11/06/2024 15:50 GMT+7

Thủ đoạn lừa đảo lấy lại tiền bị… lừa đảo

Kẻ xấu mạo danh an ninh mạng, quảng cáo các dịch vụ như hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... để lừa tiếp nạn nhân.

Fanpage mạo danh an ninh mạng Công an Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.

Fanpage mạo danh an ninh mạng Công an Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an Đà Nẵng) cho biết vừa qua xuất hiện một số tài khoản Facebook mạo danh đơn vị, đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thủ đoạn lừa đảo 

Các trang này lồng ghép quảng cáo các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền lừa đảo.

Khi có người liên hệ, đối tượng cam kết hỗ trợ việc lấy lại tiền bị lừa đảo với thủ tục nhanh chóng, đơn giản.

Kẻ mạo danh hướng dẫn để bị hại cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa…

Căn cứ vào số tiền người dân cung cấp, các đối tượng yêu cầu phải đóng các loại phí, hoặc làm nhiệm vụ để lấy lại tiền. Khi người dân chuyển tiền, chúng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Thậm chí, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ bị hại đi cùng để sang các nước lân cận Việt Nam liên hệ lấy lại tiền nhưng mục đích là bán bị hại cho các ổ nhóm tội phạm.

Mạo danh công ty luật để lừa tiếp nạn nhân

Kẻ xấu còn mạo danh công ty luật, luật sư quảng cáo hỗ trợ giúp người dân lấy lại tiền bị lừa đảo.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho biết ông và công ty luật đã gặp phiền toái với kẻ mạo danh.

Theo luật sư Tuấn, ông lập hai trang Facebook và một fanpage. Luật sư Tuấn được một số khách hàng liên hệ để hỏi, nhờ tư vấn: "Luật sư có khả năng lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng Internet không?".

"Tôi rất ngạc nhiên vì từ khi hành nghề đến nay, khách bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên mạng khi nhờ tư vấn tôi đều hướng dẫn họ làm đơn gửi cơ quan công an nơi cư trú để được giải quyết theo đúng quy định. Tôi chưa một lần nào tư vấn hay thực hiện việc lấy lại tiền cho những người bị lừa đảo trên mạng" - luật sư Tuấn cho biết.

Luật sư Tuấn tìm hiểu thì biết có hai tài khoản Facebook đã sử dụng 23 hình ảnh của ông và công ty, tự nhận tư vấn online cho các trường hợp bị mất tiền, lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng…

Sau khi luật sư Tuấn trình báo công an, kẻ xấu đã tạm lắng một thời gian. Hiện lại tiếp tục có một số tài khoản Facebook mạo danh công ty luật của ông Tuấn với mục đích xấu.

Theo PA05, đây là thủ đoạn giả mạo nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền bị mất, các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội giả mạo lực lượng an ninh mạng, hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân.

PA05 khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... trên không gian mạng.

Không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được "hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ".

PA05 và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng.

Không bao giờ yêu cầu người dân đóng bất kỳ loại phí, hoặc làm nhiệm vụ để tiếp nhận hồ sơ, lấy lại tiền.

Đại tá công an giả, đi xe biển số xanh 80A giả, gặp công an thậtĐại tá công an giả, đi xe biển số xanh 80A giả, gặp công an thật

Sơn - đại tá công an giả - đi xe biển số xanh giả vừa bị Công an Đà Nẵng tạm giữ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên