03/07/2025 17:06 GMT+7

Công bố số liệu kinh tế Đà Nẵng, Quảng Nam trước và sau sáp nhập

Ngày 2-7, Chi cục Thống kê TP Đà Nẵng công bố một số điểm đáng chú ý về bức tranh kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm. Số liệu này được tổng hợp từ đóng góp kinh tế Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trước khi hai địa phương sáp nhập.

Công bố số liệu kinh tế Đà Nẵng, Quảng Nam trước và sau sáp nhập - Ảnh 1.

Trung tâm du lịch biển khu vực Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: HIỀN LÊ

6 tháng đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng (mới) ghi nhận mức tăng trưởng GRDP 9,43% - đứng thứ 8/34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập.

Đà Nẵng tăng trưởng cao hơn Quảng Nam trước sáp nhập

6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng GRDP Đà Nẵng (cũ) đạt 11,7%, thể hiện vai trò dẫn dắt với tốc độ phục hồi và phát triển vượt trội trong các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch.

Trong khi đó Quảng Nam (cũ) tăng trưởng 6,63%, đóng góp vào sự ổn định và nền tảng sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp của khu vực.

Sau đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ 8,78% trong quý 1-2025, nền kinh tế Đà Nẵng (mới) tiếp tục duy trì tốc độ phát triển tích cực trong quý 2 đạt mức 9,99%, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm lạc quan.

Theo phân tích của cơ quan thống kê, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phục hồi đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò đầu tàu với mức tăng 6 tháng đạt 13,19%.

Khu vực dịch vụ, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế thành phố, tăng trưởng giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm ước đạt 10,37%.

Công bố số liệu kinh tế Đà Nẵng, Quảng Nam trước và sau sáp nhập - Ảnh 2.

Ngành du lịch Đà Nẵng đang tạo động lực lan tỏa rất lớn cho các ngành khác - Ảnh: B.D.

Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng tăng cao đã thúc đẩy tiêu dùng và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,44%.

Chi cục Thống kê Đà Nẵng nhìn nhận sự tăng trưởng đồng đều giữa công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng (cũ) nửa đầu năm, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao và tạo đà cho phát triển bền vững trong các quý tiếp theo.

Đà Nẵng hiện đóng góp 2,5% GDP cả nước

Theo số liệu tới hết tháng 6-2025, quy mô GRDP theo giá hiện hành của Đà Nẵng (mới) đạt 148,8 nghìn tỉ đồng. Trong đó thành phố Đà Nẵng (cũ) đóng góp khoảng 81,3 nghìn tỉ đồng (chiếm 54,6%); Quảng Nam đóng góp khoảng 67,5 nghìn tỉ đồng, tương đương 45,4%.

Tỉ trọng GRDP cho thấy Đà Nẵng (cũ) giữ vai trò trung tâm kinh tế chủ lực với thế mạnh vượt trội ở các lĩnh vực gồm dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin và logistics.

Trong khi đó Quảng Nam (cũ) dù có tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong kỳ nhưng vẫn giữ vai trò nền tảng về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cung ứng lao động.

Sự chênh lệch về quy mô GRDP giữa hai địa phương phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế về phía đô thị trung tâm, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tính liên kết và bổ trợ vùng giữa hai địa phương.

Xét trên phạm vi toàn quốc, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố Đà Nẵng (mới) chiếm 2,5% GDP cả nước và xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng (mới) trong 6 tháng đầu năm 2025 dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp, với khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất (đạt 55,68% trong tổng GRDP).

Công bố số liệu kinh tế Đà Nẵng, Quảng Nam trước và sau sáp nhập - Ảnh 3.

Một góc trung tâm thành phố Đà Nẵng - Ảnh: B.D.

Chi cục Thống kê Đà Nẵng nhận định đây là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm dịch vụ, du lịch, giáo dục và logistics của khu vực, đặc biệt với sự dẫn dắt từ thành phố Đà Nẵng (cũ) được cho là đầu tàu tăng trưởng vùng.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,6%, phản ánh vai trò nền tảng của Quảng Nam trong sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp như Chu Lai, Tam Thăng và các cụm công nghiệp ven đô Đà Nẵng - Quảng Nam, cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Đà Nẵng (cũ).

Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,68%, cho thấy lĩnh vực này vẫn đóng vai trò nhất định, đặc biệt ở vùng ven và nông thôn Quảng Nam, mặc dù không giữ vai trò chính trong cơ cấu kinh tế.

Lợi thế lớn nhưng nhiều thách thức đang đặt ra cho Đà Nẵng

Theo Chi cục Thống kê Đà Nẵng, việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam đang tạo ra cơ hội bứt phá, thay đổi rất lớn.

Tuy nhiên nhiều vấn đề hiện nay thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập phải đối diện như các vấn đề mang tính toàn cầu; lượng doanh nghiệp của Đà Nẵng nhiều nhưng quy mô nhỏ; thành phố chưa thu hút được nhiều tập đoàn, tổng công ty trong cả nước đặt trụ sở tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó lực lượng lao động thủy sản của Đà Nẵng ngày càng khan hiếm, thực tế trong thời gian qua có nhiều trường hợp do khó khăn về tìm kiếm lao động nên chủ tàu phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản...

Những thách thức này cần có chính sách, giải pháp hợp lý để vượt qua.

Công bố số liệu kinh tế Đà Nẵng, Quảng Nam trước và sau sáp nhập - Ảnh 4.Tăng trưởng quý 2 hơn 8,3%, Đà Nẵng đưa ra kịch bản kinh tế nào?

Kinh tế Đà Nẵng quý 2 tăng trưởng đến 8,35%, cao hơn nhiều so với quý 1. Đà Nẵng đưa ra kịch bản tăng trưởng nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên