30/01/2022 06:45 GMT+7

COVID-19 thế giới 30-1: Đỉnh dịch do Omicron qua nhanh ở Mỹ

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Các tiểu bang của Mỹ từng ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng vọt vào cuối tháng 12-2021, tức vài tuần sau khi ca Omicron tăng đột biến ở New York, dường như đang 'bước qua khúc ngoặt', với số ca nhiễm mới hiện tại đã bắt đầu giảm.

COVID-19 thế giới 30-1: Đỉnh dịch do Omicron qua nhanh ở Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu trước truyền thông vào hôm 20-1, tức 2 ngày trước khi tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 - Ảnh: AP

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cách ly

Cuối ngày 29-1, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà đang tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với một người mắc COVID-19. Theo báo The New Zealand Herald, người này là tiếp viên hàng không, có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron.

Vụ việc xảy ra trên chuyến bay từ thị trấn Kerikeri đến Auckland (thành phố lớn nhất New Zealand) vào ngày 22-1. Bà Cindy Kiro, toàn quyền New Zealand, có mặt trên chuyến bay này và cũng đã bị cách ly.

"Thủ tướng Jacinda Ardern không có triệu chứng và đang cảm thấy khỏe mạnh. Theo lời khuyên của Bộ Y tế New Zealand, Thủ tướng sẽ được cách ly đến thứ ba (1-2)" - văn phòng của bà Jacinda Ardern cho biết.

Tín hiệu tích cực ở Mỹ

Theo báo New York Times, các tiểu bang của Mỹ từng ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng vọt vào cuối tháng 12 - vài tuần sau khi ca Omicron tăng đột biến ở các bang như New York - dường như đang "bước qua khúc ngoặt", với số ca nhiễm mới hiện tại đã bắt đầu giảm.

Nếu xu hướng này được duy trì, đây sẽ là một tín hiệu đáng khích lệ cho thấy Mỹ có thể đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng Omicron.

Tại bang Arizona, số ca nhiễm trung bình hằng ngày trong giai đoạn 7 ngày đã giảm từ mức cao nhất là 20.778 vào ngày 24-1 xuống 18.208 ca vào 28-1, giảm khoảng 12% trong 5 ngày.

Trong khi đó số ca nhiễm ở bang Utah đã giảm 35%, còn ở bang Mississippi giảm 25% kể từ khi đạt mức cao nhất vào ngày 19-1. Số ca nhiễm ở North Dakota đã giảm 19% kể từ mức cao nhất ghi nhận vào ngày 22-1.

Các bang từng ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng vọt trước những bang nói trên cũng đã ghi nhận xu hướng giảm ca nhiễm tương tự sau đó. Các bang này đi theo mô hình tương tự như Nam Phi - nơi biến thể Omicron xác định vào tháng 11-2021 và số ca nhiễm đã giảm mạnh so với mức đỉnh ghi nhận vào giữa tháng 12-2021.

COVID-19 thế giới 30-1: Đỉnh dịch do Omicron qua nhanh ở Mỹ - Ảnh 2.

Một địa điểm xét nghiệm di động miễn phí ở Los Angeles, bang California, Mỹ vào ngày 29-1 - Ảnh: REUTERS

Số ca mắc COVID-19 nặng ở Israel vượt 1.000

Theo số liệu được Bộ Y tế Israel công bố hôm 29-1, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 triệu chứng nặng ở Israel đã vượt qua con số 1.000 ca lần đầu tiên kể từ tháng 2-2021.

Cụ thể, thêm 169 ca bệnh nghiêm trọng mới nhập viện vào hôm 29-1, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng ở nước này lên 1.010 ca.

Trong khi số ca bệnh nặng tăng lên, thì các chỉ số khác cho thấy làn sóng Omicron ở nước này đang bắt đầu suy giảm.

Phát biểu trên kênh tin tức Channel 12, giáo sư Eran Segal đến từ Viện Weizmann dự đoán số ca bệnh nghiêm trọng ở Israel có thể lên tới mức 1.150 trước khi bắt đầu giảm.

Đối phó Omicron: Indonesia tập trung điều trị tại nhà

Ngày 29-1, báo The Star đưa tin Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên điều trị tại nhà và điều trị từ xa cho bệnh nhân COVID-19 nhằm ngăn chặn hệ thống y tế sụp đổ, trong bối cảnh số ca bệnh COVID-19 bắt đầu gia tăng trên khắp nước này, một phần do biến thể Omicron.

Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ nước này đã chuẩn bị một loạt biện pháp, bao gồm tăng cường các dịch vụ y tế từ xa, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

"Không phải tất cả ca nhiễm biến thể Omicron đều cần đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp, vì biến thể này thường ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng nhất là giảm thiểu các cuộc tiếp xúc để ngăn chặn virus lây lan thêm" - ông Widodo nói.

Tổng thống Indonesia nói thêm những bệnh nhân không có triệu chứng được phép tự cách ly tại nhà trong 5 ngày và những người có các triệu chứng như ho hoặc sốt có thể tiếp cận các dịch vụ y tế từ xa hoặc đến trung tâm y tế cộng đồng (Puskesmas) gần nhất.

"Nhờ đó gánh nặng cho các cơ sở y tế, từ Puskesmas đến bệnh viện, có thể được giảm bớt. Điều này rất quan trọng vì các cơ sở y tế của Indonesia có thể tập trung vào việc điều trị cho những bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn hoặc những bệnh nhân mắc các bệnh khác cần được chăm sóc đặc biệt" - Tổng thống Widodo nói.

Nhà chức trách Indonesia dự báo làn sóng dịch thứ 3 ở nước này sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.

Nga lần đầu ghi nhận hơn 100.000 ca COVID-19 một ngày Nga lần đầu ghi nhận hơn 100.000 ca COVID-19 một ngày

TTO - Trong hơn 100.000 ca COVID-19 mới công bố ngày 29-1 tại Nga, ca bệnh liên quan biến thể Omicron chiếm phần lớn.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên