Các công trình căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng xâm phạm khu bảo tồn thiên nhiên khu vực hồ Điền Trì - Ảnh: SCMP
Tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực có hồ nước ngọt lớn thứ 6 của Trung Quốc này bị dư luận Trung Quốc lên án gay gắt các năm qua. Sau một tháng điều tra, tuần trước phái đoàn thanh tra của thành phố Côn Minh cáo buộc dự án trên đã biến một sườn núi xanh um cây cối trước đây thành một "núi ximăng".
Hành động quyết liệt hơn
Theo Côn Minh Nhật báo, hàng chục máy xúc và 1.700 công nhân đã được điều tới núi Trường Yêu để một mặt san phẳng các căn hộ và biệt thự trái phép, một mặt trồng cây con và phủ xanh lại những khoảng sườn núi đã bị dự án đó "bêtông hóa".
Báo cáo của Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc tuần trước cũng đã nêu rõ những sai phạm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực ven hồ Điền Trì (còn được gọi là hồ Côn Minh), một thắng cảnh nổi tiếng thuộc Côn Minh. Hồ Điền Trì là hồ nước ngọt lớn nhất vùng tây nam Trung Quốc, với diện tích mặt hồ khoảng 330km2.
Sau một tháng điều tra, các thanh tra viên đi đến kết luận dự án bất động sản phi pháp đã phá hoại hơn 90% bề mặt núi Trường Yêu ở bờ nam hồ Điền Trì, biến sườn núi một thời rợp bóng cây thành "ngọn núi ximăng".
Cũng trong ngày 7-5, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đăng bài viết nêu rõ tình trạng xây dựng hỗn loạn, phi pháp tại hồ Điền Trì, khẳng định núi Trường Yêu là một phần quan trọng trong cảnh quan chung của khu thắng cảnh gồm rừng, cánh đồng, hồ và hệ sinh thái đồng cỏ.
Trên thực tế, vụ việc hồ Điền Trì là một trong những chỉ trích công khai đáng kể nhất của một chính quyền địa phương Trung Quốc về sai phạm liên quan lĩnh vực cảnh quan môi trường trong những năm gần đây.
Một vụ việc tương tự đã diễn ra ba năm trước, khi Bắc Kinh công khai lên án chính quyền tỉnh Thiểm Tây vì đã phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc yêu cầu phá bỏ 1.200 biệt thự xây không phép trong khu vực bảo tồn thiên nhiên trên dãy Tần Lĩnh.
Tháng 1-2020, theo báo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình đã tới thị sát một vùng đất ngập nước ở hồ Điền Trì. Vào thời điểm đó, ông Tập yêu cầu chính quyền địa phương "không được hi sinh môi trường vì lợi ích ngắn hạn trong phát triển kinh tế".
Có lẽ cũng bởi thế mà không giống với giới chức tỉnh Thiểm Tây, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam - ông Nguyễn Thành Phát, và Chủ tịch tỉnh Vân Nam - ông Vương Dư Ba đã quyết liệt yêu cầu chính quyền Côn Minh phải mau chóng phá bỏ 813 biệt thự và 294 căn hộ đang "nằm chình ình" trên diện tích 230ha.
Biệt thự đâu phải con kiến
Hình ảnh các tòa biệt thự ngang nhiên mọc lên trong khu vực bảo tồn thiên nhiên gần hồ Điền Trì thời gian qua đã gây phản ứng rất gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc.
"Những cảnh tượng này thật kinh khủng! Thật sự lãng phí quá lớn!", một người viết trên cổng thông tin Sina của Trung Quốc.
"Các quan chức ở đâu khi những tòa nhà này bắt đầu xây dựng?", một người khác chất vấn. "Họ cần phải chịu trách nhiệm vì đã phá hoại môi trường và lãng phí tài nguyên", người này tiếp.
Các tòa biệt thự khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ là dự án của chủ đầu tư Northstar Group (Tập đoàn Sao Phương Bắc) - một tập đoàn tư nhân địa phương kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ ngọc bích, trà phổ nhĩ cho tới bất động sản.
Theo hồ sơ đăng ký của công ty, Sao Phương Bắc thuộc sở hữu của doanh nhân Ren Huaican. Ông này sinh năm 1951, là cư dân thường trú tại Canada.
Công trình xây dựng ven hồ Điền Trì được khởi động vào tháng 1-2015. Khi đó, dự án này được quảng bá là khu nghỉ dưỡng mang lại trải nghiệm du lịch quốc tế và bồi bổ sức khỏe với phần lớn các biệt thự, căn hộ của dự án ở ven hồ. Hầu hết các biệt thự đó (căn đắt nhất có giá hơn 20 triệu nhân dân tệ, tức hơn 3,1 triệu USD) đã bán hết.
Hãng tin Tân Hoa xã trong bài xã luận đăng cuối tuần trước (7-5) cho biết năm 2016 họ đã từng cảnh báo chính quyền địa phương về dự án biệt thự trái phép ở hồ Điền Trì, song nhà chức trách vẫn làm lơ. "Đó là một dự án xây dựng quy mô lớn. Tại sao chính quyền địa phương không thấy nó?" - bài báo viết.
"Bao nhiêu người đã liên quan dự án này và tình trạng tham nhũng phía sau vi phạm đó nghiêm trọng tới mức nào? Ai đã lừa dối công chúng và các cấp chính quyền lớn hơn?" - bài xã luận của Tân Hoa xã tiếp tục chất vấn.
"Vết sẹo" của Côn Minh
Tháng 2-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Côn Minh, yêu cầu chính quyền địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm nước hồ. Ông Tập thậm chí còn nói cái hồ đã trở thành "vết sẹo" của cả Côn Minh lẫn Vân Nam.
Từ năm 2018, chất lượng nước hồ Điền Trì đã bị xếp loại 4, mức ô nhiễm tệ hại cao thứ hai theo tiêu chuẩn nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận