Đó là con bé đen nhẻm bán kẹo cao su trên phố, cũng là đứa... có phúc được học tôi, một anh thầy "danh giá". Nhưng thật ra tôi lại học được từ nó bài học làm người.
Ngày đó, tôi chu du vào miền Trung đầy nắng gió với "tư cách" là thằng công tử bột thi trượt.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, được nuông chiều từ bé, quen được ăn uống đầy đủ, quen với quần là áo lượt sáng loáng, quen được người khác làm cho mọi việc, quen được bảo vệ và chở che từ cha mẹ. Vì thế tôi ham chơi hơn ham học, sống buông thả và ích kỷ.
Điểm tốt duy nhất của tôi là sự thông minh sáng dạ, hiểu bài rất nhanh. Dù ham chơi nhưng tôi vẫn đạt học sinh giỏi suốt thời phổ thông, một phần vì thông minh, phần khác vì cha mẹ đã "giúp đỡ" để thành tích học tập của tôi được suôn sẻ.
Tôi cứ sống như vậy đến khi thi trượt đại học, phải vào học "nguyện vọng bổ sung" tại Trường đại học Đà Nẵng trong miền Trung xa xôi.
Xa nhà, tôi càng thả phanh chơi bời vì nghĩ rằng mình đã thoát khỏi sự kìm kẹp của cha mẹ. Giờ thì chẳng ai cản được tôi. Tôi "bùng" học như cơm bữa, sớm tối mài đũng quần ở quán game. Chơi chán, tôi tham gia hội đánh bài rồi gây sự đánh nhau, vung tiền mua xe đời mới và những thứ xa xỉ.
Đến một ngày, thằng công tử con thong thả bước trên phố. Gió lộng, trời xanh, nắng dịu, không khí thoang thoảng mùi biển. Tôi thản nhiên móc viên kẹo cao su trong túi bỏ vào miệng tóp tép rồi vứt toẹt vỏ kẹo xuống vỉa hè, ngước nhìn những đám mây đang bồng bềnh trôi.
Một cái khều vai khiến tôi giật thót. Giọng trẻ con vang lên: "Sao anh vứt rác bừa bãi vậy?". Tôi quay đầu lại nhìn. Một con bé đen nhẻm, chân đi dép lê, áo quần nhem nhuốc, đôi mắt như đang cười trách móc. Tôi gân cổ lên giọng:
- Mày có quyền gì mà nói tao?
Giọng nó vẫn nhẹ nhàng:
- Anh quăng vỏ kẹo làm dơ vỉa hè kìa. Ai mà cũng quăng như anh thì đường sẽ thành bãi rác...
Tôi vẫn ngang bướng:
- Đâu phải chuyện của mày? Tao không nhặt đấy, cùng lắm tao thuê người nhặt một buổi là sạch cả phố này...
Nó cười cười, có chút láu cá:
- Tiền đó là của anh á hả?
Tôi chột dạ. Đúng là tiền đâu phải của tôi. Đó là tiền của ba mẹ tôi đấy chứ. Từ bé tôi muốn gì được nấy, tiêu xả láng tiền. Ba mẹ thương tôi nên chiều tôi, vì thế tôi đâu nghĩ gì đến việc ba mẹ kiếm tiền ra sao. Nghĩ đến đó, tôi giật mình nhìn quanh.
Con bé đã đi mất. Nhìn xuống đất, cái vỏ kẹo đã không còn.
Chỉ vậy thôi, trong con người tôi có một cái gì đó đã thay đổi. Đêm nằm ngủ, hình ảnh con bé đen nhẻm trên phố lại hiện lên rõ ràng với đôi mắt cười và giọng nói nhẹ nhàng nhưng lại có uy lực ghê gớm.
Hôm sau, tôi ra đường, chờ cả ngày để gặp con bé bán kẹo. Rồi cũng gặp được nó. Nó đi bán hàng cả ngày, rồi cũng có lúc đi qua chỗ tôi. Thấy nó, tôi hất hàm:
- Ê, hôm qua tao sai, giờ tao mua hết hàng cho mày được không?
Nó khinh khỉnh:
- Em chẳng cần.
- Vậy tao làm gì?
- Anh là sinh viên phải không? Dạy em chút tiếng Anh để nói chuyện với mấy ông Tây đi.
Thế là tôi trở thành thầy dạy tiếng Anh cho nó và mới biết nó tên là Trang. Chiều muộn, bán hết hàng là nó lại đến học. Một thầy, một trò, một cái ghế đá, thế là thành lớp học. Nó sáng dạ nên học rất nhanh, vài tuần là nhớ khá nhiều từ và giao tiếp cơ bản.
Bé Trang kể gia đình nó là nông dân, từ bé đã phải ra đồng giúp mẹ, rồi đan rổ rá kiếm thêm. Bố mất, nó buộc phải lên thành phố kiếm tiền nuôi các em.
Nhờ dạy học cho con bé mà tôi đã thay đổi, như trở thành một con người khác. Tôi chăm học hơn, bớt chơi hơn. Bài bạc, game gủng tôi cũng dần quên đi, thay vào đó là việc đi tình nguyện. Đúng ra, việc dạy học có lợi cho cả thầy và trò.
Một tháng sau khi tôi dạy bé Trang học, nó biến mất mà không để lại dấu tích gì.
Sau đó, ngày nào tôi cũng ra phố cũ chờ mà vẫn không thấy nó đâu. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng tôi từng có một người học trò, rằng tôi đã thực sự được trải nghiệm niềm vui làm thầy giáo, điều mà trước đây có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến.
Tôi đã quá vô tâm khi không tìm hiểu xem bé Trang ở đâu, do vậy giờ đây chỉ còn sự hụt hẫng và nỗi nhớ, nhớ một người bạn đặc biệt đã làm tôi thay đổi.
Từ ngày 9 đến 15-7, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Hồ, Nguyễn Thị Quang, Ngô Xuân Hội, Bạch Thị Huệ, Diệp Kim Tùng, Huỳnh Văn Mỹ, Phạm Hà Tĩnh (TP.HCM); Hiền Dương (Hà Nội); Nguyễn Ngọc Hằng (Bắc Giang); Nguyễn Thị Kim Thanh (Hải Phòng); Cao Ngọc Toản (Huế); Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng); Nguyễn Đăng Những (Quảng Trị); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Lê Quang Thọ (Đắk Lắk); Nguyễn Thị Mai Trâm (Bà Rịa - Vũng Tàu); Lê Thị Mạc (Sóc Trăng); Huỳnh Ngọc Yến (Kiên Giang); Phạm Nguyên Ngọ (An Giang).
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi").
Trân trọng.
đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận