23/06/2019 14:46 GMT+7

Cỗ xe ASEAN và lằn ranh Mỹ - Trung

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các lãnh đạo ASEAN hiểu rõ hậu quả của việc nghiêng hẳn về một bên. Trung dung là điều cần thiết, nhưng đứng giữa thế nào là cả một nghệ thuật!

Cỗ xe ASEAN và lằn ranh Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Cảnh sát Thái Lan đón chào phái đoàn đến tại địa điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bangkok - Ảnh: AFP

Thái Lan, chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, muốn chốt được Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đầy tham vọng giữa ASEAN và Trung Quốc trước cuối năm nay. Trong khi đó, Indonesia - nền kinh tế số 1 khu vực - muốn cả khối có một chiến lược hẳn hoi về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Singapore phản đối

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành một từ khóa "hot" trong thời gian gần đầy. Sự kỳ vọng của Indonesia đối với một tầm nhìn cho khu vực này là rất lớn, theo sau sự khởi xướng của Mỹ và Pháp. Jakarta đã vận động hành lang các nước trong khối với hi vọng ASEAN sẽ công bố chiến lược này trong Hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra ở Bangkok.

Nhưng cách đây một tuần, một nhà ngoại giao Indonesia tiết lộ Singapore đã phản đối tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Indonesia đề xuất. 

Theo giới quan sát, có vài nguyên nhân nhưng lý do chính là Singapore không muốn ASEAN nghiêng hẳn về Mỹ trong khi đang ở cạnh Trung Quốc và thực tế Bắc Kinh là đối tác thương mại số 1 của nhiều nước trong khu vực. 

Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, đã từng bày tỏ lo ngại đến một ngày nào đó ASEAN sẽ phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc - điều mà theo ông, là quyết định đầy khó khăn và đau đớn.

"Singapore nói rằng họ muốn ASEAN phải thảo luận sâu hơn về tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng khi được hỏi vấn đề là gì, họ lại không đưa ra câu trả lời. Chiến lược này đã được bàn luận hơn cả năm rồi chứ đâu phải mới đây" - nhà ngoại giao không nêu tên Indonesia tỏ ra bức xúc.

Trong hơn 20 năm qua, ASEAN đã cố gắng "ASEAN hóa" không chỉ trật tự khu vực Đông Á mà còn các mối quan hệ giữa những nước lớn trong khu vực. 

Những thành công là đáng kể, như Hội nghị cấp cao Đông Á với sự hiện diện của 10 nước ASEAN, 3 quốc gia Đông Bắc Á và 5 nước đối tác bao gồm Mỹ, Nga, Úc, New Zealand và Ấn Độ.

Indonesia lập luận một tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ làm nổi bật hơn nữa vai trò của ASEAN trong khu vực mới, bối cảnh mới. Nhưng các tiếng nói chỉ trích và phản đối trong ASEAN cho rằng Jakarta làm điều này vì đang muốn thúc đẩy lợi ích của chính họ, không phải cả khối.

Lợi thế của Trung Quốc

"Thái Lan đang cố gắng xúc tiến kết thúc các cuộc đàm phán RCEP trong năm nay - Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố trước các doanh nghiệp tại Bangkok ngày 21-6 - Tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đều đã đồng ý chuyện này".

Việc Thái Lan là nước chủ tịch ASEAN 2019 đã đem lại lợi thế cho Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bangkok nồng ấm hơn nhiều so với mối quan hệ đôi lúc trắc trở với Singapore - nước giữ cương vị chủ tịch ASEAN năm ngoái. RCEP không chỉ có Trung Quốc mà còn 5 nước đối tác khác của ASEAN. Nhưng nếu tiến trình đàm phán RCEP kết thúc trong năm nay, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc và sang Đông Nam Á.

Một vấn đề khác đã được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua: Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong khi các lãnh đạo ASEAN được kỳ vọng có thể đề cập tới vụ "va chạm" gần đây giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines tại Bãi Cỏ Rong, khả năng đạt được bất kỳ tiến bộ nào về COC là không cao.

Giữ cỗ xe đã 52 tuổi tên ASEAN chạy đúng đường ngày càng trở thành một nhiệm vụ khó của các lãnh đạo, khi các lợi thế về địa chính trị chiến lược có thể bị làm lu mờ nếu ASEAN không chứng minh được tiếng nói và vai trò trong các vấn đề quốc tế mà vẫn đảm bảo được lợi ích của khối.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên