10/09/2024 10:22 GMT+7

'Cử tri' trẻ em với thao thức học đường

Thành Đoàn và Hội đồng Đội TP.HCM vừa tổ chức chương trình tiếp xúc "cử tri" trẻ em, chuẩn bị cho phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần 2 dự kiến được Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội trung ương tiến hành cuối tháng 9 này.

'Cử tri' trẻ em với thao thức học đường - Ảnh 1.

Các đại biểu "cử tri" trẻ em trao đổi ý kiến tại buổi gặp chuẩn bị cho phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần 2 - Ảnh: K.ANH

Các "đại biểu quốc hội" và "cử tri" trẻ em cùng trao đổi ba vấn đề đang được tuổi nhỏ rất quan tâm: Phòng chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em; Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường; Phát triển âm nhạc thiếu nhi tại TP.HCM hiện nay.

Học sinh rất cần được trang bị kỹ năng nhận diện và biết từ chối khi bị dụ dỗ sử dụng các chất gây nghiện. Môi trường học đường phải được giám sát chặt hơn, kịp thời phát hiện và xử lý ngay, mạnh tay với các hành vi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, chất gây nghiện.
Đại biểu VŨ NGỌC MAI ANH

Bạo lực học đường - sát thương từ mạng

Đại biểu quốc hội trẻ em Trần Huỳnh Như nói bạo lực học đường không còn xa lạ, thậm chí không ngừng gia tăng, len lỏi nhiều cấp học. Huỳnh Như dẫn thông tin theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em bị bạo lực ở trường học.

Và bạo lực học đường không chỉ đơn giản bằng tác động vật lý mà còn là bạo lực ngôn từ, bạo lực tinh thần. Bạo lực mạng là câu chuyện đáng suy nghĩ trong thời đại công nghệ số mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng với trẻ em.

Huỳnh Như dẫn câu chuyện bạo lực trên mạng bởi theo bạn chưa kiểm soát chặt chẽ không gian của học sinh trên mạng xã hội.

"Mình mong vấn nạn này được giải quyết một cách triệt để vì rất cấp bách trong việc xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em" - Như nói.

Chia sẻ giải pháp, Như nói bản thân học sinh cần trang bị kỹ năng đối mặt và phòng tránh bạo lực, biết điều chỉnh cảm xúc tâm lý và tránh những mâu thuẫn không đáng có.

Còn cha mẹ cần quan tâm và trò chuyện nhiều hơn để nắm bắt tâm lý của con.

"Cần xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực học đường để răn đe song song với nhiều hoạt động tạo không gian sinh hoạt cho học sinh" - Như nêu ý kiến.

Đồng tình cần lên án vấn nạn bạo lực học đường, nhất là bạo lực trên mạng, đại biểu Lê Huỳnh Trâm nói tình trạng bạo lực học đường gần đây có vẻ gia tăng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nạn nhân bị bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần.

Nguyên nhân, theo Trâm có nhiều song có thể ảnh hưởng từ gia đình, áp lực học tập và xã hội, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, ảnh hưởng từ bạn bè và môi trường xung quanh, mạng xã hội và truyền thông, thiếu sự can thiệp từ nhà trường...

"Hậu quả sẽ làm nạn nhân tổn thương tinh thần, suy giảm kết quả học tập. Còn với người gây ra bạo lực sẽ là cảm giác tội lỗi và áp lực, có thể hình thành hành vi bạo lực lâu dài" - Trâm phân tích.

'Cử tri' trẻ em với thao thức học đường - Ảnh 2.

Học sinh rất cần những sân chơi, trải nghiệm thực tế ngoài môi trường học đường - Ảnh: Q.L.

Sao người lớn bán thuốc lá điện tử cho học sinh?

Đặt câu hỏi ấy vì đại biểu Nguyễn Ngọc Ngân cho rằng đang ngày càng nhiều học sinh lứa tuổi THCS sử dụng thuốc lá điện tử. Ngân nói dù chưa được cấp phép kinh doanh song các loại thuốc lá thế hệ mới lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua mạng đến mức đáng báo động.

"Có thể thấy tình trạng này là sự tồn tại của khoảng trống pháp lý trong quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Điều đó đã và đang tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức buôn bán thuốc lá khá dễ dàng tiếp cận khách hàng trẻ em" - Ngân đặt vấn đề.

Chưa kể tiệm tạp hóa, xe hàng rong vẫn vô tư bán thuốc lá truyền thống cho người dưới 18 tuổi. Nêu giải pháp, Ngân cho rằng cần hạn chế tối đa mọi điều kiện, môi trường mà học sinh có thể tiếp cận với thuốc lá, chất kích thích.

Cùng với đó, huy động sự tham gia của Đoàn, Đội, nhà trường, gia đình, cộng đồng cùng tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá. Đặc biệt phải đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước với thực trạng này.

Dẫn thực tế đã có học sinh phải nhập viện vì dùng thuốc lá điện tử nhưng vẫn có nhiều bạn sử dụng, các ý kiến cho rằng vì đua đòi và cả tò mò xài thử rồi nghiện.

"Người dùng ngày càng trẻ hóa vì nhiều học sinh suy nghĩ sai lầm, coi đây là cách thể hiện sự sành điệu của bản thân mà bỏ qua sự thật rằng thuốc lá điện tử chứa nhiều hóa chất độc hại nguy hiểm cho sức khỏe người dùng, tác động cả người xung quanh" - đại biểu Vũ Ngọc Mai Anh nói.

Phải có biện pháp đồng bộ từ giáo dục, giám sát đến sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội mới mong ứng phó trước thực trạng thuốc lá điện tử, chất gây nghiện tấn công học đường. Đồng thời hỗ trợ kịp thời các bạn có dấu hiệu lạm dụng chất gây nghiện, giúp các bạn cai và phục hồi sức khỏe.

"Mỗi học sinh đều có thể trở thành một đại sứ phòng chống thuốc lá điện tử, chất gây nghiện để có nhận thức đúng đắn và có thể tuyên truyền những thông tin, tác hại của vấn nạn này đến các bạn khác" - Mai Anh phát biểu.

Còn ít tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi

Cử tri Nguyễn Nam Nghị cho rằng hiện rất thiếu những tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi và đặt câu hỏi: "Phải chăng do sáng tác nhạc cho thiếu nhi thì nhạc sĩ sẽ ít nổi tiếng hay vì thù lao tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi thấp?".

Nam Nghị lý giải chính vì thiếu tác phẩm âm nhạc thiếu nhi hấp dẫn nên hiện tượng các bạn nghe và hát nhạc dành cho người lớn ngày càng phổ biến.

"Mình rất mong các nhạc sĩ sẽ sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc thiếu nhi hơn nữa. Cũng như các ban ngành tổ chức những hội thi âm nhạc cho thiếu nhi nhiều hơn" - Nghị đề đạt.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Vũ Kỳ Lâm lại nói cũng có những sáng tác cho thiếu nhi song lại có vẻ xa rời thiếu nhi khiến các bạn khó thẩm thấu nên ít lan tỏa.

"Mình rất mong có chương trình mang âm nhạc vào học đường, nhất là âm nhạc dân tộc để học sinh tiếp cận nhiều hơn với các nhạc cụ truyền thống. Có vậy mới thêm yêu và tự hào về âm nhạc truyền thống, văn hóa dân tộc mình" - Kỳ Lâm bày tỏ.

'Cử tri' trẻ em với thao thức học đường - Ảnh 3.Bạo lực học đường: Đổ thừa cho game hay mạng xã hội thì dễ quá

Có thể nhận thấy tính chất của các vụ bạo lực học đường đang ngày càng manh động, với tần suất dày hơn và không giới hạn ở địa phương nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên