Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các địa phương phía Nam vào chiều 24-6 để giải quyết vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, trong đó chủ yếu là vấn đề thiếu nguồn cát lấp.
Phải đủ cát cho những dự án, công trình trọng điểm
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, khó khăn do thiếu cát san lấp ở các dự án, công trình trọng điểm quốc gia tại khu vực phía Nam có trách nhiệm của trung ương và các địa phương.
"Do đó, từ trung ương đến địa phương sẽ linh hoạt, linh động để xử lý các vướng mắc hiện nay. Các bộ, ngành và địa phương cần phải có trách nhiệm cụ thể đối với vấn đề cung cấp cát phục vụ các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực", ông Hà nhấn mạnh.
Phó thủ tướng giao Bộ GTVT phải khẩn trương hướng dẫn chi tiết việc điều tiết các mỏ cát "cho vay", "hoàn trả" để đáp ứng tiến độ các dự án cao tốc, không làm thay đổi tổng nguồn cát đã phân bổ cho các địa phương. Các nhà thầu phải cập nhật đầy đủ hồ sơ khảo sát xây dựng để bổ sung những mỏ cát "cho vay", "hoàn trả".
Bộ TN-MT cũng được Phó thủ tướng yêu cầu lập các tổ công tác hướng dẫn Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang trình tự thủ tục về nâng công suất khai thác, quyết định thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác lại mỏ cát sông; hoàn thành việc giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng theo đúng thời hạn.
Ngoài ra, ông Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ GTVT chính thức có văn bản công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ lý, công nghệ, vật liệu đi kèm... khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết 16 dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam đang thiếu khoảng 65 triệu m3 cát. Thời gian qua, các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp đã bàn giao một số mỏ cát theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ các dự án cao tốc tại khu vực ĐBSCL nhưng vẫn chưa đủ.
"Nguồn cát tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long còn nhiều vướng mắc nên chưa khai thác được. Phía chủ đầu tư trực tiếp làm việc và địa phương có quyết định phê duyệt nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa thể cung cấp cho các dự án để đảm bảo tiến độ", ông Lâm nêu.
Ưu tiên cát cho dự án đường vành đai 3
Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m3.
Đến nay, Vĩnh Long và Tiền Giang đã thống nhất cấp cho TP.HCM tổng cộng hơn 3 triệu m3 tính đến cuối năm 2024. Riêng Bến Tre sẽ bắt đầu cung cấp với số lượng 2 triệu m3 vào cuối năm 2024.
"Để xử lý nguồn cát thiếu, một số nhà thầu đã mua cát Campuchia. Phương án này TP.HCM ủng hộ, mặc dù có thể sẽ phải chi bù chênh lệch giá, bởi phương pháp này về lâu dài có thể hạn chế tài nguyên cát trong nước. Với khả năng cung cấp cát của ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ đạt tiến độ", ông Mãi nói.
Trước yêu cầu của Phó thủ tướng báo cáo về việc cung cấp nguồn cát san lấp cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM vốn đang rất khó khăn, ông Phạm Văn Trọng - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết sau nhiều lần làm việc với các sở và đơn vị liên quan, có thể khai thác 17 trên tổng số 31 mỏ để phục vụ cho dự án này.
UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết đang tổ chức đấu giá quyền khai thác sáu mỏ cát với trữ lượng hơn 10 triệu m3. Số cát này sẽ ưu tiên giao cho TP.HCM để thực hiện dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Theo kế hoạch, Bến Tre sẽ tổ chức đấu giá trong tháng 8-2024 và đưa vào khai thác ba mỏ trong quý 4-2024. Đến quý 1-2025 sẽ khai thác ba mỏ còn lại.
Đối với 2 triệu m3 cát giao cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM trong năm 2024, Bến Tre cho biết sau khi chọn được đơn vị trúng đấu giá sẽ trao đổi ưu tiên cung cấp cát phục vụ cho công trình này. Tuy nhiên ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ tỉnh thực hiện điều chỉnh công suất khai thác cát trong quy hoạch, tiêu chí lựa chọn nhà thầu khai thác mỏ cát...
Trong khi đó, ông Lâm Văn Mẫn - bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết địa phương này luôn sẵn sàng làm việc cụ thể với UBND TP.HCM trong trường hợp sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.
Dự kiến nguồn cát sông và cát thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng sông tại ĐBSCL khoảng 66 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang dự kiến còn khoảng 4,5 triệu m3.
Tiền Giang còn trữ lượng khoảng 41,8 triệu m3 (chưa cấp phép 21,9 triệu m3; 20 mỏ đã cấp phép nhưng hết hạn là 19,9 triệu m3). Bến Tre còn trữ lượng khoảng 25,36 triệu m3 (trong đó có 10 triệu m3 thu hồi từ nạo vét sông Ba Lai; 15,36 triệu m3 từ các mỏ cát sông).
Được miễn kiểm tra chất lượng cát nhập
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh An Giang đã có văn bản chấp thuận cho một số doanh nghiệp nhập khẩu cát từ Công ty Chaktomuk (Campuchia) được miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với mặt hàng cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa có mã hàng hóa HS 2505.1000.
Điều kiện được miễn là doanh nghiệp phải có ba lần nhập khẩu liên tiếp, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các công ty nhập khẩu cát lớn như Navy Sand, Công ty cổ phần phát triển XNK Hải Minh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thành Nam Việt Nam... cũng đã được miễn kiểm tra trong thời hạn hai năm.
Các công ty này có trách nhiệm định kỳ ba tháng báo cáo tình hình nhập khẩu cát được miễn giảm kiểm tra, kèm theo kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng cho Sở Xây dựng tỉnh An Giang để theo dõi và thực hiện công tác hậu kiểm...
Cần giám sát chặt chất lượng cát san lấp
Trước thông tin cát san lấp công trình giao thông nhưng có vỏ ốc, vỏ sò, ruộng lúa cạnh công trình san lấp bị chết, nhiều chuyên gia khuyến cáo khi đưa cát san lấp vào công trình giao thông cần phải giám sát chặt, bóc tách từng lớp cát trên sà lan trước khi bơm.
"Bởi một số người làm ăn không chân chính đã pha trộn cát biển, sình rồi phả một lớp cát đẹp lên trên và đưa vào bơm cho công trình để hưởng lợi nhuận cao. Cho nên dù sử dụng cát Campuchia để san lấp cũng phải kiểm tra chặt chẽ, tránh gây nguy hại cho công trình", một chuyên gia nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận