Nhiều nhân sự thuộc các công ty chứng khoán ở Hà Nội vẫn đang chờ giấy đi đường. Trong ảnh là một nhà đầu tư đang theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
Cho đến chiều tối 7-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo của nhiều công ty chứng khoán ở Hà Nội vẫn than chưa nhận được giấy đi đường. Trong khi đó, ngay 6h sáng mai, các chốt kiểm soát của TP Hà Nội sẽ kiểm soát người và phương tiện ra vào TP, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới.
"Bên mình đang chờ phường duyệt và cấp giấy đi đường, nhưng bao giờ có thì chưa biết. Nếu ngày mai ra đường, gặp nhiều chốt chặn, mình đưa giấy đi đường cũ ra, nói giấy mới chưa được cấp, còn bị phạt thì chấp nhận thôi. Không ai muốn đi ra đường, phải làm việc mới đi thôi", bà H. (giám đốc truyền thông một công ty chứng khoán) bày tỏ.
Ông Th. (lãnh đạo một công ty chứng khoán) cho biết ông gặp trở ngại trong việc cấp giấy phép di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
"Cơ quan tôi ở quận Hoàn Kiếm - vùng 1, nhiều nhân sự cùng vùng đã được cấp mã QR. Nhưng tôi ở huyện Đông Anh - vùng 2, đến giờ vẫn chưa được cấp giấy đi đường. Rắc rối trong cấp giấy đi đường ảnh hưởng đến công việc của nhiều người. Tôi không được đến văn phòng nên ảnh hưởng đến công tác xử lý - các giấy tờ cần ký tên, đóng dấu...", ông Th. chia sẻ.
Trước đó, UBND TP Hà Nội phân 3 vùng phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện từ 6h ngày 6-9 đến 6h ngày 21-9-2021.
Vào tối 5-9, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - đã ký công văn số 5095 gửi Công an TP Hà Nội phản ánh về việc doanh nghiệp ngành chứng khoán vẫn chưa được cấp giấy đi đường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết đang phối hợp với Công an Hà Nội thực hiện các công việc liên quan đến cấp giấy đi đường cho các công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ, thành viên lưu ký, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội.
"Để đảm bảo cho các công ty thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thị trường chứng khoán được hoạt động liên tục, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kính đề nghị Công an TP Hà Nội chấp thuận cho các công ty được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo quy định mới", công văn do phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ký đã nêu rõ.
Ngay từ tháng 3-2020, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đưa hoạt động ngành chứng khoán vào danh mục ngành, nghề thiết yếu.
Việt Nam có 39 doanh nghiệp vốn hóa tỉ đô
Tính đến giữa năm 2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.838 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 29% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hôm nay (7-9) Việt Nam đã có 39 doanh nghiệp niêm yết sở hữu vốn hóa trên 1 tỉ USD sau hơn hai thập kỷ thị trường chứng khoán hoạt động. Trong đó Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) là 3 doanh nghiệp nằm trong "câu lạc bộ" vốn hóa trên 10 tỉ USD.
Trước đó, vào lễ kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) phát biểu, thị trường chứng khoán là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận