng đến chiều đã thay phiên nhau cầm dây gàu dai tát cạn cái đìa đôi là hai lỗ bom bự liền nhau.
Thế nhưng đến bận nước cạn trơ đáy, tụi tui vừa được hưởng niềm vui bắt cá thì tự dưng ngay sau lưng mình cả mớ người xúm nhau "bắt hôi". Ba đứa nhóc ấm ức vì còng lưng tát nước đến lòi hột cơm miệng, lúc lui cui được bắt cá một thì thiên hạ đã hốt ba hốt bảy, mà hổng dám hé miệng cự cãi.
Rồi tình thiệt cũng từ bận đó, tui bắt đầu rành rẽ "bắt hôi" cá mú. Phần đa người sông nước coi nó là bình thường, tỉ như đi mót lúa, mót khoai của ai đó. Nhưng tùy cảnh tùy tình cũng có thể hiểu nó ở nghĩa không được hay ho, như cái cảnh "bắt hôi" mà giống giành giật cá với người đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con ra tát đìa là sắp nhỏ tụi tui.
Đôi khi rủa miệng, người ta vẫn nói "ba đồ bắt cá hôi" hay "cái thứ hốt cá cạn" để ngầm ý chê bai.
"Bắt cá hôi" thì tui đã giải thích, còn "bắt cá cạn" ai có ở miệt ruộng đồng miền Tây có mùa nước nổi mới thiệt sự rành rẽ.
Cuối năm khi trời se se lạnh, độ trăng già tháng 11 qua tháng 12 âm lịch, nước trên đồng bắt đầu rút dần. Cá mú phần đa cũng theo lỗ bọng thửa ruộng, bờ kinh tìm đường xuống sông rạch, nhưng cũng có một số, nhứt là đám cá nhỏ "mải chơi" ở lại đồng nên mắc kẹt khi ruộng ngày càng trơ đáy. Người ta chỉ kéo nhau vác thùng đong lúa (loại bự 20 lít) ra mà quơ quào, đúng nghĩa là hốt đám cá "sa cơ lỡ bước" mắc cạn.
Thủa tui còn nhỏ, lối trước thập niên 1990, thời gian bắt cá cạn chỉ độ năm ngày bảy bữa mà nhiều nhà ăn không hết, làm mắm, phơi khô cũng không kịp. Cho nên sau này tui hiểu bắt cá cạn là bình thường, nhưng khi ai đó nói "ơ cái thứ bắt cá cạn có gì đâu mà kể" là ý ngầm chê bai, coi thường kẻ làm chuyện quá dễ dàng, tỉ được dâng tận tay, không phải hao công tổn trí gì...
Mà thiệt, bận nhỏ chính tụi tui đi bắt cá cạn cũng hay bị chửi lên bờ xuống ruộng. Lý do dễ hiểu là bắt cá cạn thì thường phải quần thảo trên đồng ruộng, mà lúa lúc đó lại đang trổ đòng đòng (ra bông lúa non) nên làm tổn hại lúa là cái chắc.
Có lần, tụi tui bị một chủ ruộng vừa đuổi vừa chửi "mấy cái thằng ghẻ hờm đâm trâu trộm chó". Mới nghe chửi thì nặng dữ thần thiên địa, mà thiệt ra không thâm cay xấu ý bằng "cái thứ hốt cá cạn".
Nghĩ lại cũng ngộ, tui hay nghe thiên hạ phán chửi rủa có lớp lang, sâu độc thì phải ở miền ngoài. Tui sanh thời và lớn lên trong Nam, không dám quả quyết lời phán đúng hay sai, nhưng thiệt bụng là cá nhân tui thấy lời lẽ mắng chửi của dân miệt trong này có vẻ không nặng nề lắm, thậm chí đôi khi còn ngồ ngộ, vui tai.
Lớp tui học ngày trước có con nhỏ hay bị đám bạn chửi là "đồ ăn cơm hớt", vì cái tội "tài lanh tài lẹt" hay giành phần phát biểu của bạn khác. Có lẽ "ăn cơm hớt" còn nghĩa khác, nhưng dân quê tui bận đó nói từ này nghĩa là rủa người chỉ biết xí phần mình trước, như nói trước, ăn trước kẻ khác. Lời lẽ chê bai mà hổng quá mức nặng nề, hạ nhục dữ thần ai.
Tui còn nhớ xóm bưng mình ở còn có một anh được phong là "chai rượu nhân dân" do suốt ngày nhậu nhẹt. Bạn bè cùng chung chai đế trái ớt với anh ta thì hay cười nói "thằng này dóc bà cố luôn nhưng có nó bá láp nhậu mới dzui".
Còn mấy bà mấy cô, nhứt là dân hàng quán lại cẳng nhẳng càm ràm "thằng cha ba đía". Cùng là chửi anh ta hay nói dóc, nhưng rủa "ba đía" có vẻ nặng hơn một chút. Riêng nhỏ nhóc như tui hồi đó thì biết chuyện anh ta bị mấy bà hàng quán chửi "đồ ba đía" vì hay... mua nợ rượu đế mà chậm trả.
Có lần chả còn lén vợ, vác lúa nhà đi trả nợ rượu. Cô vợ phát hiện, điên máu sa sả rủa chồng chỉ biết lêu bêu ăn nhậu, rồi ra chửi luôn mấy bà quán chịu bán nợ. Ngạnh cá trê đâm ngạnh cá ngác, bà quán nào nuốt cục nhịn, liền rủa văng miểng lại, thế là chết danh "thằng ba đía".
Cùng "bắt cá hôi", dân miệt ruộng thủa đó còn hay nói vui vui là "cái đồ bắt quơ bắt quờn". Tỉ như anh chàng nghèo xác ở bưng hổng thể "có cửa" thương cô gái xóm chợ mà cứ "bắt quơ bắt quờn" yêu thương mịt mù, vô vọng.
**********
Mới nghe nói "cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt", chắc nhiều người sẽ mắt tròn mắt dẹt hổng hiểu đó là ăn cái kiểu gì mà lạ dữ thần.
>> Kỳ tới: Cái đồ ăn gửi mà còn bốc hốt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận