07/02/2018 16:16 GMT+7

Cụ ông trồng quýt hồng thu tỉ đồng

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TTO - Cụ ông Trần Thanh Tùng (71 tuổi) là người đầu tiên trồng đặc sản quýt hồng trên núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang).

Cụ ông trồng quýt hồng thu tỉ đồng - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Tùng tại trang trại quýt hồng trên núi cấm - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Những ngày tháng Chạp gần Tết, dọc theo các con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi Cấm, những vườn quýt hồng bạt ngàn sai trĩu quả. Người dân đang chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch bán Tết. Bà con cho biết quýt hồng ở đây có vị ngọt thanh, để lâu ngày trái vẫn tươi ngon nên rất được ưa chuộng.

Thương lái, bạn hàng đến tận nơi đặt mua với giá 26.000 đồng/kg. Trang trại quýt hồng của gia đình cụ ông Trần Thanh Tùng thu hoạch khoảng 70 tấn trái, lợi nhuận bạc tỉ.

Trồng quýt trên núi đá

Ông Tùng kể, trước đây ông luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, vì rằng đất triền núi Cấm vốn ít màu mỡ, lại thiếu nước trong mùa khô, trước kia trồng xoài, mít, dưa, su su… thu nhập chỉ tạm đắp đổi qua ngày. Một lần rảo quanh mấy vách đá, ông phát hiện 5 cây quýt hồng do người vợ rải hạt năm nào nay đang sai trái. Hái ăn thử thấy trái ngọt thanh hơn cả quýt hồng dưới đồng bằng, ông Tùng bàn với vợ con: "Chắc nhờ đất đai, thời tiết ở đây hợp với giống quýt hồng. Mình nên thử trồng đại trà!".

Cụ ông trồng quýt hồng thu tỉ đồng - Ảnh 2.

Trang trại 3ha trồng quýt hồng trên núi Cấm. Ảnh: ĐỨC VỊNH

Ông Tùng lặn lội đến vùng Lai Vung (Đồng Tháp) tìm hiểu cách trồng quýt hồng rồi mua hơn chục cây giống. Từ 15 cây quýt ban đầu, gia đình ông chịu khó chăm sóc, lần lượt chiết nhánh, dâm cành. Đất trên núi nhiều đá sỏi, độ dốc cao, phải đào hàng trăm hố sâu, đưa đất mùn, tủ thêm lá rụng xuống hố rồi mới đem trồng từng cây con.

Suốt mùa khô khe suối cạn trơ đáy, gia đình lặn lội xách nước từ xa về tưới từng cây một, cơ cực trăm bề.

Tết năm 2000, gia đình ông Tùng hái trái từ 150 gốc quýt trĩu cành sum suê, đưa xuống núi bán thu lợi hơn 60 triệu đồng. "Mừng như bắt được vàng, năm đó lần đầu tiên ăn Tết lớn, phấn khởi lắm!" ông Tùng nhớ lại.

Thừa thắng xông lên, gia đình ông Tùng mở rộng diện tích chuyên canh quýt hồng. Từ năm 2010, gia đình ông Tùng sở hữu trên 1.500 gốc quýt hồng, mỗi dịp Tết bán trái thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Cụ ông trồng quýt hồng thu tỉ đồng - Ảnh 3.

Thu hoạch quýt hồng - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Thương hiệu quýt hồng

Nhờ chủ động được nguồn nước tưới, nắm vững kỹ thuật, gia đình ông Tùng mở rộng thêm diện tích trồng quýt hồng và trồng thêm 1ha quýt đường. Anh Trần Thanh Thảo, con trai ông Tùng cho hay 2 tháng trước Tết Mậu Tuất đã bán hơn 30 tấn trái quýt đường với giá 14.000 đồng/kg, thu lợi 440 triệu đồng. Riêng 3ha quýt hồng thu hoạch vào dịp cận Tết này cho 70 tấn trái, lợi nhuận 1,4 tỉ đồng.

"Quýt trên núi chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng. Từ khi bắt đầu đậu trái không xài thuốc trừ sâu nên trái luôn tươi, ngọt tự nhiên, lại để chưng được lâu ngày nên bán khá chạy", chị Nguyễn Thị Hiền, một thương lái mua quýt, cho hay.

Ông Châu Khon, Phó chủ tịch UBND xã An Hảo, khen ngợi gia đình ông Tùng đã biến đất núi đá cằn khô thành trang trại quýt hồng trù phú, lợi nhuận bạc tỉ. Vì vậy, mấy năm nay địa phương đã giới thiệu và cho nhân rộng mô hình này.

Gia đình ông Tùng thường cung cấp giống và sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân quanh vùng. Hiện đã có 30 hộ dân trên núi mạnh dạn cải tạo đất, tích trữ nước, lập vườn trồng quýt hồng, rồi trồng thêm quýt đường với tổng diện tích 40ha cho lợi nhuận khá cao.

"Lập vườn trồng quýt trên núi Cấm giúp đời sống bà con khấm khá hơn, đón Tết cũng sung túc", ông Khon hồ hởi nói.

Ông Trần Hiếu Thuận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên, cho biết núi Cấm cao hơn 700m, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ quanh năm nên quýt hồng trồng nơi đây có vị ngọt thanh đặc trưng.

"Tới đây ngành nông nghiệp phối hợp cùng Đại học An Giang, nhà khoa học khảo sát nghiên cứu hoàn thiện thêm mô hình, cho quy hoạch vùng chuyên canh quýt hồng, vừa phục vụ phát triển du lịch, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu quýt hồng núi Cấm", ông Thuận nói.

Thường khi nói đến quýt hồng thì ai cũng nghĩ đến địa danh Lai Vung (Đồng Tháp). Nay quýt hồng được trồng trên núi Cấm ở An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) từ nguồn giống quýt hồng Lai Vung.

Quýt hồng có giá trị rất lớn về dinh dưỡng cho người tiêu dùng, đặc biệt về màu sắc may mắn để chưng mấy ngày Tết. Giống quýt hồng từ vùng đồng bằng đưa lên vùng núi để trồng thì lại càng cho chất lượng cao, lợi ích kinh tế tốt hơn cây trồng khác, làm đa dạng sản xuất và lại còn tạo cảnh quan thu hút du lịch. Từ đó, sản phẩm địa phương quýt hồng càng được tôn vinh hơn.

Điều này nói lên năng lực và tính nhạy bén của nông dân ĐBSCL trong việc nâng cấp các sản phẩm bản địa như quýt hồng lên tầm cao mới theo nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Đây cũng là một biểu hiện phát triển nông nghiệp bền vững thông qua phát triển sản phẩm bản địa như quýt hồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh

(Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL)

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên