22/12/2019 08:01 GMT+7

Người thợ vá áo mưa cuối cùng ở chợ Đông Ba

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Trong khu chợ Đông Ba sầm uất bậc nhất xứ Huế, ít ai ngờ rằng vẫn còn một gian hàng tưởng chừng chỉ còn trong dĩ vãng của nhiều người - hàng vá áo mưa.

Người thợ vá áo mưa cuối cùng ở chợ Đông Ba - Ảnh 1.

Gian hàng vá áo mưa nhỏ đặt sát lối đi của ông Tý ở chợ Đông Ba - Ảnh: NHẬT LINH

Giữa dòng người tấp nập qua lại, ở một góc chợ có một quầy hàng không biển hiệu với đủ loại áo mưa, túi nilông chất thành từng đống cao ngút đầu người.

Ông Lâm Thành Tý (70 tuổi), người thợ vá áo mưa cuối cùng của khu chợ này, tóc ngả hoa râm vẫn ngày ngày cặm cụi tỉ mẩn với những chiếc áo mưa cũ, tìm từng đường rách dọc ngang.

39 năm với nghề

Chuẩn bị cho một lần vá áo mưa, ông Tý nhóm lò than, đưa tiếp chiếc mũi hàn làm bằng thanh sắt dài, ở đầu có hình móc câu đập dẹp vào cái lò lửa mini ấy. 

Được một lúc, ông Tý lôi mũi hàn ra đưa lên sát gần má, mũi của ông hơi nhích nhích vài cái. "Ông Tý có tài ngửi được nhiệt độ đầu mũi hàn. Ngửi ngửi vài cái là biết được đầu mũi hàn quá nóng hay quá nguội" - bà Tuyết bán bún bò ngồi gần đó nói với ra như giải thích thắc mắc của các vị khách về hành động của ông Tý.

"Kinh nghiệm cả thôi. Làm cái nghề này ngót nghét cũng đã 39 năm rồi còn gì" - người thợ già cười rồi tiếp tục công việc. Lôi trong đống lỉnh kỉnh nào dao, kéo, mỏ dùi... ra một đoạn nilông nhỏ màu trắng, ông Tý nói rằng đây là loại giấy gương đặc biệt dùng để dán áo mưa.

Ướm lại độ dài vết rách trên áo, ông Tý cắt một miếng nilông vừa vặn chỗ vết rách rồi đặt chồng lên đoạn áo. Sau đó, ông dùng mũi hàn đang nóng nhấn mạnh xuống mảnh nilông đó rồi kéo thành một đường thẳng chạy dọc chỗ áo bị rách. Nhiệt độ khiến mẩu nilông nở ra, gắn chặt vào chiếc áo cũ. Thế là chỗ áo mưa bị rách đã được vá kín lại.

Người thợ vá áo mưa cuối cùng ở chợ Đông Ba - Ảnh 2.

Điểm mấu chốt trong khi vá áo mưa đó là đầu mũi hàn phải có nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá nguội - Ảnh: NHẬT LINH

"Âu cũng vì yêu nghề"

Với mỗi miếng vá, ông Tý chỉ lấy của khách 5.000 đồng bởi khách hàng chủ yếu đến tiệm của ông đa phần là những người lao động nghèo. "Vì nghèo nên người ta mới chọn vá áo mưa, nên nghề của tui cũng chủ yếu lấy công làm lời thôi" - ông Tý cười.

Ông Tý kể rằng nghề vá áo mưa ông học được từ những người bạn chợ truyền lại. Nhà nghèo nên nghỉ học sớm, ông Tý lao vào cuộc chợ làm bốc vác thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình rồi sau học nghề này. 

"Ngày xưa nhiều người làm nghề vá áo mưa này lắm. Họ tập trung chủ yếu ở khu vực cồn Hến. Tui nhớ thời "hoàng kim", người ta phải xếp hàng dài để chờ được vá áo mưa. Giờ thì hết rồi" - người thợ già tâm tư. Nhưng cũng nhờ cái nghề này mà ông Tý nuôi được sáu người con khôn lớn.

Ngoài vá áo mưa, ông Tý còn nhận khâu vá cả giày dép để kiếm thêm mỗi lúc trời nắng. "Âu cũng vì yêu nghề mà bám trụ đến ngày hôm nay. Chứ tui không vá áo mưa nữa thì bà con nghèo chỉ còn nước... mua áo mưa mới" - ông Tý cười nói.

Người thợ lặn ở Gạc Ma năm ấy... Người thợ lặn ở Gạc Ma năm ấy...

TTO - 30 năm qua kể từ ngày ra vùng biển Gạc Ma, ông Tâm cũng trải qua nhiều cương vị quan trọng trước khi về hưu, nhưng vùng biển Gạc Ma những ngày tháng ấy vẫn hoài thao thức trong tâm trí người thợ lặn kỳ cựu.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên