17/02/2019 10:43 GMT+7

Cần mạnh tay xử xe gắn đèn Led

SƠN ĐỊNH
SƠN ĐỊNH

TTO - Gần đây tình trạng ôtô, xe máy khi lưu thông đã sử dụng đèn Led có độ sáng mạnh khiến người đi đường lóa mắt dẫn đến mất phương hướng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Cần mạnh tay xử xe gắn đèn Led - Ảnh 1.

Một ôtô “độ” đèn chiếu sáng ở phía trước và cả biển số - Ảnh: H.M.

Tuy nhiên, việc xử lý những trường hợp này hiện đang xảy ra nhiều bất cập. 

Bởi hiện nay việc "độ", "chế" đèn Led gắn đèn trước ôtô (đèn chính) lại không quy định trong nghị định về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt". Do vậy khi kiểm tra, phát hiện, CSGT cũng chỉ có cách yêu cầu tháo gỡ mà thôi.

Đủ kiểu "độ", "chế"

Anh Phan Văn Hùng - một tài xế ở TP.HCM, thường lái xe đi lại trên các quốc lộ 1, quốc lộ 20 - nói: "Tôi biết Cục Đăng kiểm VN đã quy định phải xử lý xe có cường độ chiếu sáng lớn sai quy định nhưng gần đây đi trên đường, tôi thấy lượng xe gắn đèn Led ngày càng nhiều. Có lẽ ít bị xử lý nên nhiều xe mới tồn tại như vậy".

Theo anh Hùng, không chỉ ôtô, xe máy mà trên quốc lộ anh còn thấy có cả xe tải ben gắn đèn Led trước cabin. 

Khi bóp còi xin đường thì đèn Led nháy theo khiến người điều khiển xe ở chiều ngược lại rất chói mắt. Anh Hùng còn cho biết tình trạng "độ", "chế" đèn Led cũng đủ kiểu.

"Hiện xe khách giường nằm hay gắn đèn Led phía trước cabin. Họ thường đấu mạch với công tắc nháy đèn xin đường, nên khi họ bật công tắc xin đường để vượt thì đèn chói vào xe đi chiều ngược lại rất nguy hiểm. 

Còn xe máy thì họ thay trực tiếp đèn chiếu sáng phía đuôi xe bằng đèn Led, nên chỉ cần chạy ban đêm bật đèn lên là sáng chóa cả một vùng khiến các xe lưu thông cùng chiều phía sau rất chói mắt, dễ xảy ra tai nạn" - anh Hùng nói.

Tương tự, anh Dũng - một tài xế ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) am hiểu về chuyện "độ" đèn Led của nhà xe - cho biết: "Đèn Led tiết kiệm điện, phát sinh nhiệt nên thường dùng để trang trí. Vậy mà xe tải, xe khách rồi xe bảy chỗ, bốn chỗ cũng độ, chế rất nhiều. 

Thậm chí có xe đời thấp, thay bóng cũ phía trước bằng cách không cần thay chóa đèn mà chỉ thay bóng, sau đó lấy đèn Led độ, chế dán lên. Điều này rất dễ gây cháy...".

Cần mạnh tay xử xe gắn đèn Led - Ảnh 2.

Xe máy gắn đèn LED sáng lóa khiến các xe lưu thông cùng chiều phía sau rất chói mắt, dễ xảy ra tai nạn - Ảnh: V.LAM

Gắn sau phạt được, gắn trước thì không

Thiếu tá Võ Ngọc Vương, đội trưởng đội cảnh sát trật tự - giao thông TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho hay thực tế trên địa bàn từng xảy ra các vụ gắn đèn Led gây khó chịu, nguy hiểm cho người đi đường nên lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử phạt. 

"Trong mấy tháng cuối năm 2018, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt 26 trường hợp xe ôtô về hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng phía sau xe. Từng có trường hợp bị xử phạt 900.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe 60 ngày".

Tuy nhiên, thiếu tá Vương cũng cho hay hiện nay tình trạng "độ", "chế" đèn Led phía trước xe ôtô (đèn chính) lại không được quy định trong nghị định về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt". Do vậy, khi kiểm tra, phát hiện tài xế gắn đèn Led, lực lượng chỉ yêu cầu tháo gỡ.

Đội tuần tra kiểm soát giao thông quốc lộ 20 thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho hay có tình trạng ôtô sử dụng đèn Led phía trước nhưng theo quy định hiện hành không xử lý được. 

"Họ độ thêm đèn Led cỡ 2 ngón tay ở trước cabin xe. Khi tài xế cho xe vượt, họ "đá" đèn thì đèn Led chớp lên. Những trường hợp gắn thêm đèn Led như vậy, chúng tôi phát hiện thì yêu cầu họ phải tháo gỡ chứ không thể xử phạt được" - một lãnh đạo đội này giải thích thêm.

Luật còn hở

Vậy liệu có biện pháp nào để xử lý tình trạng "độ", "chế" đèn Led như hiện nay? Lãnh đạo một đơn vị đăng kiểm ở tỉnh Đồng Nai cho biết tháng 10-2018, Cục Đăng kiểm VN từng có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra các phương tiện sử dụng đèn phía trước có cường độ lớn. 

Cụ thể, các đơn vị phải từ chối đăng kiểm các xe gắn thêm thiết bị điện, gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, đèn chiếu sáng phía sau không đúng thiết kế của nhà sản xuất. 

Theo vị này, dù đưa ra biện pháp như vậy nhưng thiết bị được nhà xe gắn thêm thường không gắn cố định. 

Họ vào đăng kiểm biết chụp hình lưu lại nên hầu như tháo hết những đồ "độ", "chế" như tivi, đèn...; còn đăng kiểm chỉ xác nhận vào thời điểm xe vào kiểm tra nên khi họ tháo đèn rồi không có cơ sở từ chối đăng kiểm.

Vị này hiến kế: "Chỉ cần các lực lượng có trách nhiệm ở từng địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý và cung cấp danh sách, yêu cầu đơn vị đăng kiểm dừng đăng kiểm đối với các xe gắn đèn Led. 

Mặt khác, danh sách này phải được sở GTVT cảnh báo đến các bến xe, hợp tác xã không cho xuất bến hoặc rút phù hiệu kinh doanh vận tải. 

Xử lý từ gốc như từng cân xe chở đá, chở hàng để chống quá tải trước khi xuất bến bãi. Làm như vậy mới đủ sức răn đe".

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Tiến Dũng - Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, các sai phạm này vẫn có thể xử được. 

Cụ thể, tại điểm a, khoản 3, điều 16 nghị định số 46/2016/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt" có quy định phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe. 

Ngoài ra, điều 16 còn quy định tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá quy định.

Cũng theo luật sư Dũng, dù nghị định 46/2016 chưa quy định xử phạt lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước nhưng Luật giao thông đường bộ đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

"Vì vậy, trước tình trạng tai nạn giao thông hiện nay, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, căn cứ theo luật buộc chủ phương tiện đó phải tháo bỏ, tịch thu nếu không chấp hành. 

Khi các quy định pháp luật còn hở, lỏng lẻo thì nhanh chóng kiến nghị để sửa đổi, bổ sung" - luật sư Trương Tiến Dũng nói.

Từng chỉ đạo xử lý ôtô lắp đặt thêm đèn

Ngày 26-10-2018, ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - đã ký văn bản yêu cầu xử lý tình trạng "phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ sai quy định".

Theo đó, Cục Đăng kiểm cũng đã yêu cầu các đơn vị đăng kiểm kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với các phương tiện có lắp đặt thêm thiết bị điện, hoặc gắn đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất...

Nguy cơ tai nạn giao thông và cháy nổ

Theo anh Nguyễn Minh Dân - chủ gara ôtô Nguyễn Dân (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức, TP.HCM), cường độ chiếu sáng của đèn LED rất mạnh, làm cho người đi chiều ngược lại bị lóa mắt dẫn đến mất phương hướng.

Vì vậy, việc gắn đèn LED lên ôtô, xe máy để tăng độ sáng sẽ tiềm ẩn những tai nạn giao thông khó lường.

Cũng theo anh Dân, đèn này có tầm chiếu sáng gấp 3-4 lần đèn xe bình thường.

Chưa kể đây là loại đèn "độ" giá rẻ của Trung Quốc được bán trôi nổi trên thị trường không bảo hành, không bảo đảm nguồn gốc nên khi gắn vào xe có thể xảy ra nhiều tai nạn khác như gây chập điện, cháy xe.

Các cơ quan đăng kiểm, CSGT cần phải mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp này để tránh những hậu quả khó lường có thể xảy ra.

V.LAM

SƠN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên