20/02/2014 02:37 GMT+7

"Con khóc mẹ mới cho bú"?

PHẠM SANH
PHẠM SANH

TT - Theo dõi các bài viết “Cửa ngõ TP.HCM bao giờ thông thoáng hơn?” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 17 và 18-2, ông Phạm Sanh - chuyên gia về giao thông - đã gửi Tuổi Trẻ bài viết về vấn đề này.

Đường từ thành phố về miền Tây còn ngổn ngangCửa ngõ TP.HCM bao giờ thông thoáng hơn?Thêm đường cao tốc, giải tỏa cửa ngõ TP.HCM

vZvqr5HA.jpgPhóng to
Quốc lộ 1 tuyến đường hướng từ ngã ba An Lạc đi Long An đang quá tải - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Tại sao các trục đường cửa ngõ vào TP.HCM như xa lộ Hà Nội, vành đai phía đông, quốc lộ 13, tỉnh lộ 10, quốc lộ 50, quốc lộ 1 (đoạn qua Bình Chánh), đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt và cao tốc TP.HCM - Trung Lương... thường xảy ra hiện tượng thắt nút cổ chai ở một số đoạn và tai nạn giao thông luôn rình rập? Nguyên nhân được nhiều người trong cuộc và đơn vị có trách nhiệm đưa ra xoay quanh vấn đề thiếu vốn và chuyện giải tỏa bồi thường chậm, không có mặt bằng cho thi công, cả vấn đề vốn quá lớn do trượt giá. Theo tôi, đó là hiện tượng dễ thấy và dễ vin vào để biện minh cho sự chậm trễ dẫn đến gây thiệt hại khá lớn cho xã hội.

Tôi xin đưa ra các nguyên nhân căn cơ hơn.

Thứ nhất, chúng ta chưa coi trọng công tác quy hoạch dẫn đến thiếu tầm nhìn, thiếu cách nghiên cứu bài bản khoa học làm thiếu tính khả thi và tính ổn định của một đồ án quy hoạch giao thông đô thị tổng thể.

Khi nói về quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, thường phải tính đến cả hệ thống mạng lưới đường mang tính thứ bậc từ đường cao tốc, đường trục chính đô thị, đường trục chính khu vực, đường khu phố, đường khu nhà ở, đại lộ... Chức năng cũng hết sức đa dạng, cần đồng bộ và phát huy hiệu quả cao cho cả hệ thống mạng lưới như vành đai, xuyên tâm, chuyển tiếp, gom; nghiên cứu và thực hiện phải mang tính cộng đồng và đánh giá rút kinh nghiệm phát triển điều chỉnh quy hoạch theo thời gian.

Hiện nay quy hoạch giao thông cứ điều chỉnh theo các dự án thực tế, theo các bức xúc hằng ngày của người dân và xã hội. Làm xong một vài dự án thấy thông thoáng hơn là mừng, không dự báo xa hơn, không nối kết để phát huy hiệu quả ổn định lâu dài, thiếu tập trung hoàn chỉnh cả quy hoạch. Tư duy “con khóc mẹ mới cho bú” vẫn còn.

Thứ hai, chúng ta vẫn lúng túng trong công tác giải tỏa bồi thường, ngành đẩy cho địa phương, các cấp địa phương lại đùn đẩy lẫn nhau, ban quản lý dự án ngồi chờ và báo cáo đùn đẩy trách nhiệm. Tại sao luật đã có rồi mà chúng ta không thực hiện, với các dự án có khối lượng giải tỏa lớn phải được tách ra thực hiện trước khi làm các dự án xây dựng khác; với các dự án mà khâu giải tỏa quá phức tạp, tại sao không thành lập một đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM chuyên về vấn đề này?

Thứ ba, thường xảy ra hiện tượng thiếu phối hợp tốt, thậm chí thiếu nhiệt tình ở các dự án trung ương quản lý nhưng lợi ích nằm ở địa phương. Tại sao không có một tổ chức điều phối chung, quy trách nhiệm cụ thể và kiểm soát tiến độ lẫn rủi ro thật kịp thời? Ở nhóm dự án này, việc thực hiện phân kỳ cũng như kiểm soát quy mô dự án rất quan trọng để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách địa phương.

Ngoài ra, với các dự án có quy mô lớn và tính chất khá phức tạp ngoài khả năng kỹ thuật lẫn tài chính của nhà đầu tư, TP.HCM cần giám sát chặt chẽ, nếu cần cũng phải thay đổi nhà đầu tư hoặc phương thức đầu tư, ví dụ dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đoạn qua Dĩ An.

PHẠM SANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên