06/02/2023 13:37 GMT+7

Công xưởng hạnh phúc

Sau Tết, khi nhiều doanh nghiệp chật vật tuyển dụng, giữ chân người lao động, còn tại những công xưởng trực thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị người lao động đã trở lại làm việc. Không khí vào ca với nụ cười hạnh phúc.

Công xưởng hạnh phúc - Ảnh 1.

Sau khi tan ca ở Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ, các công nhân tự nguyện tập trung “làm thêm” ở khu gieo mạ chuyển lên xe đưa ra đồng

Tôi vẫn mong mọi nhà máy, công xưởng của mình chỉ số hạnh phúc sẽ tăng theo thời gian.
Ông HỒ XUÂN HIẾU

"Tôi hạnh phúc với nơi làm việc của mình. Tôi sẽ ở đây làm mãi, không đi tới công ty nào khác mô, mà chắc cũng không chỗ nào tốt hơn ở công ty này", chị Nguyễn Thị Tuyên, công nhân Nhà máy chế biến nông sản (thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị), nói.

Niềm vui năm cũ, động lực năm mới

Chị Tuyên làm việc ở Nhà máy chế biến nông sản đã 12 năm, chừng ấy thời gian đủ để chị nhìn thấy những thăng trầm của một doanh nghiệp tỉnh lẻ. Chị Tuyên kể mỗi dịp cuối năm công ty tổ chức họp, anh em lại hồi hộp.

"Một năm cố gắng làm việc, chỉ mong cuối năm thấy thành quả của mình đóng góp tạo thêm sự phát triển cho công ty. Năm rồi, nghe công ty kinh doanh tốt, anh em dưới nhà máy vui lắm", chị Tuyên tâm sự.

Chị Tuyên có cuộc sống gia đình khó khăn, ba người con đang tuổi ăn học chỉ dựa vào đồng lương của chị và việc làm thời vụ của chồng. Trước Tết, chị Tuyên nghĩ sẽ "ăn Tết nhỏ" nhưng rồi công ty kinh doanh tốt, chị được thưởng Tết 25 triệu đồng.

"Năm nay nhà tôi có Tết đủ đầy, tôi cũng thoải mái chi tiêu, mua thêm quần áo mới cho các con. Với người lao động phổ thông như tôi, thưởng Tết 25 triệu đồng là quá lớn", chị Tuyên tâm tình.

Mùng 6 Tết, toàn bộ đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đồng loạt trở lại làm việc. Hơn 500 lao động, chỉ có một người nghỉ việc vì... sắp sinh. Còn lại tất cả đều đến công xưởng đúng giờ và bước vào công việc.

Mang niềm vui của năm cũ vào không khí lao động cho năm mới. Ở nhà máy chế biến nông sản, người lao động tỏa đi đến vị trí làm việc của mình, chẳng cần ai kiểm tra, đốc thúc, người lao động vui vẻ bước vào công xưởng làm công việc của mình.

Ở đây, Tết đã lùi đi, chỉ còn tiếng động cơ và tiếng những người công nhân gọi nhau xử lý nông sản vừa nhập kho, chuyển vào nơi sản xuất.

Anh Nguyễn Minh Duy là lao động trẻ, dù được giao nhiệm vụ vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất qua kho để xe tải đến chuyển đi tiêu thụ, nhưng anh Duy vẫn chung tay vào làm những việc không phải của mình.

Anh Duy tâm sự rằng nhiều bạn bè của anh làm ở các doanh nghiệp khác về quê đón Tết bảo chỉ được thưởng Tết "tượng trưng". Số tiền thưởng 25 triệu đồng mà anh Duy nhận được ngang bằng với tất cả người lao động từ giám đốc đến bảo vệ ở Tổng công ty Thương mại Quảng Trị là niềm mong ước của nhiều bạn bè.

"Tết vừa rồi, bạn bè tôi làm việc ở Đà Nẵng, TP.HCM về quê đón Tết gặp trò chuyện, đứa nào cũng ước được làm việc ở công ty mà lãnh đạo ghi nhận đóng góp của công nhân như vậy", anh Duy tâm tình.

Anh bảo rằng từ khi vào làm sau Tết, từng vị trí công việc đều cố gắng làm việc, mong đóng góp nhiều hơn cho công ty. Bởi công ty phát triển, cuộc sống của toàn lao động cũng sẽ tốt hơn. Anh Duy thấy mình thật sự là một phần của công ty và những người lao động như anh đều có trách nhiệm cao nhất.

"Mức lương công nhân nhận được từ nhà máy là 7-10 triệu đồng. Tôi hy vọng năm nay mức lương, thưởng sẽ được công ty tăng thêm. Muốn vậy, phải tích cực làm việc để công ty ngày càng phát triển.

Niềm vui năm cũ là động lực của năm mới, tôi cảm thấy lãnh đạo công ty đã ghi nhận công sức của anh em. Đi làm gặp được người chủ quan tâm, cũng giống như khi còn nhỏ gặp người thầy tốt dạy mình vậy", anh Duy chia sẻ.

Công xưởng hạnh phúc - Ảnh 3.

Chị Quỳnh (trái) và chị Hà (phó giám đốc Nhà máy viên năng lượngCam Lộ), ở đây chỉ có vị trí làm việc khác nhau, còn lại không phânbiệt cấp dưới, cấp trên - Ảnh: T.MAI

Chìa khóa là sự thấu hiểu sẻ chia

Ông Hồ Xuân Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, bảo rằng sau Tết lãnh đạo công ty chỉ tập trung gặp gỡ đối tác, khách hàng. Việc lao động ở các đơn vị thành viên đều vận hành trơn tru mà chẳng cần có sự giám sát của lãnh đạo công ty, ý thức của mỗi người rất cao.

"Không chỉ bây giờ mà nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng doanh nghiệp của mình như một ngôi nhà chung. Mỗi vị trí có đóng góp khác nhau và đều được ghi nhận. Thậm chí tất cả người lao động tôi đều nắm rõ hoàn cảnh, kịp thời động viên, hỗ trợ khi công nhân của mình gặp khó khăn.

Chúng tôi cũng minh bạch doanh thu, lợi nhuận của công ty cho tất cả anh em biết. Lợi nhuận cao, chắc chắn đời sống của hơn 500 nhân viên đều tăng lên. Ở đây không ai nằm ngoài sự phát triển của doanh nghiệp cả", ông Hiếu nói.

Từ Khu công nghiệp Nam Đông Hà ngược về huyện Cam Lộ, nơi Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ "đóng đô", dù đã quá 17h, nhiều người lao động vẫn nán lại nhà máy làm việc. Chị Hồ Thị Ngọc Hà, phó giám đốc nhà máy, đi dạo quanh khuôn viên, nở nụ cười với các công nhân còn nán lại làm việc.

Gặp chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (39 tuổi), công nhân vệ sinh đang lúi húi quét dọn, chị Hà hỏi: "Sao chưa về lo cho mấy cháu đi chị, việc còn để mai làm". Đáp lại chị Quỳnh nói: "Tính về rồi mà mới có xe vào đổ dăm nên dọn lại cho sạch để mai lại bẩn".

Chị Quỳnh có cuộc đời buồn, chồng chị qua đời sau một vụ tai nạn để lại ba người con, lớn nhất bước vào đại học, nhỏ nhất mới 5 tuổi. Từ ngày chồng qua đời, người phụ nữ nghèo không đơn độc gồng gánh nuôi con mà luôn có sự quan tâm của công ty.

Hai đứa con nhỏ của chị trở thành con nuôi của công đoàn, nhận tiền hỗ trợ mỗi tháng để các cháu ăn học. Chị Quỳnh bảo: "Tôi rất hạnh phúc khi làm việc ở đây. Tết rồi, nhận tiền thưởng nhiều, ngoài lo Tết đủ đầy còn lo tiền học cho các con. Tôi mừng lắm".

Chúng tôi gặp lại người công nhân nghèo Nguyễn Thị Tuyên (nhân vật trong bài viết "Tử tế gặp nhau - Tuổi Trẻ ngày 26-12-2022) khi chị đang lúi húi ôm từng cuộn mạ non bỏ lên xe tải chở ra đồng.

Chị Tuyên nở nụ cười hiền lành bảo rằng công ty đã thưởng cho hành động "nhặt được vàng trả lại người mất" của mình bằng một số tiền sửa chữa lại ngôi nhà ọp ẹp của mình. Hiện tại căn nhà vẫn chưa làm, chị Tuyên bảo với sự động viên của lãnh đạo công ty, chị sẽ vay thêm tiền để làm một căn nhà mới khang trang hơn.

Dù là công nhân nhà máy chế biến viên năng lượng, nhưng tan ca chị Tuyên cùng nhiều công nhân khác vẫn nán lại công ty phụ giúp các công nhân trồng lúa hữu cơ chuyển mạ. Chị Tuyên bảo ở đây mọi người không làm việc theo giờ, hay phần công việc được phân công mà thấy việc gì cần thì xúm vào làm.

Tiếng cười nói vang vọng giữa những luống mạ xanh rờn có lẽ là thước đo đủ đầy nhất về "sự hạnh phúc". Những công nhân đã trích giờ cá nhân cho công ty dù chẳng ai yêu cầu.

Chị Tuyên nói: "Ở đây ai cũng vậy, việc mình làm xong thì làm thêm những việc khác. Việc nào cũng của tổng công ty cả mà. Mỗi người một tay thì công ty sẽ phát triển hơn, công nhân tụi tôi cũng có thu nhập tăng lên".

Ông Hồ Xuân Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, bảo rằng sau Tết những công xưởng trở lại làm việc. Từ bác bảo vệ đến công nhân, lãnh đạo công ty đều hạnh phúc là thành công lớn nhất của tổng công ty.

"Tôi hy vọng năm nay thu nhập của công ty sẽ tăng hơn nữa, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ có thêm thu nhập.

Cảm ơn tất cả mọi người đã tận lực làm việc, nếu không có sự đồng lòng ấy công ty không thể vượt qua những khó khăn của dịch bệnh và trong dịch vẫn sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả được. Tôi khẳng định thành công của công ty là thành quả mà tất cả lao động sẽ nhận", ông Hiếu nói thêm.

5 "hiệp sĩ" trẻ vớt rác kênh rạch5 'hiệp sĩ' trẻ vớt rác kênh rạch

Rác thải lấp đầy mặt kênh, mùi hôi thối khiến chúng tôi xây xẩm mặt mày. Vậy mà năm 'hiệp sĩ' trẻ sau giờ làm việc là lội bùn đi vớt rác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên