Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc bức xúc trước tình trạng không ít người lái ô tô và xe máy vô tư bật đèn pha, đèn trợ sáng rọi thẳng vào mặt người đi chiều ngược lại.
Cứ lên xe là mở hết đèn, chỉ muốn mình sáng nhất
Theo bạn đọc Na, đây là vấn đề gây nhức nhối, âm ỉ bao lâu nay, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho nhiều người.
Tài khoản L.H. cho biết: "Nhiều người còn không phân biệt được thế nào là đèn cốt (chiếu gần) và đèn pha (chiếu xa) và phải sử dụng trong trường hợp nào. Cứ lên xe có bao nhiêu đèn mở hết lên, xe đối diện có đá đèn để nhắc hạ pha họ cũng không hiểu".
Độc giả Nguyen Loc chia sẻ: "Thực sự nó rất hại mắt người đối diện. Tệ hơn nữa, người đi đối diện không thể nhìn được phía trước, nguy cơ tai nạn cực cao".
"Nhiều lần đang chạy mà bị bên ngược chiều chiếu đèn pha là phải nhắm tịt mắt lại, nguy hiểm hết sức" - bạn đọc Phúc kể.
Bạn đọc Thanh Danh bức xúc: "Lái xe trong nội đô mà sử dụng đèn vô tội vạ. Lại còn gắn thêm đèn bên chỗ tay lái mặc dù đã mở đèn pha chính rồi".
"Không những thế, họ còn tự ý độ chế thêm đèn LED pha chiếu sáng rất phản cảm và chói mắt. Khi muốn đi nhanh thì họ bật pha, cho dù là cùng chiều hay ngược chiều đều ảnh hưởng bởi ánh sáng khó chịu này" - độc giả Duy Nguyen bình luận.
Cùng nỗi bức xúc, bạn đọc Nguyễn Trọng Thủy viết: "Những ai đi quốc lộ mới ức chế với các xe gắn đèn LED đi ngược chiều, đặc biệt với xe tải và xe khách gắn nguyên một dải đèn LED ở trên cao và chiếu thẳng vào xe đối diện".
Tài khoản Dunh ngán ngẩm: "Không biết các trường dạy lái xe có dạy văn hóa sử dụng đèn không, chứ tôi thấy nhiều người không biết sử dụng pha - cốt khi nào, chỉ muốn mình là sáng nhất!".
Theo một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại TP.HCM: "Khi đào tạo lái xe, ở phần lý thuyết hay thực hành, giáo viên thường nhắc nhở học viên cách sử dụng đèn sao cho đúng quy định. Vì thế, việc nhiều người cố tình bật đèn pha khi lái xe trong nội đô thuộc về ý thức chấp hành luật giao thông quá kém".
Bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe
Luật gia Phạm Văn Chung cho biết mặc dù pháp luật quy định khá rõ ràng, cụ thể việc sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị nhưng dường như việc xử lý đối với hành vi này chưa nghiêm, chưa triệt để.
Theo quy định tại khoản 12 điều 8, khoản 3 điều 17 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì không được bật đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư và khi tránh xe ngược chiều.
Nếu vi phạm, người lái ô tô và các loại xe tương tự ô tô bị phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng. Đối với xe máy (mô tô) (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự: phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Về việc sử dụng đèn tăng sáng, trợ sáng, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật Giao thông đường bộ, chủ xe không được tự thay đổi kết cấu, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị xử phạt bổ sung như: bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; bị tịch thu đèn lắp thêm.
Đối với người lái mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) mà xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế; lái xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe thì bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Hành vi lắp thêm đèn LED xe máy có thể được xem như là tự ý thay đổi đặc tính của xe. Chủ xe đã tháo bỏ đèn theo xe (hoặc giữ nguyên đèn của nhà sản xuất) rồi lắp thêm đèn LED mới vào xe.
Chủ xe là tổ chức tự ý thay đổi đặc tính của xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
"Thời gian tới cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm, thật nặng lỗi này bởi hành vi chiếu đèn pha vào người khác rất nguy hiểm. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn thương tâm trong khu vực đô thị vào ban đêm.
Đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra các vụ xích mích, xô xát đánh nhau gây thương tích, thậm chí chết người vì người bị pha đèn rất khó chịu dẫn đến nóng giận, làm mất bình tĩnh" - luật gia Phạm Văn Chung nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận