05/03/2020 10:55 GMT+7

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 5: Chiều chiều đợi ghe hàng chợ

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - "Chiều chiều đứng ở mé sông/Đợi ghe hàng chợ như trông mẹ về/Một đồng mua bánh cho em/Hai đồng mua thuốc để dành phần cha".

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 5: Chiều chiều đợi ghe hàng chợ - Ảnh 1.

Ghe hàng chợ của vợ chồng anh Châu Trường Em bán đồ cho người dân huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: T.NHƠN

Từ bao đời, chiếc ghe hàng như ôm cả cái chợ nhỏ về miệt bưng biền miền Tây. Người dân khuất nơi hẻo lánh có thể đợi mua bọc gạo, gói bánh, ký thịt cho đến kim chỉ, lưỡi câu, dầu gió trên những chiếc ghe hàng lênh đênh sông nước...

"Chợ" trên ghe

"Tít, tít, tít" - âm thanh phát ra từ chiếc kèn cũ kỹ trên ghe hàng của bà Nguyễn Hồng Nga (51 tuổi, huyện U Minh, Cà Mau) vang lên đều đặn mỗi ngày. Tuyến kênh 29 qua địa phận xã Khánh Lâm, huyện U Minh là nơi bà lênh đênh buôn bán gần chục năm nay. 

Như hẹn sẵn, cứ nghe tiếng kèn vang lên, một số bà con sinh sống hai bờ kênh lại đổ ra mua đồ. Đám trẻ quê cũng hồ hởi rủ nhau lăm le hộp bánh, cây kẹo xanh đỏ bắt mắt hay mấy bộ ghép hình siêu nhân kỳ thú.

"Lấy cho tui hũ chao", "Đổi cho tui bình nước"... Xen giữa chuyện mua bán là những lời hỏi han sức khỏe, gia đình, con cái hoặc gửi đồ cần mua cho chuyến hàng sau. 

"Miệt này kênh rạch chằng chịt, ít người buôn bán, nên dân quê trông chờ ghe hàng đặng mua đồ. Tiệm tạp hóa cũng có mà hơi xa trong khi ghe hàng cặp sát nhà nên mua gì cũng tiện" - bà Võ Thị Sáu, người dân sống dọc tuyến kênh 29, chia sẻ.

Đúng như bà Sáu tâm sự, chiếc ghe hàng chợ quê mùa vẫn "kiên cường" lênh đênh trên kênh rạch đất mũi, nơi chất quê vẫn hiện hữu dưới những cánh rừng tràm bạt ngàn. Nhiều vùng như Đồng Tháp, An Giang, Long An, bóng ghe hàng chợ đã vắng dần khi đường sá, chợ búa được mở mang tiện lợi hơn.

Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ chiếc ghe hàng nhỏ bé có thể mang nguyên "cái chợ" đến với bà con vùng quê. Trên nóc ghe là những bình nước uống, gạo, lúa; còn phía trước và trong lòng ghe là trăm thứ từ bánh kẹo, rau củ, trứng vịt, gia vị nấu nướng... Hai bên vách ghe cũng được tận dụng tối đa để treo toòng teng mấy dây dầu gội, trái cây.

Bà Nga cho biết đều đặn hai buổi sáng chiều chạy ghe dọc theo tuyến kênh 29 từ xã Khánh Hội qua Khánh Lâm rồi ngược lại để bán hàng. Nhờ những mối quen, đến giờ bà vẫn duy trì được ghe hàng dù con lộ làng, xe cộ vùng quê đã có nhiều thay đổi.

Những ngày này, em Nguyễn Chiến (14 tuổi) - con trai bà Nga - được nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 cũng theo mẹ rong ruổi trên ghe hàng. Bà Nga trực tiếp bán, còn Chiến phụ lái ghe ra vào hai bờ kênh...

Chiều tôi xuôi xuống Năm Căn, tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Liên (53 tuổi) đã gắn nửa đời người với chiếc ghe hàng. Người phụ nữ tóc chớm hoa râm rành rẽ bao tuyến kênh quê, dân tình sống ở đây ai ra sao bà cũng "rành sáu câu". 

Nghĩa tình xóm giềng thân thiết, dân quê chẳng ai giàu có gì, nên sau bao năm bán buôn bà cũng không khá khẩm hơn. "Hàng hóa chủ yếu lấy từ mấy mối quen, đem bán lại cho bà con lấy lời mỗi món đồ một vài ngàn đồng. Có vốn liếng, người ta lên bờ mở tiệm tạp hóa bán cho tiện, chứ ai đâu suốt ngày cời cời trên sông".

Nhưng thiệt ra vẫn có dân quê khoái mua đồ của ghe hàng chợ là do dễ được mua chịu. Buôn bán lâu năm, quen thân khách hàng, nhiều khi chủ ghe cho thiếu tiền bịch muối, chai dầu ăn, cục xà bông. 

Họ cũng không sợ bị quỵt, người thiếu thường đem tiền trả trong những lần mua hàng sau. "Quen mặt nhau hết, lạ lẫm gì đâu. Dân quê không hà, có mấy đồng mà đánh mất tình nghĩa chòm xóm. Nhiều người khi trả tiền còn cho kèm mấy cái trứng vịt, mớ rau đồng tình thương mến thương" - bà Liên chia sẻ.

So với cách đây hơn chục năm, ghe hàng chợ đã vắng bóng rất nhiều. Chủ ghe sau thời gian lênh đênh, dành dụm được chút vốn đã lên bờ buôn bán. Nhiều dòng kênh một thời dập dìu ghe hàng chợ giờ đây đã vắng bóng hoàn toàn. 

"Chắc cỡ năm, mười năm nữa thì ghe hàng biến mất hoàn toàn khỏi đồng bằng. Vùng này còn địa thế kênh rạch heo hút, dân cư thưa thớt nên còn ghe hàng tồn tại chứ mấy nơi khác đâu còn" - bà Liên buông lời.

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 5: Chiều chiều đợi ghe hàng chợ - Ảnh 2.

Mang theo cả con thơ lênh đênh sông nước - Ảnh: THÀNH NHƠN

Bơi ngược dòng

Tuy nhiên, cũng lạ là trong dòng người dần bỏ ghe hàng chợ để kiếm nghề khác mưu sinh, thì một số ít lại "bơi ngược dòng". Trên chiếc ghe hàng tròng trành, anh Châu Trường Em (34 tuổi) và chị Đỗ Thị Quý (32 tuổi, cùng ngụ huyện U Minh) tâm sự chỉ mới gia nhập đội ghe hàng chừng vài tháng. 

Anh Trường Em lúc trước chạy xe ôm, còn chị Quý ở nhà chăm con cái, nội trợ. Tình cờ được người chị sang lại chiếc ghe hàng, vợ chồng quyết định xuống sông làm ăn.

Hỏi lý do chọn ghe hàng thay vì mở tiệm tạp hóa trên đất liền, anh Trường Em cười nói: "Nhà chỗ heo hút quá, sợ ế. Sắm cái ghe rong ruổi đi dọc mấy tuyến kênh coi vậy mà có lý hơn. Tại vùng này dân sống theo mé sông hà rầm. Chịu cực chút mà có thêm đồng ra đồng vào, chứ mở tiệm trên lộ coi bộ không êm".

Hai người con, một đứa anh chị gửi lại cho ông bà chăm sóc, đứa theo ghe hàng rong ruổi. Vài tháng nay, vợ chồng bám víu lấy ghe như căn nhà thứ hai của mình. Anh chị san sẻ công việc, thay phiên nhau bán hàng và lo cơm nước trên ghe. 

Hơi cực và sinh hoạt bất tiện, nhưng tiếng cười rổn rảng của con thơ khiến họ cũng vui. "Dân ở đây quanh năm chỉ biết mần lúa, trồng tràm mà giờ cũng lỗ lã quá. Có chiếc ghe này dù sao vợ chồng tui cũng mần ăn qua ngày được, không sợ lông bông thất nghiệp" - chị Quý cười nói.

Hàng hóa trên ghe được anh Trường Em lấy từ những mối uy tín, tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, hết hạn sử dụng rồi bán lại cho bà con. Bởi theo anh Trường Em tâm sự: "Dân ở đây chẳng mấy ai khá giả, lại là chỗ thân tình, nên bán hàng dỏm cho bà con sao đặng. Với lại mần ăn lâu dài, mình gian riết vài bữa không ai thèm mua hàng nữa".

Bạn họ là vợ chồng anh Trần Văn Bình cũng chọn ghe hàng chợ làm kế mưu sinh sau những tháng ngày làm thuê nơi đất khách quê người. Dành dụm tí vốn, anh chị sắm chiếc ghe và chọn gắn bó với mấy tuyến kênh nơi chôn nhau cắt rốn. 

"Dân ở đây dắt díu nhau đi Bình Dương làm công nhân, vợ chồng tui lại trở về. Nghe lạ đời phải không? Nhưng thôi về quê, sống với cái ghe hàng đặng còn lo cho cha mẹ già. Còn chuyện bán đến bao giờ thì sau này hãy tính tiếp" - anh Bình chân chất trải lòng.

Chiều buông trên sông nước U Minh, quê nghèo vắng vẻ thi thoảng lại được đánh động bởi tiếng còi ghe hàng chợ báo cho khách mối mai trên bờ. Dưới tán rừng tràm, bóng ghe hiện ra rồi lại khuất mờ mỗi ngày...

Ghe hàng thành "shipper"

"Gửi con gà này cho chú Chín đầu kênh giúp tui nha", "Đem con cá này cho bà Sáu giúp em"… Những lời gửi gắm thân mật đến chủ ghe hàng của dân quê thân thương và mộc mạc quá đỗi. Chủ ghe bất đắc dĩ trở thành shipper không chuyên. "Dân quê mình hết hà, đâu có phiền gì, sẵn đi ngang rồi đưa đồ giùm luôn" - anh Trần Văn Bình cười hiền chia sẻ.

Ơi, anh xe lôi ơi, cho tui xuống chợ huyện nghen. Anh kiếm chỗ mát đợi chút để chở tui về...

Kỳ tới: Xe lôi ơi!

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 1: Vắng rồi chiếc cân treo của mẹ Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 1: Vắng rồi chiếc cân treo của mẹ

TTO - Có những nghề, những đồ vật bao đời đã gắn bó thiết thân với người châu thổ phương Nam, như nghề đóng xuồng ba lá lênh đênh đồng nước nổi, làm cân treo, ghe hàng xáo đưa "chợ" nhỏ về miệt bưng biền heo hút...

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên