17/03/2014 12:30 GMT+7

Cơm bụi Philippines và "cháo lòng VN" ở Palawan

THUY OCG
THUY OCG

TTO - Cho đến đêm trước ngày rời khỏi đảo Palawan (Philippines), chúng tôi mới hiểu được vì sao người dân ở đây lại nói “cháo lòng” khi nhắc đến Việt Nam.

Dù không phải là người dễ ăn uống, nhưng khi đến bất kỳ miền đất mới nào, tôi đều tìm kiếm cơ hội được thưởng thức đồ ăn theo cách người bản địa bình thường.

Đó luôn là một trải nghiệm thú vị và quý giá cho một chuyến đi.

i5ZXg7V1.jpg
Một quán “cháo lòng Việt Nam" ở Puerto Princesa - Ảnh: Giang Nguyên

Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Puerto Princesa đảo Palawan (Philippines) lúc 10g sáng và được hướng dẫn đi bộ ra ngoài sân bay để tìm xe buýt đi về El Nido.

Nằm cách sân bay không xa, ngay trên trục lộ chính với nhiều cây xanh có một đại lý du lịch nằm giữa mấy căn nhà nhỏ.

Trong khi bạn đồng hành vào hỏi thuê xe và một số thông tin cho chuyến đi, tôi xách máy ảnh dạo phố. Mấy anh tài xế xe tricycle (một loại xe gắn máy có 3 bánh và thùng xe khá lớn để chở khách) đậu la liệt dọc đường nháy mắt bắt chuyện và mời chúng tôi làm một vòng thủ phủ.

Do phải đợi xe bốc hàng xong là khởi hành đi En Nido ngay nên mọi người từ chối. Cũng đã đến giờ cơm trưa nên phải đi tìm quán ăn.

Cơm bụi Philippines

Ngay cạnh đại lý du lịch có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thoạt nhìn giống các gian hàng bán đủ thứ thập cẩm ở làng quê Việt Nam, hàng hóa treo tòng teng trên tường hay ô cửa.

Trên dãy bàn ngang bày mấy cái khay và một loạt nồi đậy vung sạch sẽ, phía ngoài chừa chỗ trống và có hàng ghế dài dưới mái hiên.

Góc bên kia cũng có bàn và ghế, chuối treo lủng lẳng trên mặt bàn. Tôi tò mò xin mở thử mấy chiếc nồi ra xem, thấy toàn các món ăn rau trộn, rau xào, cơm canh, thịt, cá.

Hai cô chủ quán đang lúi húi dọn đĩa và lấy đồ ăn cho khách. Quán không quá đông, nhưng đủ để bận rộn. Mấy tài xế xe tuk tuk ghé ăn. Mấy ông già nhà có lẽ ở gần đó cũng ghé ăn. Có cả khách Tây đi qua dừng lại. Và nhóm chúng tôi, cũng quyết định cho bữa trưa của mình, ở đây.

Sau này khi có nhiều thời gian đi lại Philippines, tôi nhận ra đây là một kiểu cửa hàng cơm bình dân điển hình của đất nước này.

aKm8uVok.jpg
Một du khách phương tây dừng chân trước quán cơm bụi ở Puerto Princessa - Ảnh: Giang Nguyên
nH9hkcf6.jpg
Quán cơm bụi kiêm cửa hàng tạp hóa - Ảnh: Giang Nguyên

Quán bày nồi niêu và khay đồ ăn trên bàn dài cạnh cửa sổ. Khách đến mua và ngồi ăn ngay phía ngoài, cũng có bàn ghế rời trong quán để phục vụ.

Mỗi quán kiêm luôn một cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo, đồ ăn nhanh, nước uống, thuốc lá, hóa mỹ phẩm với quy mô nhỏ chuyên phục vụ dân địa phương và khách qua đường.

Mỗi người trong nhóm tự chọn cho mình một vài món ăn gồm cơm trắng, canh, rau và thức ăn. Về hình thức thì các món ăn nom khá giống các món cơm bụi Việt Nam.

Súp rau củ, hành tím trộn cà chua, thịt kho, cá rán hoặc sốt. Nhưng cách nấu và nêm nếm gia vị thì theo kiểu Philippines.

Ví như món thịt lợn kho được nấu lửa chậm với giấm, nước tương, tỏi, hành tây, hạt tiêu và muối. Canh thập cẩm có đậu phụ, cà chua, hành tây, đậu xanh cắt hạt lựu, nấu cùng me chua hoặc chanh. Nhiều món ăn nấu dưới dạng nước sốt, vì thế dễ hiểu vì sao trên bàn lại có rất nhiều nồi chứ không phải là khay.

Việt Nam và "cháo lòng"

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò với những người khách cùng ăn trong quán. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, một vài người trong quán thốt lên câu “cháo lòng” khiến mọi người vô cùng kinh ngạc.

Cho đến đêm trước ngày rời khỏi đảo Palawan, chúng tôi mới hiểu được vì sao người dân ở đây lại nói “cháo lòng” khi nhắc đến Việt Nam.

Thì ra, Palawan là nơi có nhiều người Việt đến làm ăn và định cư từ rất lâu, thậm chí còn hình thành nên những khu làng Việt. Dọc hai bên đường gần sân bay có khá nhiều quán ăn viết tên tiếng Việt rõ ràng với món “cháo lòng”. Những tưởng được thưởng thức món ăn khoái khẩu ở xứ người thì cả nhóm đều “ngã ngửa” khi chủ quán nào cũng chìa ra cái menu với chữ “noodle” (mì, phở).

Phải đi mấy quán ngó nghiêng tìm hiểu, mới nhận ra món “cháo lòng” mà người dân đảo Palawan gọi chính là món phở của Việt Nam.

Phở gà, phở bò, phở heo (lợn), thậm chí phở không người lái. Dường như trong quá khứ xa xôi, khi người Việt đến đây sống và kinh doanh hàng ăn, đã có một sự nhầm lẫn đủ lớn để ở Palawan, người bản địa luôn kêu món phở mà họ yêu thích với cái tên “cháo lòng”.

ynge5bF4.jpg
Bữa cơm bình dân - Ảnh: Giang Nguyên

Thật là một câu chuyện bất ngờ và đáng nhớ trong hành trình khám phá Palawan!

THUY OCG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên