08/01/2023 09:26 GMT+7

Cũng chợ Đông Ba, nhưng Tết này 'lạ' lắm

Chợ Đông Ba (Huế) những ngày gần Tết tấp nập người bán người mua. Nhiều vị khách phương xa có dịp ghé chợ thì thấy việc buôn bán đã có điểm khác lạ, ngỡ ngàng và dễ chịu hơn hẳn.

chợ Đông Ba

Đĩa bánh bèo, bánh nậm, tô bánh canh… ở chợ Đông Ba cũng được niêm yết giá để tránh nạn nói thách, “chặt chém” - Ảnh: NHẬT LINH

Hàng hóa trong chợ xem như cơ bản ổn rồi thì năm 2023 người bán hàng rong muốn vào chợ cũng phải niêm yết giá. Hiện ban quản lý chợ đã nhất quyết không cho hàng rong đi vào chợ nếu người bán không chấp nhận yêu cầu này.

Chị Hoàng Thị Như Thanh

Chuyện lạ chính là không còn cảnh người bán chèo kéo, nài nỉ người mua như trước mà thay vào đó là việc người mua chỉ cần nhìn bảng giá tại từng sạp hàng và tha hồ lựa chọn. 

Từ quần áo đến hàng mứt bánh, lọ mắm Huế, chai dầu gió, đĩa bánh bèo... đều được niêm yết giá. Điều này thật sự trở nên lạ lẫm với du khách về ngôi chợ đã bước vào tuổi thứ 124 và từng "nổi tiếng" một thời vì nạn "chặt chém".


Chợ Đông Ba không còn nói thách

"Tui muốn ghé chợ Đông Ba mua ít mắm tôm Huế đưa về làm quà biếu mà nghe đồn chợ này nói thách ghê lắm. Nghe đồn khách hàng vào hỏi giá mà không mua còn bị la ó, miệt thị nên cũng ngại", anh bạn tôi đến từ TP.HCM tỏ vẻ ưu tư. 

Tôi nghe thấy vậy thì nghĩ bạn mình chưa có cơ hội cập nhật thông tin nên vội "lôi" người bạn lên xe máy, hướng thẳng đến ngôi chợ nằm ngay phía bắc cầu Trường Tiền.

Chợ Đông Ba không ngày nào là vắng khách. Thế nhưng khác hẳn với lúc trước, chúng tôi đều có chung cảm giác "lạc lõng" đến thiếu thiếu khi chẳng còn nghe tiếng đon đả chèo níu khách du lịch mua hàng như thường lệ. 

Thấy hai thanh niên ngẩn ngơ đứng giữa chợ đông người, một tiểu thương bán hàng lưu niệm gần đó tiến lại mở lời: "Hai cậu cần chi? Muốn mua chi hay đi mô? Nói tui chỉ cho".

"Chợ Đông Ba dạo này lạ cô nhỉ?", anh bạn tôi hỏi kiểu chung chung. Vậy rồi cô Nguyễn Thị Tuyết - một người bán hàng ở chợ - nhoẻn miệng cười rồi lấy từ gian hàng của mình một bức tượng cô gái Huế đội nón lá. 

Chỉ tay vào mẩu giấy nhỏ màu xanh lá dán trên bức tượng có ghi "30K", cô Tuyết nói rằng bây giờ ở chợ mặt hàng nào cũng đều được niêm yết giá cả rõ ràng như vậy. Khách cứ việc chọn cho đến khi ưng thì trả tiền là xong, không còn như xưa nữa.

"Khi xưa chèo nài, thậm chí nói thách giá với khách để kiếm thêm một hai đồng lời. Kiếm được đôi đồng trước mắt nhưng lại khiến cả chợ "mang tiếng" xấu về sau. 

Giờ thì niêm yết giá công khai, ai cần chi thì trả tiền nên chúng tôi cũng bớt lời mời chào lại mà thay vào tụi tui sẽ hướng dẫn, tư vấn, chỉ đường nếu du khách cần để họ tận hưởng thật sự một chuyến du lịch đến Huế và mua sắm ở chợ Đông Ba", cô Tuyết nói.

"Cô Thanh thay đổi"

Nói về sự đổi thay ở chợ Đông Ba, không chỉ cô Tuyết mà nhiều tiểu thương ở chợ sẵn sàng kể ngay cho những vị khách muốn tìm hiểu với một câu chung là "cô Thanh thay đổi đó". 

Kéo chúng tôi vào giữa khu chợ, bà Nguyễn Thị Thu Hương, một người bán cơm trong chợ, chỉ vào lối đi giữa đường rồi dang rộng đôi tay ra. 

"Một việc tưởng chừng "bất khả thi" mà vừa rồi chợ đã làm được đó là vận động bà con trả lại lối đi chung của chợ từng bị lấn chiếm lâu nay" - bà Hương mở đầu câu chuyện. 

Bà Hương kể rằng mấy năm trước nhiều bà con tiểu thương cứ đem hàng hóa của mình trưng ra trước lô quầy khiến lối đi chung ở chợ dần bị thu hẹp, trông rất nhếch nhác và chật chội. Nhiều lần quản lý khu chợ đã nhắc nhở bà con nhưng do thiếu quyết liệt nên đâu lại vào đó.

"Thế nhưng từ ngày cô Thanh (chị Hoàng Thị Như Thanh - PV) lên làm trưởng ban quản lý chợ từ năm ngoái thì mọi chuyện thay đổi hẳn. Cô ấy lăn xả, vừa vận động, vừa nghiêm nghị, vừa dùng tình cảm, vừa dùng lý để thuyết phục bà con tiểu thương nên ai cũng hiểu và nghe theo", bà Hương nói.

Khi chúng tôi đến tìm "cô Thanh" thì phòng làm việc của trưởng ban quản lý vắng người. "Chị Thanh đang ở phòng bảo vệ để xem camera toàn khu chợ. 

Ngày thường chị ấy ít ngồi ở phòng này lắm mà chủ yếu đi xuống nói chuyện với bà con tiểu thương", một nhân viên của ban quản lý nói khi thấy chúng tôi đứng chờ.

Một lát sau chúng tôi cũng gặp được chị Thanh. Chị Thanh niềm nở nói rằng chị xem chợ Đông Ba là ngôi nhà thứ hai nên rất đau lòng khi nghe những tiếng xấu về chợ. 

Từ nhỏ, chị Thanh đã cùng mẹ đưa hương, trầm ra chợ Đông Ba để bán cho các mối hàng và tiểu thương ở đây. Chính ngôi chợ này đã nuôi sống gia đình nhỏ của chị.

Khi được lãnh đạo TP Huế điều động từ Liên đoàn Lao động TP Huế về giữ chức vụ trưởng ban quản lý chợ Đông Ba vào năm 2021, chị Thanh ban đầu tỏ vẻ khá lưỡng lự vì nghĩ khó gánh vác được nhiệm vụ thay đổi bộ mặt chợ Đông Ba đang khá lộn xộn. 

"Các chú lãnh đạo động viên, nói tôi cứ làm hết mình một cách vô tư, không tư lợi thì ắt thành công nên tôi nhận nhiệm vụ...", chị Thanh kể lại. 

Vậy rồi từ ngày về nhận chức vụ mới, việc đầu tiên chị Thanh làm đó là lặn lội đến từng quầy hàng trong chợ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương và khách hàng, khách du lịch. Nghe đủ rồi thì tìm cách thay đổi.

Những mẩu giấy nhỏ màu xanh có ghi giá từng loại hàng hóa Tết là một sự thay đổi lớn ở chợ Đông Ba - Ảnh: NHẬT LINH

Những mẩu giấy nhỏ màu xanh có ghi giá từng loại hàng hóa Tết là một sự thay đổi lớn ở chợ Đông Ba - Ảnh: NHẬT LINH

Mở hàng bằng nụ cười

Theo chị Hoàng Thị Như Thanh, để tiểu thương dần thay đổi thì cán bộ phải làm gương đầu tiên.

Trước đây ở chợ có tình trạng một số nhân viên thuộc ban quản lý mỗi khi phát hiện lỗi sai của tiểu thương thì thường tỏ thái độ chưa đúng như la mắng, nạt nộ nhưng nay toàn bộ ban quản lý được quán triệt không thể như thế nữa.

"Tôi hay nói với anh em trong ban rằng mình chỉ là người làm thuê, chủ nhân của chợ là tiểu thương. Mình tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, văn hóa thì tiểu thương họ cũng sẽ cảm thấy thoải mái và thái độ, cách ứng xử của họ cũng sẽ thay đổi", chị Thanh chia sẻ.

Nói là làm, chị Thanh đã mời các chuyên gia tâm lý từ Trường đại học Sư phạm Huế về bổ túc cho bà con tiểu thương các kỹ năng chăm sóc khách hàng bằng lòng hiếu khách.

Nhiều người lần đầu tiên trong đời được dự một lớp tập huấn diễn ra ở chợ, được nghe nói về chuyện làm sao có thể trở thành người bán hàng hạnh phúc, mở hàng bằng nụ cười...

"Nhiều bà con muốn mặc áo dài, tôi tổ chức vận động cho bà con tiểu thương toàn chợ diện áo dài Huế bán hàng vào thứ bảy hằng tuần nữa", chị Thanh nói và nhắc lại bà con tiểu thương mới là chủ nhân của chợ mà lâu nay do thiếu người tổ chức thì nay chị thực hiện thôi chứ chẳng to tát gì.

Tiểu thương... khỏe ra

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, một tiểu thương bán hàng mứt kẹo ở chợ Đông Ba, cho biết việc niêm yết giá cả từng mặt hàng tiếp tục duy trì khiến tiểu thương... khỏe ra.

"Không còn phải "kỳ kèo bớt một thêm hai" với khách như lúc trước và đỡ bị "mang tiếng" xấu là chặt chém", bà Hà nói.

Chị Hoàng Thị Như Thanh - trưởng ban quản lý chợ Đông Ba - cho biết trong dịp Tết này ban quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những tiểu thương không thực hiện niêm yết giá, niêm yết sai quy định và có hành xử thiếu văn minh "chặt chém", "nói thách" với du khách khi họ đến mua sắm tại đây.

Mua hàng Tết chợ Đông Ba trên mạngMua hàng Tết chợ Đông Ba trên mạng

TTO - Tiếp nối các siêu thị, chợ truyền thống cũng bắt đầu đưa hàng Tết lên chợ mạng qua các app. Điển hình là chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên