Các quảng cáo mang tính độc hại, lừa đảo vẫn tồn tại trên cộng đồng mạng với nhiều hình thức đa dạng xen lẫn vào những nội dung vui vẻ, hài hước.
Không sập bẫy lừa đảo cũng gặp clip nhảm trên cộng đồng mạng
Cứ ngỡ sẽ giàu nhanh sau khi tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế, nhưng hậu quả là chị Bích Nga (TP.HCM) "bay" đi ba cuốn sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng tích cóp nhiều năm liền, kèm theo các khoản "nợ ngập đầu".
Mất niềm tin, trách mình nhưng mọi chuyện đã rồi, không biết chia sẻ với ai, chị Bích Nga lên mạng xem video giải trí để "trốn tránh cuộc đời".
Và tình cờ, khi chị đang xem video tóm tắt bộ phim tình cảm hay, bỗng nhiên xuất hiện quảng cáo về một công ty luật có thể lấy lại được tiền đã bị lừa làm chị tin tưởng.
"Họ cam kết lấy lại được khoảng 95% số tiền mình đã bị mất, chỉ lấy phí khoảng 3%. Mình mất ăn mất ngủ, người cứ thơ thẩn, bỗng dưng có bên nói giúp được, mình mừng quá, nóng lòng muốn lấy lại được tiền. Sau khi mình đóng tiền xong, họ kỳ kèo, cuối cùng mất liên lạc. Hết cú lừa này đến cú lừa kia", chị Nga chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều quảng cáo giả mạo cơ quan chức năng, công ty lớn, chuyên gia nổi tiếng cũng xuất hiện tràn lan trên Facebook. Trong khi đó, nhiều trang fanpage có lượng tương tác lớn, chuyên về tóm tắt phim, video hài hước... chèn nội dung quảng cáo bài bạc, lừa đảo vào hai phía trên, dưới hoặc bên trong video.
Song song đó, vẫn còn tồn tại tình trạng quảng cáo thương hiệu có tiếng xuất hiện trong các kênh YouTube có video giật tít câu view hoặc nội dung nhảm.
Điển hình như khi đang lướt YouTube, ngay khi mở đầu video "Vợ làm gái gọi gặp chồng đi chơi" của kênh Ghiền TV, lập tức xuất hiện quảng cáo của trang mua sắm Shein, tiếp đến là Hãng Traveloka chuyên đặt vé máy bay và phòng khách sạn.
Hay ở video có tựa đề "Thầy Thích Minh Tuệ gặp sự cố trên đường, lực lượng tìm đến làm điều này" của kênh "Đây đó Cần Thơ" xuất hiện quảng cáo nước mắm Thuận Phát và ứng dụng KPlus Vietnam (Ngân hàng KBank). Dù giật tít là "sự cố", nhưng theo nội video thì ông Thích Minh Tuệ bị giẫm phải gai ở chân.
Xử lý sai phạm "tài trợ" nội dung xấu
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp xử phạt các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tay cho việc quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật cũng như các nhãn hàng "tài trợ" cho các nội dung xấu, độc trên không gian mạng.
Chẳng hạn Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Inverse Media.
Lý do xử phạt là vì công ty này đã đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sữa Milo) vào kênh mạng xã hội YouTube Tin nóng 247 vào ngày 4-1-2024 có nội dung vi phạm pháp luật (xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam) được quy định theo Luật An ninh mạng.
Trong tháng 4-2024, cơ quan chức năng đã xử phạt Công ty TNHH truyền thông WPP (Công ty WPP) 55 triệu đồng, đồng thời buộc công ty này phải tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Cụ thể, công ty này đã cài đặt sản phẩm quảng cáo của hai nhãn hàng vào nội dung phim Flight to you (Hướng gió mà đi) phát trên YouTube, trong phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.
Chưa hết, Công ty WPP cũng thực hiện quảng cáo ba sản phẩm mỹ phẩm trên nền tảng mạng xã hội YouTube mà không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp phép.
Đây cũng là lần thứ tư Công ty WPP bị xử phạt hành chính vì những vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên không gian mạng Việt Nam. Trước đó trong năm 2023, công ty này đã ba lần bị cơ quan chức năng xử phạt.
Trước đó, tháng 11-2023 WPP bị phạt 35 triệu đồng vì hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam và Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam vào kênh YouTube có nội dung vi phạm pháp luật.
Tháng 8-2023, WPP bị xử phạt 25 triệu đồng cũng với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào kênh YouTube có nội dung vi phạm pháp luật, không tuân thủ quy định báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.
Và vào tháng 4-2023, với vi phạm đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật, WPP đã bị phạt 15 triệu đồng.
Như vậy tính đến nay, công ty này đã bốn lần vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên mạng với tổng số tiền bị xử phạt là 130 triệu đồng.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc quảng cáo trên môi trường mạng được nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lựa chọn. Bên cạnh nhiều ưu điểm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, Google.
Thực trạng cho thấy nhiều nhãn hàng, thương hiệu bị gắn vào các video có nội dung bạo lực, giật gân để câu view.
Việc những người viết nội dung số sử dụng những hình ảnh, xây dựng nội dung bạo lực, giật gân nhằm câu view để thu được nhiều tiền quảng cáo gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nếu tiếp cận với người xem là trẻ em thì có thể tạo cho trẻ em có suy nghĩ và lời nói không phù hợp với đạo đức.
Có thể bị phạt đến 100 triệu đồng
Theo quy định pháp luật, hành vi quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh... trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 40 - 60 đồng.
Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong dư luận; kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Nghị định 38/2022 quy định phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng khi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định...
Mất 14,7 tỉ đồng vì tin bạn... trên mạng
Như Tuổi Trẻ thông tin, bà Phạm Thị Thủy (47 tuổi, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã trình báo đến Công an tỉnh Quảng Ninh về việc bị lừa đảo số tiền hơn 14,7 tỉ đồng qua hình thức "nạp tiền" chung vào tài khoản của một người quen biết qua Facebook.
Khoảng tháng 3-2024, thông qua Facebook, bà Thủy quen biết một người đàn ông tự giới thiệu là Lê Hữu Nam (44 tuổi, quận 4, TP.HCM), tự nhận là kỹ sư phần mềm được mời sang Singapore để sửa chữa hệ thống, phần mềm casino.
Người này "tiết lộ" đã phát hiện lỗ hổng của trang web walkerhill-vip1.com (chuyên về các trò chơi có thưởng) nên có thể lợi dụng lỗ hổng này để kiếm tiền.
Lấy lý do đang ở nước ngoài nên không thể truy cập được vào tài khoản của mình, Nam nhờ đăng nhập giúp rồi chủ động chuyển khoản để bà Thủy nạp tiền hộ vào tài khoản "lenam1980".
Sau đó, Nam hướng dẫn bà tham gia các trò chơi trên trang web và kết quả luôn thắng tại những thời điểm mà người này chỉ dẫn. Khi thấy bà Thủy tin tưởng vào việc phát hiện lỗ hổng để có thể chơi "trăm trận trăm thắng", Nam bắt đầu rủ nạp tiền chung vào tài khoản của Nam để cùng chơi rồi ăn chia số tiền thu được.
"Thấy có khả năng kiếm được nhiều tiền nên tôi đã đồng ý dùng chung tài khoản của Nam. Tôi vay mượn bạn bè, người thân rồi nạp tiền nhiều lần để chơi. Nam nói lỗ hổng này chỉ vài hôm nữa là sẽ hết nên động viên tôi có bao nhiêu tiền thì nạp hết vào" - bà Thủy cho biết thêm.
Để làm tin, người đàn ông quen biết qua mạng còn chụp lại màn hình những lần nạp tiền bổ sung vào tài khoản gửi cho bà Thủy xem.
Theo đó, khi nạp tiền, hệ thống sẽ gửi số tài khoản cần chuyển là 299892166, mang tên "CONG TY TNHH MTV LFVN" tại VPBank.
Sau nhiều lần nạp và gửi tổng cộng hơn 14,7 tỉ đồng để "xác minh tài khoản", "đóng thuế", "tiền bảo hiểm", Nam thông tin cho biết đang bị đối tác tại Singapore phát hiện tài khoản "lenam1980" có số tiền lớn nên tạm thời không được về VN cho đến khi điều tra xong. Sau đó, Nam bảo bà Thủy chuyển tiếp theo yêu cầu của đối tác tại Singapore mới cho rút số tiền trên tài khoản đã nạp, nhưng bà Thủy không còn tiền để chuyển.
"Khi thấy tôi không chuyển tiền nữa, người này bất ngờ xóa tài khoản Facebook. Tôi vào TP.HCM tìm theo địa chỉ người này cho trước đó thì không thấy ai, gọi điện có đổ chuông nhưng không nghe máy nữa" - bà Thủy kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận