21/09/2013 11:20 GMT+7

Côn Đảo tự do

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Gần 70 năm rồi còn gì, quên nhiều rồi cháu ạ” - ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên bộ trưởng Bộ Lao động, cười với nụ cười rắn rỏi hiếm thấy của tuổi 94. Nói vậy nhưng ông không quên. Nói vậy nhưng những câu chuyện ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo những ngày tháng 8, tháng 9-1945 và chuyến tàu về đất liền từ 68 năm trước ấy vẫn rõ, mồn một trong ký ức của ông.

Kỳ 1: Từ Côn Đảo về với Nam bộ kháng chiến Kỳ 2: Ghe bầu vượt biển

lMjxc8Vh.jpgPhóng to

4KfMZ4pw.jpgPhóng to
Nhân dân Sóc Trăng đón các chiến sĩ cách mạng trở về từ Côn Đảo năm 1945 - Tranh: Tô Dự

Nghe Tuyên ngôn độc lập qua sóng radio

“Năm 1943, đang công tác ở vị trí bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi bị chỉ điểm, bị bắt, tòa án xử 20 năm khổ sai và đưa ra Côn Đảo. Sau một thời gian bị giam cấm cố, tôi và một số anh khác được Pháp đưa ra ngoài với yêu cầu lập một xưởng thuộc da để tận dụng số da bò từ những con bò bị giết mỗi ngày ở đảo. Không ai biết nghề nhưng vẫn làm, và cuối cùng cũng làm được. Làm để được ra ngoài, có điều kiện giúp đỡ anh em trong banh, và có điều kiện hỏi han tin tức nữa”, câu chuyện của ông Chân bắt đầu rành mạch. Từ xưởng thuộc da của mình, ông đã được chứng kiến quân Nhật đến bắt giữ chúa đảo người Pháp, rồi Nhật lại rút đi để lại những công chức, giám thị người Việt. Chính từ những người lính Việt này, tin Việt minh khởi nghĩa cướp chính quyền đã đến tai những người tù chính trị.

“Ngày 2-9, anh em làm ở sở dây thép bắt được sóng của Đài Bạch Mai, nghe được Tuyên ngôn độc lập và danh sách các thành viên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”, ông Nguyễn Thọ Chân mỉm cười như 68 năm về trước. Những thông tin có cánh này lập tức bay đi khắp đảo. Những cái tên Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đều quen thuộc quá, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai thì lại chưa biết đích xác, nhưng nhất định đây là chính phủ cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo rồi. Anh em các khám vỗ tay hoan hô ầm trời.

Cửa khám, cửa banh đều mở bung ra. Chưa nắm được chính quyền ở đảo nhưng tù nhân đã đấu tranh để được cử đại diện vào hội đồng tham chính. Đội phòng thủ Côn Lôn được thành lập, có tới 300 người do ông Phạm Hùng và Phan Trọng Tuệ phụ trách. Ông Tôn Đức Thắng, anh Hai Thắng của đảo, vừa ra ngoài lập tức bắt tay vào sửa chữa chiếc radio đã bị quân Nhật phá hỏng trước khi rút. Radio vừa sửa xong đã bắt ngay được sóng của một đài phát thanh nước ngoài đang phát lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mọi người nghe như nuốt từng lời. “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập...”. Như nắng hạn gặp mưa rào.

Hồi ký của ông Mai Chí Thọ ghi lại những ngày kỳ lạ ấy: “Tự do đến với chúng tôi như cái gì đó rất tự nhiên, không cần đòi hỏi, không cần bạo lực. Chúng tôi đi từ khám này đến khám kia, từ banh này sang banh khác, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò hả hê, cười nói huyên thuyên, không đề tài nào ra đề tài nào, như say như tỉnh. Mọi khâu tổ chức ở đảo mau chóng được thu xếp xong, chỉ còn việc về với đất liền là không biết phải thế nào. Cả đảo chỉ có một chiếc canô già cỗi, ọp ẹp, cụ Tôn và hai anh thợ máy Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước sửa mãi không xong. Tin tức gián đoạn. Ai nấy nôn nóng cháy ruột cháy gan”.

“Là ta, tàu của ta...”

Cháy ruột cháy gan thì cũng vẫn phải chờ. Công việc rồi cũng xong. Ngày 15-9-1945, ông Hai Thắng sửa xong canô, anh em chuẩn bị cử người vào liên lạc với đất liền. Tối 16-9, đội phòng thủ báo tin: có một đoàn tàu ghe lạ đã tới địa phận đảo và cặp bến Cỏ Ống.

Cả đêm toàn đảo không ngủ. 18 đội phòng thủ được chỉ thị chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở các banh, anh em xôn xao bàn tán và hạ quyết tâm: “Nếu là địch sẽ đánh một trận quyết tử, quyết không ở tù nữa”. Các trinh sát được phái đi, tin tức báo về tỉ mỉ. Các đồng chí lão thành trong Đảo ủy phân tích và khẳng định: là ghe tàu của chính quyền cách mạng cử ra. Mờ sáng, ông Tôn Đức Thắng lái chiếc canô vừa sửa xong, cùng ông Lã Vĩnh Lợi đi vòng quanh đảo sang bãi Cỏ Ống.

Ông Lã Vĩnh Lợi kể: “Đi một lát, canô của chúng tôi tới Cỏ Ống. Thấy chiếc tàu nhỏ đỗ sát bờ bên dãy vách đá lởm chởm, tôi nói với bác Tôn: “Chắc hoa tiêu và người lái không thuộc luồng lạch nên tấp đại vô đây”. Chúng tôi lái canô đến sát tàu, thấy bên hông có chữ Phú Quốc. Tôi leo qua mạn, vẫn không ai động tĩnh gì. Mọi người đều đang ngủ say. Tôi gọi anh nằm ngoài: “Sao anh nằm đây?”. Anh dụi mắt ngồi dậy giới thiệu: “Tôi là Tưởng Dân Bảo, được chỉ thị của Chính phủ ra đón các anh ngoài Côn Đảo về. Tàu chúng tôi gặp cơn dông, chống chọi quyết liệt hai giờ đồng hồ, mãi đêm mới tới đây. Mệt quá đành tấp vô, sáng ra rồi tính”.

Thế là niềm vui, nỗi chờ đợi đã đủ vỡ òa.

Ông Tưởng Dân Bảo nhảy ngay sang canô để được “đi cùng với anh Hai Thắng”. Canô chạy trước, tàu Phú Quốc chạy sau, lại vòng qua đảo về cầu tàu. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên phất phới trên cột tàu Phú Quốc thổi bùng lên niềm sung sướng, hạnh phúc của mấy ngàn tù nhân. “Chúng tôi như được sống lại, được tái sinh”, ông Nguyễn Thọ Chân kể. Những tiếng hoan hô vang trời động đất. Những người tù gầy trơ xương chạy ra ôm ghì lấy ông Tưởng Dân Bảo: “Thằng Bảo! Thằng Bảo! Vậy mà cả đêm qua anh em cứ phải lo phòng thủ...”.

Lúc ấy đoàn ghe bầu do ông Lý Văn Chương dẫn đầu cũng vừa đến nơi.

mOisFBnE.jpg
Hành trình đoàn tù chính trị vượt sóng về bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) - Ảnh: T.Trung

“Đại bàng vỗ cánh tung lồng hẹp...”

Chiều 17-9, một cuộc mittinh được tổ chức giữa Côn Đảo trong không khí vui như tết ở quê nhà. Cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm những người tù tự chế vội bay phất phới, bản Quốc tế ca âm vang hùng hồn từ những lồng ngực đang muốn mở tung mặc kệ những vết thương lở lói. Gương mặt chai sạn đến khô khốc của nhiều cựu tù bỗng ướt nước mắt. Ông Tưởng Dân Bảo thay mặt phái đoàn của Chính phủ đọc quyết định của Ủy ban hành chính Nam bộ về việc đón chính trị phạm tại Côn Đảo và tuyên bố: “Từ giờ phút này, Côn Đảo là một phần của Tổ quốc ta, đã hoàn toàn tự do và độc lập”. Một số viên chức và tù thường phạm cũng được thông báo sẽ được giải quyết trở về đất liền trong thời gian nhanh nhất.

Những tiếng hoan hô như sấm dậy. Cuộc tuần hành tưng bừng quanh các con đường quanh co, dưới bóng những cây bàng cổ thụ lần đầu diễn ra ở Côn Đảo. Những người tù vẫn đang mặc áo tù, vẫn mang đầy thương tích nhưng những gông cùm xiềng xích như đã tan biến, những banh, những khám như đã sụp đổ.

Sức sống mới thổi vào mọi hoạt động. Ai cũng biết Côn Đảo chỉ có máu và nước mắt nhưng đảo ủy cũng tổ chức Tuần lễ vàng để hưởng ứng chủ trương Chính phủ, đóng góp phần của mình. Tiền của anh em cất giấu được, của gia đình, vợ con các công chức ở đảo nay đã theo cách mạng góp được khoảng 2.000 đồng, chờ gửi về đất liền; tổ chức thăm mộ các liệt sĩ, các nhà yêu nước đã hi sinh ở Hàng Dương; chỉnh sửa các ghe, tàu, đóng thêm các sạp ngồi để chuẩn bị về đất liền; lập danh sách, số lượng người đi trên từng ghe, tàu cụ thể... Tù chính trị ở các đảng phái, các xu hướng khác, một số công chức và tù thường phạm cũng đều được lên danh sách xuống tàu.

Sáng 23-9, chiếc tàu Phú Quốc cùng 23 ghe bầu chở trên 1.800 người tù chính trị rời Côn Đảo. Những người còn lại sẽ được tiếp tục đón ở đợt 2. Ông Nguyễn Thọ Chân được xếp đi trên tàu Phú Quốc, tàu chở tới hơn 170 người. Ông Mai Chí Thọ cũng đi trên tàu này, và bỗng nhiên ông bật ra mấy câu thơ: Cách mạng thành công như giấc mơ/ Bứt tung xiềng xích phá lao tù/ Đại bàng vỗ cánh tung lồng hẹp/ Bay dưới trời sao lộng gió thu.

Anh Hai Côn Đảo Tôn Đức Thắng không đi tàu, cũng không xuống ghe bầu. Ông muốn nhường chỗ để càng nhiều người được về đất liền càng tốt. Ông lấy sơn vẽ lên chiếc canô nhỏ xíu, cũ kỹ mình vừa sửa chữa hai chữ “Giải Phóng”, tự tay cầm lái, chạy theo đoàn ghe.

Kỳ tới: Chiếc canô của người tù 5289-20TF

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên